Từ Tết xưa nghĩ về đủ đầy và lãng phí

Trần Nam Dũng - 16:24, 01/02/2020

TheLEADERMâm cỗ ngày Tết dần dần cũng bị công nghiệp hóa, đánh mất đi những nét riêng, những “đặc sản” của từng gia đình.

Cảm nhận về Tết của chúng ta sẽ thay đổi theo thời gian, hoàn cảnh. Hồi nhỏ Tết luôn được mong chờ vì sẽ được nghỉ, được đi chơi, được ăn ngon hơn ngày thường và được may áo mới. Trong tâm trí tôi vẫn còn nhớ như in không khí vui vẻ của những trò chơi ngày Tết ở miền Bắc, chỉ là ném vòng cổ vịt, ném lon …, và giải thưởng chỉ là mấy cái kẹo nuga mà vui nổ trời. Khi vào Nam thì có thêm những trò mới như lô-tô, bầu cua tôm cá hay trò vòng quay may mắn. Hồi nhỏ vô tư cứ mong chờ Tết, chứ cũng không biết rằng để có một cái Tết vui và đủ đầy như thế, người lớn đã rất vất vả ngược xuôi để chuẩn bị. Nhưng chính cái khó khăn, vất vả đó lại tạo nên một không khí thật đặc biệt, không khí chuẩn bị Tết.

Sau này đi học nước ngoài thì Tết lại có một vị trí đặc biệt. Tết ta thường rơi vào ngày học bình thường, không được nghỉ nên việc đón Tết chỉ diễn ra trong một buổi tối. Không biết công tác tổ chức được điều phối thế nào mà mọi việc rất quy củ. Thực phẩm trước đó (như thịt heo, thịt gà, kolbasa (giò kiểu Nga) khoai tây, cà-rốt, dưa leo, bắp cải …) đã được phân công mua đủ. Riêng một số nguyên liệu thuần Việt như măng, mộc nhĩ, bánh đa nem, bánh phồng tôm thì huy động trong anh chị em đóng góp. Từ 4-5 giờ chiều là các phòng bếp đã rộn ràng khẩn trương để kịp làm mọi thứ trước 8 giờ tối. Đúng 8h tối ban tổ chức sẽ bật đài lên để lắng nghe tiếng nói từ Tổ quốc, nghe lời chúc mừng năm mới của Chủ tịch nước. Sau đó sẽ vào tiệc, văn nghệ, nhảy đầm và chụp hình lưu niệm. Tất tần tật Tết chỉ diễn ra trong vòng 6-7 tiếng mà rất thiêng liêng, đáng nhớ.

Khi lớn lên, đi làm thì Tết là dịp để mình được về quê. Về để lại được như ngày còn thơ, được ba sai đánh lư đồng, lau bàn thờ, đi mua hoa Tết, được mẹ nhờ ra chợ mua cái này, cái kia. Cả nhà gồm con trai, con gái, con rể, con dâu cùng các cháu như một dàn nhạc nhỏ tất bật chuẩn bị cho những mâm cúng ngày 30 (đón ông bà) và ngày mồng 3 (đưa ông bà). Cũng không hiểu là cơ chế tổ chức thế nào nhưng cuối cùng vẫn rất đầy đủ. Lớp cháu nhỏ cũng được hòa vào không khí chuẩn bị đó, được học những nghi lễ cơ bản: Sắp bàn thờ, thắp hương, cúng lạy. Lớn lên chút nữa thì hiểu rằng nếu ta mong Tết một thì ba mẹ mong Tết mười: Tết là dịp duy nhất để đại gia đình đoàn tụ, để con cháu cùng về bên ba mẹ, ông bà. Cả năm niềm vui dồn vào mấy ngày Tết.

Tản mạn ngày Tết
Một số nét văn hoá độc đáo của Tết xưa dần mai một

So với ngày xưa thì ngày nay chuẩn bị Tết không còn quá vất vả nữa. Cùng với sự phát triển chung thì các sản phẩm phục vụ Tết cũng được công nghiệp hóa, tất tần tật cái gì cũng có sẵn: từ bánh chưng, bánh tét, giò chả, nem, chả giò đến kiệu, dưa món, hành ngâm, mứt Tết … Điều này một mặt đem lại sự tiện lợi, chúng ta sẽ không phải quá tốn thời gian cho việc chuẩn bị Tết, chỉ cần chuẩn bị đủ tiền ra siêu thi đi một vòng là sắm đủ. Nhưng mặt khác, mâm cỗ ngày Tết dần dần cũng bị công nghiệp hóa, đánh mất đi những nét riêng, những “đặc sản” của từng gia đình. Và đặc biệt cái không khí cả một tập thể, cả một gia đình cùng khẩn trương, tất bật chuẩn bị cho mâm cúng tết cũng dần bị mất đi.

Bản thân tôi vẫn luôn nhớ những lần cúng giỗ trong quê ngày xưa. Thứ nhất là có rất nhiều món độc đáo như hành tím xào, cá kho khoanh, mì quảng gà. Ngay cả những món bình thường như thịt luộc, gà xé phay trong quê dường như cũng ngon hơn. Đặc biệt, tất cả các món đều tự làm hết. Nguyên liệu đã được chuẩn bị từ trước và từ sáng thì con cháu đến để mỗi người mỗi việc như một cỗ máy tự động, đến giờ cúng luôn luôn đầy đủ. Mọi người đến ăn đám cúng cũng mỗi người đem mỗi thức: người thì chai rượu, người thì đón bánh tét, người thì chục cái bánh ú … Thật vui, thật ý nghĩa, thật đặc biệt.

Ngày nay thì không khí xưa ấy cũng mất dần rồi. Mì quảng không tự đổ như ngày xưa nữa (hồi nhỏ tôi rất thích xem các cô, các chị đổ mì quảng) mà sẽ được mua sẵn từ chợ. Món hành tím xào thì vẫn còn nhưng cá kho khoanh đã thất truyền. Nhân lực chỉ đủ để làm những bữa cúng nhỏ chứ những bữa cúng lớn 5-7 mâm bây giờ cũng phải đặt. Cho nên có nhiều lần đi ăn giỗ mà cứ như ăn … cưới, với thực đơn và cách thức phục vụ y như ngoài thành phố.

Tôi không phản đối sự tiện lợi, không phản đối sản phẩm giúp chúng ta tiết kiệm thời gian. Và công nghiệp thực phẩm giúp chúng ta có những sản phẩm ngon, bổ, rẻ, tiết kiệm, hợp vệ sinh. Điều đó rất tốt. Nhưng tôi vẫn cổ vũ cho những gì riêng tư, cá nhân, đặc sắc. Và nếu coi không khí chuẩn bị cho một sự kiện cũng là một phần quan trọng của sự kiện đó, thì đừng nên bỏ qua phần quan trọng này. Đi ăn tiệc ở một nhà hàng rất khác với việc chuẩn bị một bữa tiệc trong gia đình. Và Tết chắc chắn là một bữa tiệc gia đình đặc biệt nhất, chúng ta đừng quên và đừng quên truyền lại cho con cháu.

So với thời bao cấp cuộc sống bây giờ thật tiện lợi, đầy đủ. Ngày xưa hàng hóa, nhu yếu phẩm thiếu nên hầu như cái gì cũng phân phối: từ gạo, chất đốt, nước mắm, bột ngọt đến đường, sữa, vải may quần áo. Từ chiếc xăm xe đạp, chiếc phích nước đến xà phòng, bột giặt. Rồi xe đạp, quạt máy, ti-vi … cái gì cũng thiếu, cái gì cũng phải phân phối.

Tản mạn ngày Tết 1
Tác giả Trần Nam Dũng (đứng bên trái)

Nay thì cái gì cũng có. Chế độ tem phiếu đã được bãi bỏ từ lâu. Mọi người, tùy khả năng và nhu cầu có thể mua cái gì mình cần với các mức giá và chất lượng khác nhau (thường là theo đúng tỷ lệ hợp với câu thành ngữ “tiền nào của nấy”.

Đầy đủ, tiện dụng thì tốt rồi. Ai chẳng mong muốn như vậy. Đó thực sự là một điều đáng mừng. Thế nhưng dường như chúng ta đã sớm rơi vào một thái cực khác. Từ cuộc sống kham khổ, thắt lưng buộc bụng, giờ sung sướng đầy đủ hơn, chúng ta lại sa vào bệnh lãng phí, xa hoa.

Mặc dù vẫn còn rất nhiều những mảnh đời cơ cực, khó khăn, thiếu ăn, thiếu mặc nhưng văn hóa tiêu xài lãng phí, xa hoa đã rất phổ dụng. Tôi đã dự nhiều buổi tiệc mà sau khi tàn tiệc thức ăn vẫn còn trên phân nửa, thậm chí ăn xong mà như … chưa ăn. Rượu bia thì uống tràn cung mây, không biết là uống để làm gì nữa. Tiệc tùng có rượu bia thì rôm rả, vui vẻ nhưng đem rượu bia để ganh đua, để phạt, để đo sự hết lòng, hết mình và dẫn đến say xỉn, ảnh hưởng đến sức khỏe, hình ảnh thì thật không nên và rất lãng phí.

Khi ăn uống tiệc tùng, chúng ta nên có sự ước lượng tương đối để đặt món cho vừa phải, không quá ít để mọi người lại phải nhường nhau nhưng cũng không nên quá nhiều để rồi thừa mứa. Cũng nên nhớ rằng, dù chúng ta có tiết kiệm mang về thì trên 50% thức ăn thừa mang về đó rồi cũng bị bỏ đi. Nên tốt nhất là đặt vừa phải, vừa cảm thấy ngon, vừa không phải mang về.

Ngay cả nấu ăn và mua thực phẩm dự trữ ở nhà cũng vậy, luôn luôn chú ý đến tính vừa phải. Không ít quá và không nhiều quá. Ăn đồ ăn cũ vừa không ngon vừa có thể sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Còn thực phẩm để lâu cũng hư, cũng giảm chất lượng và sẽ phải bỏ. Kiểm soát tốt tủ lạnh của gia đình là một cách rất tốt để tiết kiệm và để luôn được ăn những thức ăn tươi mới.

Lãng phí có thể có mặt ở mọi mặt của cuộc sống. Bệnh hình thức thường gắn liền với lãng phí. Mấy cái kỷ lục quốc gia hay kỷ lục guiness như chiếc bánh tét to nhất, chiếc bánh kem lớn nhất, tô phở to nhất thực chất là rất hình thức và lãng phí. Tất cả rồi sẽ bị đổ bỏ như người ta đổ mấy chén rượu ở đám cưới thôi. Ngay cả các hoạt động từ thiện, xóa đói giảm nghèo đôi khi cũng hình thức, lãng phí. Ai đời trao được vài trăm triệu tiền quà mà chi phí tổ chức cũng tốn cỡ chừng ấy. Mình làm điều tốt mà sao cũng phải chi tiền cho UBND sở tại, chi tiền cho truyền hình, báo chí?

Mấy cái thiết bị công nghệ cao cũng là một điểm nóng của lãng phí. Như tôi là một người khá bảo thủ với công nghệ mà tính đến nay cũng thay 5-6 cái điện thoại (của đáng tội có mấy lần thay bắt buộc do bị mất), con số này của các bạn trẻ có lẽ phải đến số có 2 chữ số. Rồi laptop, ipad, ipod … Một phần các sản phẩm đó sẽ được tái sử dụng (bán hoặc cho người khác) nhưng một phần sẽ bỏ không, trở thành rác điện tử.

Ngay cả học sinh, sinh viên cũng tham gia vào các hoạt động gây lãng phí. Học sinh, sinh viên ngày nay tốn rất nhiều tiền để phô-tô và in tài liệu. Và tôi dám chắc rằng trên 90% số tài liệu được phô-tô và in ra đó sẽ không được đọc tới, dù chỉ một lần. Lãng phí là rất lớn. Thời đại của số hóa, của công nghệ, chúng ta nên tập đọc thẳng trên file, trên máy tính, chỉ in và phô-tô khi thật sự cần thiết.

Tôi rất thích cách tiếp cận của người phương Tây. Giá cả dịch vụ của họ thường rất cao. Đồ ăn trong nhà hàng, bia, rượu, thuốc lá, rồi giá sách báo, các dịch vụ in ấn, pho-to copy đều rất đắt. Đắt thì tự dưng mình sẽ không mua nhiều, trước khi mua hoặc sử dụng sẽ cân nhắc cẩn thận hơn. Đa số những bạn bè phương Tây của tôi đều tiêu pha rất tiết kiệm, chừng mực.

Ở các nước mà tôi từng đến thăm và làm việc, họ rất chú ý đến việc tái sử dụng. Ở đâu cũng có những thùng để thu nhận vỏ chai nhựa, ở đâu cũng có những trung tâm để thu nhận những đồ đã qua sử dụng (quần áo, nồi xoong, dao nĩa, đồ điện tử ….) để rồi tái phân phối cho những người khác cần. Đã có năng suất lao động cao, lại biết tiết kiệm, biết gìn giữ môi trường, biết phân bổ nguồn lực một cách hợp lý, họ đã đặt được nền móng và cơ sở cho sự phát triển bền vững. Thật sự là điều chúng ta phải học tập.

Đất nước ta còn nghèo, nhiều người dân còn cực khổ, bần hàn, vì vậy, bên cạnh việc cố gắng phấn đấu hỏi để đẩy mạnh phát triển kinh tế thì có một việc mà ta phải làm ngay là tránh xa hoa, lãng phí. Và đây là việc của tất cả mọi người, bất kể điều kiện kinh tế hay địa vị xã hội.