TS Vũ Đình Ánh: Có thể bỏ room tín dụng nhưng chưa phải bây giờ

Hường Hoàng - 08:09, 22/09/2022

TheLEADERĐầu tháng 9, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về các giải pháp phục hồi kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, Ngân hàng nhà nước đã chính thức điều chỉnh nới room tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Đây là một động thái rất tích cực đối với nền kinh tế, tuy vậy câu chuyện có bỏ room tín dụng hay không vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi lớn.

TS Vũ Đình Ánh: Có thể bỏ room tín dụng nhưng chưa phải bây giờ
TS Vũ Đình Ánh phát biểu tại Hội thảo "Áp lực lạm phát năm 2022 và các đề xuất chính sách" ngày 16/9/2022 (VEPR)

Theo quan điểm của TS Vũ Đình Ánh, Việt Nam có thể bỏ room tín dụng, nhưng không phải tại thời điểm hiện tại, bởi nhiều lí do.

Tại sao Việt Nam lại cần sử dụng room tín dụng?

Dưới góc nhìn của Ngân hàng nhà nước, room tín dụng là một công cụ giúp cho hệ thống ngân hàng ở Việt Nam có thể phát triển ổn định, qua đó góp phần tạo ổn định về vĩ mô.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế thì room tín dụng của NHNN đang thể hiện sự áp đặt chủ quan, nhưng chưa cân nhắc đến các kế hoạch phát triển của từng ngân hàng thương mại, từ đó phát sinh ra cơ chế quan liêu “xin – cho”, không theo cơ chế thị trường. Theo quan điểm này, các ngân hàng thương mại hoàn toàn có thể lập ra các kế hoạch tăng trưởng tín dụng phù hợp dựa trên năng lực vốn và năng lực quản lý của mình.

Đây là công cụ không được nhiều nước trên thế giới sử dụng. Việt Nam chúng ta cũng mới sử dụng công cụ này chưa lâu. Vậy khởi đầu, đâu là lí do Việt Nam sử dụng công cụ này?

Để giải thích điều này chúng ta phải quay ngược lại thời kỳ 2006-2011, khi nền kinh tế Việt Nam đang phải trải qua một giai đoạn bất ổn vĩ mô rất lớn. Một trong những bất ổn nghiêm trọng nhất của chúng ta vào thời kỳ này là tổng tín dụng lên rất cao, trung bình lên đến 30%- 54%/năm.

Ông Ánh cho biết: “Sau một giai đoạn để tổng tín dụng tăng quá cao, chúng ta đã tạo ra một hệ thống tài chính với không ít những tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại sẵn sàng bất chấp tất cả để tăng tổng tín dụng, thậm chí đổ tín dụng vào những ngành rủi ro khủng khiếp. Hậu quả, điều này đã gây ra rủi ro hệ thống, gây bất ổn. Nên chúng ta buộc phải sử dụng room tín dụng. Hạn mức tín dụng chỉ có thể dùng biện pháp hành chính thì mới kiểm soát nổi trong đặc điểm tín dụng ngân hàng của thị trường Việt Nam.”

Theo ông Ánh, đây là biện pháp không dựa trên mô hình hay kinh nghiệm của bất kỳ nước nào mà nó là vấn đề của Việt Nam. Những công cụ gián tiếp, công cụ thị trường (ví dụ: lãi suất, dự trữ bắt buộc hay nghiệp vụ thị trường mở..) sẽ không thể xử lý hay kiểm soát nổi tổng tín dụng vào thời điểm đó.

Room tín dụng chính thức được áp dụng ở Việt Nam vào năm 2011. Theo đó, room tín dụng quy định tăng trưởng tín dụng tối đa của ngành ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố vào đầu mỗi năm. Dựa trên mức tăng trưởng tín dụng chung của toàn nền kinh tế, NHNN sẽ phân phối tỷ lệ room tín dụng cho các ngân hàng thương mại trong nước, tùy vào sức khỏe tài chính của các ngân hàng như chất lượng tín dụng và hiệu quả quản lý tín dụng.

Công cụ để cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, phần thưởng cho các ngân hàng thương mại

Theo ông Ánh, hạn mức tín dụng là một công cụ rất tốt để cơ cấu lại hệ thống ngân hàng. Điển hình, trong đợt nới room tín dụng vừa rồi, ngân hàng nhà nước đã nới hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại với mức dao động từ 0,7% đến khoảng 4%. Vậy đâu là điểm khác biệt giữa các ngân hàng này?

Ông Ánh cho biết: “Tại sao có ngân hàng như Saccombank được nới room 4%, có ngân hàng như Vietcombank được nới room trên 3% và tại sao có khoảng chục ngân hàng chỉ được nới room 0,7%? Đây chính là công cụ để can thiệp vào việc cơ cấu lại hệ thống. Ông nào làm tốt, ông nào an toàn thì tôi cho ông, ông nào có vấn đề tôi hạn chế, thậm chí không cho tăng nữa, hoặc thậm chí sẽ đẩy họ đến cái kiểm soát đặc biệt, hay đẩy họ đến cái đối tượng 0 đồng”.

Nới lỏng room tín dụng còn là phần thưởng, là ưu đãi cho những tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại tích cực trực tiếp tham gia vào câu chuyện tái cơ cấu 3 ngân hàng 0 đồng và quá trình cơ cấu lại hệ thống.

Cơ cấu lại hệ thống ngân hàng là một hành động, một chủ trương, một chương trình của Việt Nam bắt đầu từ năm 2011. Và cho đến nay chúng ta vẫn chưa dừng lại vì chúng ta vẫn chưa giải quyết dứt điểm được vấn đề này. Và một khi vấn đề về nợ xấu của Việt Nam tiếp tục nhức nhối thì mục tiêu cơ cấu lại của thị trường của chúng ta sẽ còn căng thẳng hơn nữa.

Với những lí do trên, ông Ánh nhận định: Việt Nam có thể bỏ room tín dụng, nhưng không phải bây giờ.

“Ít nhất là 1 năm, 2 năm, hay thậm chí là 5 năm nữa chúng ta mới có thể loại bỏ được room tín dụng. Vấn đề là chúng ta phải khôi phục được thị trường tín dụng ngân hàng lành mạnh, cạnh tranh một cách bình đẳng và quan trọng nhất là chúng ta phải loại bỏ các nhân tố sẵn sàng phá luật, gây hại cho thị trường. Chỉ khi đó chúng ta mới quay lại sử dụng những công cụ thị trường. Có nghĩa là công cụ thị trường phải được sử dụng trong một thị trường thật sự phát triển và lành mạnh chứ không thể duy ý chí trong câu chuyện thị trường này”, ông Ánh cho biết.