Ứng dụng công nghệ vào công tác chống Covid-19

Lê Anh Sơn* - 16:45, 02/03/2021

TheLEADERViện Nghiên cứu & công nghệ Phenikaa, trường Đại học Phenikaa và CTCP Phenikaa X cùng nhiều đơn vị nghiên cứu, phát triển công nghệ khác đã cho ra đời nhiều sản phẩm công nghệ Make in Vietnam, hỗ trợ hiệu quả tuyến đầu chống dịch.

Ứng dụng công nghệ vào công tác chống Covid-19
Robot khử khuẩn của Viện PRATI, Trường Đại học Phenikaa và Công ty PhenikaaX.

Năm 2020, thế giới chìm trong những đau thương và mất mát gây ra bởi đại dịch Covid-19. Cảnh giác và chủ động lên kế hoạch ứng phó nhưng có những thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ tại Việt Nam, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống cũng như các hoạt động kinh tế xã hội.

Chính trong những thời khắc khó khăn ấy, tinh thần đoàn kết, tấm lòng tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam có cơ hội được thể hiện, thông qua rất nhiều hoạt động thiết thực của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân cùng chung tay hỗ trợ cộng đồng, hỗ trợ đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu chống dịch, góp sức để cùng nhau từng bước đẩy lùi đại dịch.

Ứng dụng công nghệ vào công tác chống Covid-19
Ông Lê Anh Sơn, Giám đốc điều hành của Busmap, Giám đốc công ty CP PhenikaaX, Viện phó Viện PRATI.

Trong “nguy” có “cơ”, đây cũng chính là cơ hội cho các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thể hiện được vai trò, khả năng ứng dụng công nghệ cũng như trách nhiệm xã hội. Với nội lực hiện có cùng tinh thần đồng lòng đầy lùi dịch bệnh, ngay từ khi Covid-19 bùng phát lần đầu tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu đến từ Viện Nghiên cứu & công nghệ Phenikaa (PRATI), Công ty Cổ phần Phenikaa-X, Trường Đại học Phenikaa, Công ty Busmap và nhiều đơn vị khác đã cho ra đời những ý tưởng, sáng chế mang hàm lượng khoa học cao giúp giảm bớt sức người, chi phí cũng như đảm bảo tính an toàn, từng bước đẩy lùi dịch bệnh.

Hỗ trợ hiệu quả tuyến đầu chống dịch

Ứng dụng Bluezone của BKAV đã trở thành một trong những biểu tượng của việc phòng chống dịch “chi phí thấp, hiệu quả cao” của Việt Nam, đóng góp to lớn vào công tác truy vết bệnh nhân, khoanh vùng dập dịch.

Ngoài Bluezone, các sản phẩm công nghệ make in Vietnam khác cũng đang tạo ra trợ lực không nhỏ giúp đẩy lùi dịch bệnh. Tiêu biểu trong đó là sản phẩm bản đồ Covid-19 của Công ty Cổ phần Busmap được triển khai ở các địa phương bao gồm Hải Dương, Bắc Giang, Đà Nẵng và Quảng Ninh.

Ứng dụng công nghệ vào công tác chống Covid-19 1
Bản đồ Covid-19 tại Quảng Ninh được phát triển bởi Busmap.

Hệ thống bản đồ Covid-19 mang tính trực quan cao giúp người dân ở các vùng dịch dễ dàng theo dõi và kiểm tra các địa điểm cách ly cũng như giúp cho việc thống kê các địa điểm, số lượng trở nên dễ dàng nhờ bảng điều khiển phân tích dữ liệu chi tiết. Ứng dụng này được Busmap triển khai với tốc độ nhanh (3 ngày cho 1 tỉnh), đạt được hiệu quả ngày càng tích cực với số lượt truy cập trên tới hàng trăm nghìn trong những ngày cao điểm.

Bên cạnh đó, các sản phẩm mang tính công nghệ cao và ứng dụng trực tiếp cho các khu vực dịch bệnh như robot khử khuẩn, robot tự hành mang hàng hoá đi lại trong khu vực cách ly cũng được Viện PRATI, Trường Đại học Phenikaa, Công ty PhenikaaX nghiên cứu và phát triển nhanh chóng, đem lại hiệu quả cao.

Được biết, robot khử khuẩn có khả năng di chuyển linh hoạt, có thể điều khiển từ xa hoặc lập trình sẵn để “đi” một cung đường khử khuẩn nhất định. Công nghệ kết hợp hai phương pháp khử khuẩn UVC và hoá chất giúp triệt tiêu vi khuẩn, giảm bớt việc lây lan dịch bệnh đem lại hiệu quả cao.

Ngoài ứng dụng trong các cơ quan, trường học để khử khuẩn, đảm bảo độ an toàn cho học sinh, sinh viên và người lao động, robot cũng được ứng dụng trong các khu vực cách ly, khu vực hạn chế tiếp xúc, với tính năng vận chuyển nhu yếu phẩm và giám sát.

Các tính năng tiện ích khác được tích hợp vào robot có thể kể đến như khả năng tự hành hoàn toàn nhờ vào công nghệ đo khoảng cách mục tiêu bằng chiếu sáng (LiDAR), khả năng nhận diện, nhắc nhở mọi người đeo khẩu trang nhờ trí tuệ nhân tạo (AI).

Đặc biệt, toàn bộ công đoạn, từ lên ý tưởng, thiết kế, lắp ráp cho tới chạy thử nghiệm và hoàn thiện sản phẩm được các đơn vị thành viên của Tập đoàn Phenikaa cho ra đời sản phẩm này chỉ sau một tháng, nhờ vào tinh thần hưởng ứng nhiệt tình lời kêu gọi toàn dân chống dịch, cũng như tâm niệm luôn đặt trách nhiệm xã hội như một nhiệm vụ và sứ mệnh quan trọng của tập đoàn.

Mặt khác, chỉ trong một thời gian ngắn, những sản phẩm make in Vietnam của những con người tâm huyết, cùng đồng hành chống dịch đã ra đời là minh chứng rõ nét cho thấy người Việt Nam hoàn toàn có thể làm được những sản phẩm công nghệ trí tuệ cao, sẵn sàng tham gia công cuộc chuyển đổi số quốc gia do Nhà nước phát động.

(*) Ông Lê Anh Sơn là Giám đốc điều hành Busmap, Giám đốc công ty CP PhenikaaX kiêm Viện phó Viện PRATI.