Tỷ phú công nghệ Ấn Độ: Lãnh đạo giỏi không đến từ tài năng

Việt Hưng - 16:14, 02/06/2024

TheLEADERTrong cuộc trò chuyện cùng ông Trương Gia Bình - Chủ tịch FPT, tỷ phú Ấn Độ - nhà sáng lập Infosys - ông Narayana Murthy tin rằng, lãnh đạo giỏi không đến từ tài năng, hay gen tốt, mà đến từ tham vọng, tầm nhìn, và khả năng khơi dậy khát vọng của đội nhóm.

Vừa qua, người được mệnh danh là "Bill Gates của Ấn Độ" - ông Narayana Murthy - nhà sáng lập Infosys, nằm trong nhóm 3 công ty dịch vụ công nghệ thông tin lớn nhất trên thế giới đã đến thăm Việt Nam và có buổi làm việc với tập đoàn FPT.

24 năm trước, chính FPT đã đến Ấn Độ để học hỏi cách đưa Việt Nam trở thành cường quốc về phần mềm, và chính ông Narayana Murthy - nhà sáng lập Infosys đã truyền cảm hứng cho ông Trương Gia Bình.

Dưới đây là một phần nội dung cuộc trò chuyện giữa hai nhà lãnh đạo doanh nghiệp.

Ông Trương Gia Bình: Cuộc gặp gỡ này, tôi và FPT đã chờ đợi rất lâu. Chúng tôi có nhiều vị khách chờ đợi buổi gặp gỡ này. Nhiệt liệt chào mừng ông Narayana Murthy và hy vọng được học hỏi từ ngài.

Ông Narayana Murthy: Từ những năm 1960, tôi đã biết và ngưỡng mộ Việt Nam. Chuyến thăm này tôi cũng chờ đợi đã lâu. Tôi khâm phục sự chăm chỉ, tính kỷ luật, tinh thần vươn lên và hoài bão cao cả của nhiều thế hệ người Việt Nam. Tôi rất vinh dự và hân hạnh có mặt trong buổi trò chuyện hôm nay.

Ông Trương Gia Bình đã cho tôi thấy giá trị của sự cởi mở, giá trị của việc tôn trọng, trao đổi ý tưởng với người khác, cũng như cách đánh giá xem những ý kiến đó có hữu ích cho công ty không và cách cải thiện chúng. Tôi đã thấy tất cả những điều đó trong chuyến đi thăm lần này.

Tỷ phú công nghệ Ấn Độ: Lãnh đạo giỏi không đến từ tài năng
Ông Trương Gia Bình (phải) trò chuyện cùng tỷ phú Ấn Độ - ông Narayana Murthy (trái) - Ảnh: VA

Ông Trương Gia Bình: Khi Việt Nam quyết định vươn ra thế giới ở lĩnh vực phần mềm, chúng tôi đã học hỏi rất nhiều từ Ấn Độ. Công ty Aptech của Ấn Độ đã đào tạo những kỹ sư phần mềm đầu tiên của Việt Nam. Năm 1999, tôi tới Ấn Độ và ngạc nhiên với sự phát triển của ngành công nghệ Ấn Độ ở thời điểm đó. Tôi đã hỏi ngài liệu Việt Nam có làm được phần mềm không? Ngài trả lời tất nhiên làm được. Đó là một lời động viên khích lệ chúng tôi bước chân ra toàn cầu. Với lời động viên đó, chúng tôi đã cử nhiều phái đoàn sang Ấn Độ học hỏi. Hôm nay, chúng tôi muốn học hỏi thêm từ ngài Narayana Murthy, học hỏi thêm từ Ấn Độ. Người ta thường nói đằng sau thành công người đàn ông có bóng dáng người phụ nữ. Ông có thể chia sẻ về người đứng sau mình?

Ông Narayana Murthy: Tôi từng làm trong một công ty phần mềm ở nước ngoài. Khi tôi từ Paris trở về Ấn Độ, tôi hiểu ra rằng để giải quyết được đói nghèo, Ấn Độ cần giải quyết được vấn đề việc làm với thu nhập thỏa đáng. Vai trò của chính phủ là đảm bảo chính sách cho tất cả doanh nghiệp hoạt động kinh doanh nhanh hơn, hiệu quả hơn còn doanh nghiệp đảm bảo tạo công ăn việc làm cho người dân, tạo ra của cải cho xã hội.

Tôi đã gặp vợ mình ở Pune. Cô ấy là một người rất tuyệt vời. Cô ấy đã hỗ trợ tôi trong kinh doanh. Cho đến tận ngày hôm nay tôi vẫn biết ơn người phụ nữ đã đứng sau tôi.

Ông Trương Gia Bình: Tôi được nghe chính vợ ngài kể rằng, cha của bà ấy từng từ chối ông vì nghèo. Nhưng bà vẫn quyết tâm lấy ông vì thấy ở ông một con người đầy hoài bão. Thậm chí sau đó còn rút hết tiền tiết kiệm đưa ông 250 USD để khởi nghiệp, thành lập Infosys. Bà ấy cũng cho ông thời hạn 3 năm nếu không thành công thì phải đi làm để nuôi gia đình.

Tôi cũng được nghe câu chuyện thú vị khác, rằng vợ ngài hồi còn đi học có một bài học về CSR. Cô giáo hỏi nếu sau này làm triệu phú em sẽ làm gì? Bà đã trả lời, sau này em không làm triệu phú, nhưng nếu là triệu phú em sẽ giúp xây các thư viện, phòng đọc sách. Và giờ đã có hơn 7.000 thư viện, phòng đọc sách được bà xây dựng trên khắp Ấn Độ. Vậy khi ông bắt đầu khởi nghiệp, ông có nghĩ đến những điều đó không?

Ông Narayana Murthy: Kinh nghiệm ở Tây Âu và sau đó là Đông Âu đã cho tôi thấy cách duy nhất để giải quyết đói nghèo là tạo ra nhiều việc làm hơn và chỉ có các doanh nhân mới có thể làm được điều này.

Tuy nhiên, thử nghiệm đầu tiên của tôi thất bại vì quên đi một trong những nguyên tắc quan trọng nhất là đánh giá thị trường. Đến năm 1981, tôi thấy ở Mỹ có cơ hội rất lớn cho dịch vụ phần mềm.

Tôi thấy đây là lúc cần phải tận dụng cơ hội này và thành lập Infosys. Đối với tôi lúc đó tiền không quan trọng bằng ước mơ tạo ra việc làm, giải quyết đói nghèo cho Ấn Độ. Tôi đã phân phối 77% vốn chủ sở hữu cho các cấp dưới của mình.

Tỷ phú công nghệ Ấn Độ: Lãnh đạo giỏi không đến từ tài năng 1
Ông Narayana Murthy - nhà sáng lập Infosys - Ảnh: VA

Ông Trương Gia Bình: Đó cũng là điều chúng tôi đang làm. Chúng tôi đang hướng đến mục tiêu doanh thu hàng tỷ USD, nhưng điều quan trọng hơn, chúng tôi muốn tạo ra nhiều việc làm hơn để thay đổi cuộc sống của giới trẻ. Chúng tôi đặt mục tiêu đạt 1 triệu nhân viên vào năm 2035. Infosys có doanh thu hàng chục tỷ USD, giá trị vốn hóa trên 70 tỷ USD, 320.000 nhân viên. Vậy mục tiêu trong tương lai của công ty là gì, thưa ngài?

Ông Narayana Murthy: Bây giờ tôi đã nghỉ hưu, tôi không thể đại diện nói điều gì về Infosys. Ước mơ của tôi là biến Infosys thành công ty được kính trọng nhất ở Ấn Độ.

Bố tôi là một giáo viên, ông đã dạy tôi rằng sự tôn trọng có sức nặng hơn tiền bạc. Đối với chúng tôi, sự tôn trọng là quan trọng nhất. Chúng tôi đã làm việc chăm chỉ. Tôi nghĩ chúng tôi đã thành công ở một mức độ nào đó, nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Việt Nam là duy nhất. Có lẽ chưa có quốc gia nào ở khu vực Đông Nam Á tạo ra công ty dịch vụ phần mềm tỷ USD như FPT. Với quan điểm của cá nhân tôi, với nguồn lực hiện tại và sự may mắn, FPT sẽ bước tới cột mốc 2 tỷ USD doanh thu dịch vụ công nghệ từ thị trường nước ngoài nhanh hơn so với cột mốc 1 tỷ USD đầu tiên.

Infosys mất 23 năm từ 1981 đến 2004 để đạt được tỷ USD đầu tiên, 23 tháng để đạt được tỷ USD thứ hai và hơn 11 tháng để đạt được tỷ USD thứ ba.

Tôi rất tin tưởng vào FPT và Việt Nam. Không một quốc gia nào khác thể hiện được lòng dũng cảm, khát vọng như các bạn đã thể hiện. Chúng tôi tin rằng, chúng tôi làm được, các bạn cũng làm được.

Ông Trương Gia Bình: 24 năm trước ông đã khích lệ chúng tôi với câu nói "Việt Nam có thể làm được phần mềm". Hôm nay, ông lại nói rằng chúng tôi đạt được 1 tỷ USD đầu tiên rồi thì sẽ nhanh chóng đạt được 2 tỷ USD. Ông có thấy mối liên hệ nào giữa Infosys và FPT không?

Ông Narayana Murthy: Đầu tiên, Infosys và FPT là các doanh nghiệp khởi nghiệp. Khởi nghiệp là biến ý tưởng thành công việc, thành sự thịnh vượng của quốc gia. Các doanh nghiệp khởi nghiệp thường là những người mơ mộng viển vông vì họ phải bắt đầu bằng ý tưởng và làm việc chăm chỉ để biến ý tưởng đó thành hiện thực.

Robert Kennedy đã nói: "Hầu hết mọi người nhìn sự vật như chúng vốn có và tự hỏi tại sao, còn tôi mơ về những thứ chưa từng có và nói tại sao không". Ông Trương Gia Bình thấy ý tưởng hay và nghĩ tại sao không biến ý tưởng đó thành hiện thực.

Thứ hai, chúng tôi chọn lĩnh vực có nhu cầu lớn, đó là dịch vụ phần mềm. Công nghệ luôn thay đổi và sẽ có những công ty muốn tạo ra giá trị kinh doanh khác biệt cho khách hàng của mình. Điều này sẽ tạo ra nhu cầu không giới hạn.

Tôi nghĩ rằng miễn là bạn tập trung vào việc học, miễn là bạn cởi mở để học hỏi từ các đối thủ cạnh tranh từ các nền văn hóa khác, miễn là bạn sẵn sàng cải thiện những ý tưởng đó, miễn là bạn tập trung vào khách hàng thì tôi nghĩ FPT sẽ không phải lo lắng gì. 

Khi bạn đạt cột mốc 20 tỷ USD bạn sẽ nhớ lời tôi nói. Tôi tin FPT sẽ phát triển tốt. Trong quá khứ, chúng tôi đã không tin có một ngày sẽ đạt doanh thu 1 tỷ USD nhưng chúng tôi đã làm được và còn làm được nhiều hơn thế.

Tỷ phú công nghệ Ấn Độ: Lãnh đạo giỏi không đến từ tài năng 2
Tỷ phú công nghệ Ấn Độ đến thăm và làm việc tại tập đoàn FPT - Ảnh: VA

Ông Trương Gia Bình: Tinh thần doanh nghiệp của ông đến từ đâu? Tôi tò mò, ông có triết lý gì học được từ cha mẹ?

Ông Narayana Murthy: Tinh thần doanh nghiệp không phải gen di truyền, cũng không phải từ sự thông minh. Rất nhiều người tài giỏi nhưng họ không làm doanh nhân.

Mà đó là khả năng xác định tầm nhìn, khả năng khơi dậy khát vọng của mọi người khiến họ tự tin hơn. Bạn trở thành nhà lãnh đạo không phải vì bạn tài năng, cũng không phải từ gen bạn được thừa hưởng, nó đến từ tham vọng cao của bạn.

Cha tôi là giáo viên, ông có 8 người con. Chúng tôi sống trong căn nhà 2 phòng ngủ. Chúng tôi là một gia đình trung lưu ở Ấn Độ thời đó. Nhưng cha tôi coi trọng việc học tập. 

Cha tôi là giáo viên cấp 3, ông từng dạy chúng tôi tầm quan trọng của việc học, kỷ luật, chăm chỉ. Những điều này thể hiện rằng bạn là con người có khát vọng và làm việc chăm chỉ để thành công.

Mẹ tôi dạy cho tôi lòng nhân ái và sự rộng lượng. Tôi đã trao 77% vốn sở hữu của công ty cho cấp dưới của mình.

Hiệu trưởng của tôi đã dạy tôi tầm quan trọng của việc xử lý tài sản chung, sau này nó trở thành nguyên tắc quản trị của Infosys.

Tôi cũng học được từ các sếp của mình trước kia. Mọi người đều có vai trò khác nhau trong văn phòng, nhưng ngay khi rời văn phòng, chúng ta là bạn bè. Khả năng tách biệt trách nhiệm, vị trí trong công ty với các mối quan hệ xã hội là rất quan trọng.

Ông Trương Gia Bình: Tôi thấy những người khác ở Infosys đều rất trung thành với ông, tại sao vậy?

Ông Narayana Murthy: Tất cả chúng tôi đều tập trung vào việc làm thế nào để nâng cao sự tôn trọng dành cho Infosys. Năm 1981, chúng tôi thảo luận về mục tiêu của Infosys - nếu muốn nhận được sự tôn trọng từ khách hàng, bạn phải thực hiện 100% lời hứa.

Nếu bạn muốn những nhân viên giỏi nhất tiếp tục làm việc với bạn, bạn muốn họ trở thành đại sứ thu hút những nhân viên giỏi khác thì họ phải tin tưởng bạn, họ phải tin tưởng vào lời nói của chính bạn.

Ông Trương Gia Bình: Ông có thể chia sẻ lại câu chuyện về cách để một doanh nghiệp thành công được không?

Ông Narayana Murthy: Có ba điều quan trọng. Thứ nhất là bán hàng, đây là yếu tố quan trọng nhất của doanh nghiệp. Nếu không bán được hàng thì không có doanh thu, mà không có doanh thu thì công ty sẽ không tồn tại được.

Thứ hai là kiểm soát tài chính. Bạn phải làm thế nào để đảm bảo mọi chi phí đều hợp lý. Bạn phải chi tiêu ít hơn số tiền mình kiếm được.

Thứ ba là nhân sự. Tất cả các bộ phận trong công ty đều cần có những người giỏi. Doanh nghiệp cũng cần thu hút, tạo điều kiện thuận lợi, trao quyền, để nhân viên cảm nhận được hạnh phúc: mang lại sự tự do cho nhân viên, đánh giá họ, tưởng thưởng cho họ, từ đó giữ được những tài năng tốt nhất.

Theo kinh nghiệm của tôi, tiền không phải là quan trọng nhất. Điều quan trọng nhất với tôi là nhân viên được tôn trọng, được đánh giá cao phẩm giá của họ.