Vấn đề thẩm quyền của Quốc hội với Báo cáo nghiên cứu khả thi sân bay Long Thành

Hạ Vũ - 20:00, 12/11/2019

TheLEADERVấn đề này được một số đại biểu quốc hội nêu ra tại phiên thảo luận hội trường sáng nay về Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Vấn đề thẩm quyền của Quốc hội với Báo cáo nghiên cứu khả thi sân bay Long Thành
Quốc hội thảo luận về Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến đại biểu nhất trí kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết thông qua Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, chấp thuận phương án và hình thức đầu tư theo Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. 

Song bên cạnh đó, một số đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về các nội dung Quốc hội sẽ lựa chọn để thông qua báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, đồng thời, thẩm quyền của Quốc hội trong việc thông qua Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án và căn cứ pháp lý về các nội dung Chính phủ trình Quốc hội.

Các đại biểu đề nghị phân định rõ những nội dung nào thuộc thẩm quyền của Quốc hội quyết định, những nội dung nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ; đề nghị Quốc hội chỉ cho ý kiến những vấn đề chính, có thay đổi so với Nghị quyết số 94, còn những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mà pháp luật đã quy định thì Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thực hiện.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) nêu rõ, luật không có quy định Quốc hội phải thông qua hay phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi nhưng trên cơ sở Nghị quyết 94/2015/QH13 thì Chính phủ trình Báo cáo nghiên cứu khả thi có 10 nội dung quan trọng như lựa chọn công nghệ kỹ thuật dự án, giải pháp thiết kế các hạng mục công trình, đánh giá tác động môi trường, đảm bảo an ninh quốc phòng, hình thức đầu tư, phương án đầu tư.

"Nếu như Báo cáo nghiên cứu khả thi đặt ra 10 nội dung quan trọng mà dự thảo Nghị quyết của Quốc hội chỉ quyết định về tổng mức đầu tư và điều chỉnh diện tích đất thì liệu có bảo đảm tính khả thi?", đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) đặt vấn đề.

Có đại biểu đề nghị xem xét toàn bộ 10 nội dung của Báo cáo nghiên cứu khả thi và để làm được như vậy phải lùi việc xem xét, quyết định đến Kỳ họp thứ 9.

Thảo luận về góc độ khác của dự án, đại biểu Mai Sỹ Diễn (Thanh Hóa) nhấn mạnh, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành phải đảm bảo tiến độ để giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất, hướng đến việc có được một cảng hàng không đạt chuẩn theo phân cấp của Tổ chức Hàng không quốc tế đáp ứng cho nhu cầu trước mắt và lâu dài.

Vấn đề thẩm quyền của Quốc hội với Báo cáo nghiên cứu khả thi sân bay Long Thành
Đại biểu Mai Sỹ Diễn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại hội trường sáng nay.

Về các nội dung xin ý kiến, đại biểu bày tỏ tán thành với việc bổ sung đề bù, giải phóng mặt bằng đối với 136 ha để thực hiện cho 02 tuyến giao thông kết nối; kinh phí bồi thường tái định cư được lấy từ vốn đầu tư giai đoạn 1 của dự án.

Đại biểu cũng cho rằng việc tăng diện tích giai đoạn 1 từ 1.165 ha lên 1.810 ha sẽ không phát sinh thêm chi phí giải phóng mặt bằng bởi số diện tích đất này vẫn nằm trong 5.000 ha tổng diện tích của dự án. Việc bổ sung 2 tuyến giao thông kết nối cũng cần thiết vừa thực hiện đồng bộ, rút ngắn thời gian, bảo đảm tiến độ khai thác dự án.

Bên cạnh đó, đại biểu Mai Sỹ Diễn cũng đề nghị Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải phải có giải pháp quyết liệt, phải có cam kết bảo đảm tiến độ dự án. Đồng thời, đề nghị Bộ Giao thông vận tải giải trình làm rõ giải pháp tổng thể về giao thông kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tránh tình trạng như Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất như vừa qua.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương), cho rằng dự án này không được phép lùi và không thể lùi việc thực hiện dự án. Dự án này được đưa vào mục tiêu tăng trưởng trong giai đoạn tới.

Thêm nữa, ngoài ý nghĩa về kinh tế dự án còn nhiều ý nghĩa khác và là dấu ấn của cả một giai đoạn. Đại biểu Hồng cũng thống nhất với việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội nhưng nội dung của nghị quyết thì cần phải bàn thêm như về tổng mức đầu tư có bảo đảm số liệu chính xác.

Đại biểu Hồng cho rằng, với trách nhiệm của mình, Quốc hội cần giám sát hàng năm, Chính phủ phải có báo cáo về tình hình thực hiện để Quốc hội thảo luận, qua đó kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh.

Cùng quan điểm, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. HCM) cho rằng nếu dự án làm không tốt sẽ đè nặng lên sự phát triển của đất nước.

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (TP. Đà Nẵng) cho rằng các nội dung về lựa chọn nhà đầu tư, phương thức đầu tư thuộc thẩm quyền của Chính phủ tuy nhiên Nghị quyết của Quốc hội cần đưa ra các tiêu chí định hướng thực hiện.