TS. Võ Trí Thành: Doanh nghiệp tư nhân phải 'chơi thật'

An Chi - 09:58, 17/03/2019

TheLEADERTrong bối cảnh kinh tế mới, TS. Võ Trí Thành cho rằng, các doanh nghiệp tư nhân phải phát triển thực chất dựa trên năng lực của chính mình, thắng thật chứ không phải thắng nhờ những ưu đãi của Chính phủ.

TS. Võ Trí Thành: Doanh nghiệp tư nhân phải 'chơi thật'
TS. Võ Trí Thành.

Nguyên nhân khiến kinh tế tư nhân chậm phát triển

Trong những năm qua, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam đã có bước phát triển cả về lượng và chất. Tuy nhiên sự phát triển này vẫn đang phải đối mặt với nhiều rào cản, chưa phát huy được hết tiềm năng để thực sự đóng vai trò là "động lực quan trọng của nền kinh tế. 

Có nhiều nguyên nhân đã được các chuyên gia chỉ ra để giải thích cho thực trạng yếu kém của khu vực kinh tế tư nhân. Tại diễn đàn Triển vọng phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, ông Nguyễn Quang Huân, Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cho rằng, việc thực thi pháp luật trong toàn xã hội chưa nghiêm, làm chậm và giảm hiệu quả việc thực thi các quyết sách của Nhà nước. 

Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh chưa đủ sức bứt phá trong quá trình cạnh tranh với các nước trong khu vực. Đơn cử như năm 2018 Việt Nam đã tụt ba bậc về năng lực cạnh tranh và một bậc về môi trường kinh doanh theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới và Ngân hàng thế giới. So với các nước trong khu vực ASEAN, Việt Nam chỉ đứng mức giữa và bị bỏ khá xa so với những các nước đứng đầu như Singapore, Malaysia, Thái Lan và Brunei.

Những chỉ số này rõ ràng cho thấy sự sụt giảm sức hấp dẫn của môi trường đầu tư. Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang phải tiếp tục vật lộn với nạn tham nhũng và sự thiếu bình đẳng mà không chắc chắn rằng khi nào thì sẽ được kinh doanh trong một môi trường tương tự như ở các nước đang dẫn đầu khu vực.

Bên cạnh đó, tuy đã có tiến bộ trong cải cách hành chính, nhưng bộ máy vẫn còn quan liêu, cộng với một vài nơi còn có những cán bộ công chức yếu kém, vụ lợi làm thui chột cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.

Cũng theo ông Huân, các doanh nghiệp tư nhân chủ yếu nhỏ, vừa và kinh tế hộ gia đình nên ít có cơ hội tiếp cận được nguồn lực nhất là đất đai và tài nguyên khác, do phần lớn nguồn lực nằm trong tay các doanh nghiệp nhà nước đang chậm được cổ phần hóa nên nguồn lực dành cho các doanh nghiệp tư nhân chậm được khai thông. 

Mặt khác, việc tổ chức sản xuất, kinh doanh nhỏ, phân tán, kỹ thuật lạc hậu, sức cạnh tranh yếu của doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh cá thể trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại và dịch vụ dẫn đến bị bỏ lại phía sau trong cuộc cạnh tranh toàn cầu khi thực hiện gia nhập WTO hàng thập kỷ qua.

Thời gian tới, tình trạng này vẫn khó được cải thiện trong bối cảnh cắt giảm thuế quan, dỡ bỏ rào cản thương mại và mở cửa thị trường sâu hơn, rộng hơn theo các cam kết trong những hiệp định FTA thế hệ mới. Sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt, nhiều ngành, doanh nghiệp và sản phẩm của nước ta sẽ gặp khó khăn hơn.

Việc thực hiện các cam kết sâu rộng và cao hơn, nhất là vấn đề lao động, việc làm, bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu nội luật hóa các cam kết nếu không được nghiên cứu, chuẩn bị kỹ, có lộ trình và bước đi phù hợp, sẽ tác động tiêu cực đến quá trình đổi mới, hoàn thiện thể chế, giải quyết những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, ông Huân nhận định. 

Cùng với đó, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn biến phức tạp, khó lường. Chủ nghĩa bảo hộ lan rộng bằng cách đánh thuế hàng nhập khẩu, thu hẹp hạn ngạch hay nâng cao tiêu chuẩn về chất lượng, xuất xứ và vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ thu hẹp thị trường xuất khẩu hoặc sẽ làm cho việc xuất khẩu trở nên khó khăn hơn. 

Trước bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước, ông Huân cho rằng, kinh tế tư nhân rất cần được Chính phủ giúp sức để nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, giành lợi thế cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp không ngừng, góp phần xây dựng nền kinh tế. Có như vậy, khu vực kinh tế này mới có thể phát triển xứng đáng với tiềm năng và phát huy được hết những lợi thế của mình.

"Chơi thật" nếu muốn phát triển và hội nhập thế giới

Đưa ra các giải pháp để các doanh nghiệp tư nhân phát triển trong thời gian tới, TS. võ Trí Thành cho rằng, cả chính sách và doanh nghiệp đều phải hướng đến cái mới. "Khi hướng đến cái mới, chúng ta không chỉ bắt kịp với những nước đi trước mà còn có cơ hội để đi cùng với thế giới".

Trong bối cảnh hiện nay, thế giới đã, đang và sẽ thay đổi theo bốn vấn đề lớn: Hội nhập, liên kết kinh tế sâu rộng; cách mạng công nghiệp 4.0 số hóa và hơn thế nữa; phát triển bền vững và cuộc cách mạng tiêu dùng do tầng lớp trung lưu đang dẫn dắt và cuối cùng là sự bất định, rủi ro gia tăng.

Thứ nhất, để hội nhập được, quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp tư nhân là phải "chơi thật", bán được hàng và đứng vững được trên thị trường trong nước và thế giới.

"Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải phát triển thực chất dựa trên năng lực của chính mình, thắng thật chứ không phải thắng giả vờ dựa trên những ưu đãi của Chính phủ. Khi nào các doanh nghiệp Việt Nam còn nhờ đến những ưu đãi này, nghĩ rằng mình kinh doanh ngành nghề gì thì được gì từ nhà nước thì khi ấy các doanh nghiệp chưa thể phát triển bền vững", ông Thành nhấn mạnh.

Thứ hai là trong bối cảnh cách mạng 4.0, các doanh nghiệp Việt cần nhanh chóng ‘tư duy lại, thiết kế và xây dựng lại’, ưu tiên và tận dụng nguồn lực để bắt kịp với sự chuyển dịch công nghệ, học hỏi kinh nghiệm để phát triển.

Về ứng phó với bất định, rủi ro, doanh nghiệp cần học hỏi, chuẩn bị, sử dụng các công cụ phòng chống rủi ro và chấp nhận sai lầm. Nếu như các doanh nghiệp nhà nước với bộ máy cồng kềnh, lợi ích nhóm lớn rất khó chấp nhận sai lầm thì các doanh nghiệp tư nhân có lợi thế hơn trong việc dễ dàng đương đầu với rủi ro.

Chấp nhận sai lầm cũng là một yếu tố quan trọng để từ đó các doanh nghiệp có thể rút ra những bài học kinh nghiệm và có được thành công. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế hội nhập như hiện nay, các doanh nghiệp tư nhân cần dám nghĩ, dám làm, không nên chờ đợi vào các ưu đãi từ Chính phủ. Yếu tố quyết định nhất đối với thành công của doanh nghiệp tư nhân không phải từ Chính phủ mà là chính bản thân họ, ông Thành nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Huân cũng cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cần phải nhìn nhận đầy đủ những cơ hội và thách thức để tự mình vươn lên, nâng cao năng lực cạnh tranh để đứng vững trên thị trường. 

Thách thức còn nhiều nhưng cơ hội cũng rất lớn. Bản thân các doanh nghiệp, doanh nhân thuộc khu vực kinh tế tư nhân cần phát huy hết năng lực, tài lực và khả năng sáng tạo của mình thì kinh tế Việt Nam sẽ phát triển. Đó cũng là cách làm lành mạnh đời sống kinh tế, xã hội. Từ đó chung tay xây dựng một giá trị, chuẩn mực chung của quốc gia và sẵn sàng hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới.

Mục tiêu đến năm 2020, khu vực tư nhân với một triệu doanh nghiệp đóng góp 48 - 49% GDP, chiếm khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội như Nghị quyết 35 năm 2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đã xác định.