Vi phạm bản quyền ngày càng có tổ chức, tinh vi

Hương Giang - 14:30, 22/12/2022

TheLEADERTrong khoảng một thập kỷ gần đây, ý thức pháp luật của người dân về quyền tác giả, quyền liên quan đã cải thiện đáng kể, song việc sao chép và phân phối trái phép bản sao tác phẩm vẫn là một vấn đề nhức nhối trong đời sống kinh tế xã hội Việt Nam.

Vi phạm bản quyền ngày càng có tổ chức, tinh vi
Ký kết ủy thác quyền với các tác giả tại Hội thảo "Quyền sao chép tại Việt Nam – Thực trạng và giải pháp" ngày 16/12/2022 (Ảnh: Báo Tài nguyên và Môi trường)

Tại Hội thảo “Quyền sao chép tại Việt Nam – Thực trạng và giải pháp”, Thiếu tá Lê Hồng Giang, Phòng PA03 (Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an TP Hà Nội), nhận định: Thành phố Hà Nội đã thực thi quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả và quyền liên quan một cách tích cực, với sự tham gia của tất cả các chủ thể trong xã hội.

Nhờ đó, hệ thống sở hữu trí tuệ đã được xây dựng đồng bộ, hiệu quả ở tất cả các khâu, bao gồm: sáng tạo, xác lập, khai thác, bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo, đáp ứng được yêu cầu về hội nhập quốc tế.

Từ đó, Hà Nội đã và đang đưa sở hữu trí tuệ trở thành một công cụ quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội.

Tuy vậy, theo Thiếu tá Lê Hồng Giang, việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam đang còn gặp nhiều vướng mắc, khó khăn.

Cụ thể, theo ông Giang, các văn bản, quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ, quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam còn thiếu tính đồng bộ với thế giới. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ ở một số đơn vị còn gặp khó khăn, chưa tập trung nhiều vào các kỹ năng giải quyết vụ việc cũng như các tình huống phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Thêm vào đó, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận tổ chức, cá nhân chưa cao, việc phổ biến, tuyên truyền ở một số địa bàn vùng xa chưa được quan tâm đúng mức.

Trong những năm gần đây các đối tượng vi phạm có xu hướng chuyển từ tiếp thị, phân phối theo phương thức truyền thống sang hình thức thương mại điện tử (thông qua các trang bán hàng trực tuyến và đặc biệt là các mạng xã hội như Facebook, Zalo…).

Trong quá trình xác minh, công an thành phố Hà Nội ghi nhận các đối tượng thực hiện các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả, quyền liên quan ngày càng tinh vi và có tính tổ chức cao.

Cụ thể, những đối tượng này đã phân công công việc cho từng cá nhân, nhóm chịu trách nhiệm, từng công đoạn rất cụ thể, từ vận hành website, chuẩn bị các loại tiền ảo, tài khoản ví điện tử quổc tế như Netteler, Paypal, Payeer, Webmoney... cho đến chuyển hóa nguồn tiền phạm pháp sang tài khoản ngân hàng thông qua các hợp đồng kinh tế “ma” hoặc bán lại trên các diễn đàn, cộng đồng người dùng trên mạng internet nhằm hợp thức hóa (cash-out) số tiền phạm pháp.

Đặc biệt, các đối tượng vi phạm còn thường xuyên thay đổi tên miền, sử dụng đường dẫn gián tiếp (redirect), thay đổi máy chủ hoặc sử dụng máy chủ ảo có cơ chế thay đổi địa chỉ IP (cloudflare), chặn IP truy cập đối với quốc gia Việt Nam để tránh sự theo dõi của các cơ quan chức năng.

Các cơ quan chức năng ghi nhận những đối tượng từng bị xử lý hành chính do vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả, quyền liên quan vẫn có xu hướng tái phạm tại thị trường quốc tế.

Cũng theo Thiếu tá Lê Hồng Giang, thẩm quyền kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng Công an còn hạn chế, phụ thuộc nhiều vào các đoàn kiểm tra liên ngành. Bên cạnh đó, cán bộ công an cấp cơ sở thường xuyên phải kiêm nhiệm nhiều địa bàn, lĩnh vực, chuyên đề nên thường gặp khó khăn trong việc nghiên cứu chuyên sâu và quản lý địa bàn.

Cho đến nay, số lượng các vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả, quyền liên quan bị truy cứu trách nhiệm hình sự còn rất ít, khung hình phạt chưa đủ sức răn đe, dẫn đến tình trạng vi phạm diễn ra càng nhiều.

Nguyên nhân chính của tình trạng này đó là việc xử lý hình sự đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam còn gặp nhiều vướng mắc. Chẳng hạn, có luật điều chỉnh nhưng không có văn bản hướng dẫn hay việc giám định sản phẩm thiếu sự đồng bộ giữa các lực lượng chức năng.

Không chỉ vậy, nhận thức chung của xã hội về vấn đề sở hữu trí tuệ còn hạn chế. Nhiều người chưa hiểu được các quy định pháp luật, không nhận thức được trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của bản thân. Khi phát hiện vi phạm, nhiều chủ sở hữu quyền cũng không có nhu cầu giải quyết triệt để, phần lớn tự giải quyết, không thông qua các tổ chức hoặc cơ quan chức năng, dẫn tới tình trạng vi phạm, khiếu kiện kéo dài nhưng không hiệu quả.

Thêm vào đó, người sử dụng dịch vụ Internet ở Việt Nam vẫn chưa có thói quen trả tiền, mà hầu như sử dụng miễn phí. Do đó, các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian thường không thu được phí từ người dùng mà phải tìm những cách khác để bù đắp chi phí. (ví dụ: kiếm nguồn thu từ quảng cáo hay trốn tránh nghĩa vụ trả phí bản quyền cho chủ sở hữu..). Đây cũng là một trong những lí do khiến cho hoạt động vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả, quyền liên quan trở nên phổ biến.

Có thể thấy thực trạng xâm phạm quyền sao chép tác phẩm là một vấn đề hết sức nhức nhối. Mặc dù pháp luật hiện nay đã có các bộ luật để bảo vệ quyền lợi của tác giả, tuy nhiên hiện tượng các cá nhân, tập thể vô tình hoặc cố ý lợi dụng những kẽ hở trong luật để trục lợi vẫn diễn ra phổ biến.

Trong lĩnh vực in ấn, xuất bản, hiện tượng photocopy các ấn phẩm, tác phẩm, sách in một cách tràn lan mà không được sự đồng ý của tác giả, rồi sử dụng vào mục đích kinh doanh là rất phổ biến. Trong số đó, những cửa hàng kinh doanh dịch vụ photocopy cũng là những bên vi phạm bản quyền tác giả một cách chuyên nghiệp, mà chưa nhận được sự quan tâm của các lực lượng chức năng.

Bên cạnh đó, việc đạo văn, sao chép luận văn thạc sĩ, tiến sĩ, của các học sinh, sinh viên và mọi người sử dụng internet cũng là những hoạt động xâm phạm quyền sao chép tác phẩm thường thấy. Hiện nay, phần lớn học sinh có thể hoàn thành bài tập của mình trong thời gian ngắn, nhờ vào việc có thể tra cứu và sao chép các tác phẩm có sẵn trên mạng. Đây là thực trạng diễn ra rất phổ biến, có khả năng sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng trong tương lai.

Nhìn trên bình diện cả nước, Việt Nam đang đối mặt với tình trạng xâm phạm quyền tác giả tràn lan. Mà trong đó, hành vi xâm phạm phổ biến nhất là sao chép tác phẩm bằng công nghệ số (sao chép số) và sử dụng trái phép các tác phẩm trên Internet.

Theo số liệu thống kê của liên minh quốc tế về sở hữu trí tuệ, mức độ vi phạm tác phẩm ngôn ngữ (sách, báo) và băng đĩa ở nước ta chiếm tới 85-90%. Vì vậy, Việt Nam thường xuyên được đưa vào danh sách những quốc gia có mức vi phạm bản quyền cao nhất thế giới.

Tình trạng xâm phạm quyền tác giả trực tuyến tràn lan khiến cho các tác giả, nhà sản xuất, nhà xuất bản và những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật nói chung không được đền đáp xứng đáng với công sức của mình, từ đó kìm hãm nền công nghiệp văn hóa, giải trí của nước ta.

Mặt khác, những vi phạm này sẽ khiến cho Việt Nam mất đi nhiều cơ hội hợp tác với các đối tác nước ngoài trong việc tạo ra những sản phẩm mang lại giá trị tinh thần cao cho người dân.

Năng lực đội ngũ thực còn yếu kém, chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý tranh chấp cũng là một trong những khó khăn lớn đối ngành sở hữu trí tuệ Việt Nam.