Vì sao Đà Lạt bị đổi thay?

PGS.TS.KTS Nguyên Hạnh Nguyên - Đại học Kiến trúc TP. HCM - 08:00, 26/08/2020

TheLEADERThành phố có bản sắc là thành phố có được nét riêng, có yếu tố văn hóa bản địa; nếu giữ gìn được bản sắc, thành phố sẽ hấp dẫn mãi. Với một thành phố được định hình từ bản sắc rất riêng như Đà Lạt, nếu mất di sản, mất cảnh quan thiên nhiên sẽ tự chết.

Lợi ích kinh tế, văn hóa, chính trị của di sản

PGS.TS.KTS Trần Văn Khải cho rằng: “Một đô thị với nhiều di sản kiến trúc có bản sắc, có ý nghĩa lớn đến sức hấp dẫn cho các hoạt động kinh tế, văn hóa chính trị và trực tiếp sinh ra các nguồn lợi vật chất. Sự phá hủy các di sản kiến trúc – đô thị sẽ làm thiệt hại cơ cấu kinh tế đô thị, đôi khi nguy hiểm đến mức làm lụi tàn đô thị do đánh mất bản sắc riêng, giống như “tự sát về văn hóa” (cultural – suicide). Các quan điểm thiển cận, sai lầm là cho rằng phá các di sản đi để xây nhà hiện đại, to lớn hơn sẽ có hiệu quả kinh tế hơn”. 

Không phải ngẫu nhiên mà khi nói về “cổ tích” (“cổ tích” là một từ để chỉ về di sản), quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng di sản văn hóa dân tộc là vốn quý, là bệ đỡ cho nền văn hóa một đất nước. Ngày 23/11/1945, chỉ hơn 2 tháng sau khi nước nhà giành độc lập, Người đã ký Sắc lệnh 65/SL về “Bảo tồn cổ tích” trong đó nêu: “Việc bảo tồn cổ tích là việc cần thiết cho công cuộc kiến thiết nước nhà”. “Nghiêm cấm việc phá hủy những đình chùa, đền miếu hoặc nơi thờ tự khác, những cung điện, thành quách cùng lăng mộ chưa được bảo tồn. Cấm phá hủy những bia ký, đồ vật, chiếu sắc, văn bằng, giấy má, sách vở có tính cách tôn giáo hay không, có ích cho lịch sử, nhưng chưa được bảo tồn”.

Tầm nhìn chiến lược, những quan điểm của định hướng đúng đắn đó được Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định lại tại Hội nghị Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá Việt Nam vì sự phát triển bền vững vào 27/7/2018.

“Tuyệt đối không phá huỷ, làm hỏng hay hy sinh di sản vì bất kỳ lý do gì để phục vụ phát triển. Để mất di sản, dù là một phần, chính là bắn súng vào quá khứ, đánh mất bản sắc dân tộc”, Thủ tướng nhấn mạnh: “Nói những điều này để thấy chúng ta rất tự hào và vinh dự được thừa hưởng những giá trị di sản của tổ tiên để lại và chúng ta, các ngành và toàn xã hội phải có trách nhiệm rất lớn giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị bền vững các di sản đó”. 

Với những ý này, các đô thị có tính chất là đô thị lịch sử, đô thị di sản như Đà Lạt cần phải rất hiểu những ảnh hưởng của các dự án đối với bối cảnh hiện tại và điều kiện tương lai của thành phố.

Vì sao Đà Lạt bị đổi thay?
Thành phố Đà Lạt.

Giá trị cốt lõi làm nên bản sắc Đà Lạt

Bản sắc Đà lạt chỉ có 2 yếu tố và luôn phải giữ để thu hút du lịch đó là nét đẹp tự nhiên của địa hình, cảnh quan và hệ thống các di sản kiến trúc. “Rừng trong thành phố, thành phố trong rừng” là hình ảnh một thành phố trên cao, bình yên giữa thiên nhiên rất thơ mộng, độc đáo mà người Pháp đã định hình từ đầu cho Đà Lạt. 

Đây cũng chính là những từ khóa mà lẽ ra Đà Lạt phải luôn giữ lấy!

Nhiều đô thị trên thế giới, di sản của họ không đặc sắc bằng Đà Lạt, nhưng họ đã kiên định thực hiện bài toán: “Đẩy di sản lên để cứu kinh tế”. Vậy Đà Lạt có viên kim cương trong tay, phải biết được giá trị của nó để mà thường xuyên lau cho nó sáng bóng. Lẽ ra phải chăm sóc cảnh quan, kiến trúc, các công trình có giá trị để giữ được vẻ đẹp này. Lẽ ra không cho phép “cấy” các công trình có khối tích lớn vào trung tâm khu Hòa Bình..., đó mới là tư duy bền vững và đúng tầm với Đà Lạt.

Đà Lạt là thành phố du lịch nghỉ dưỡng chứ tuyệt nhiên không phải và cũng không thể là thành phố đầu tầu kinh tế như Hà Nội, Sài Gòn hay Đà Nẵng. Với vai trò mới: “Đà Lạt trở thành đô thị di sản, thành phố thông minh, trung tâm du lịch chất lượng cao mang tầm quốc tế” (theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP. Đà Lạt nhiệm kỳ 2020-2025), đây còn phải trở thành một không gian nghệ thuật cộng đồng quy mô lớn: Nghệ thuật đương đại trong lòng di sản. 

Nếu xác định như vậy, Đà Lạt không thể đánh đổi giá trị văn hóa, nghệ thuật lấy giá trị kinh tế theo một cách nhìn ngắn hạn được. Chính yếu tố văn hóa, nghệ thuật cộng đồng sẽ thu hút du lịch và trở thành đòn bẩy kinh tế và giữ được sức hấp dẫn cho thành phố.

Quan điểm của lãnh đạo địa phương: “Không nên sống mãi với ký ức và hoài niệm”!?

Khi được hỏi: “Tỉnh Lâm Đồng đang trong quá trình xây dựng Đà Lạt thành đô thị di sản, vậy việc xây dựng cụm khách sạn cao tầng, hiện đại trên khu vực đồi Dinh có phá vỡ kế hoạch đô thị di sản Đà Lạt?”, người đứng đầu chính quyền địa phương cho rằng: “Đô thị di sản Đà Lạt bao gồm nhiều yếu tố, kiến trúc chỉ là một phần để tạo nên đô thị di sản. Thực tế theo quy hoạch được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt ngày 12/2/2019 thì trung tâm khu Hòa Bình và đồi Dinh chỉ thay đổi công trình xây dựng hiện đại hơn, còn kiến trúc cảnh quan phù hợp với quy hoạch chung. Có người nói nên chọn vị trí khác để xây dựng các công trình hiện đại, nhưng cần thiết phải đầu tư, nâng cấp các công trình ở trung tâm Đà Lạt để nâng tầm Đà Lạt lên”. 

Thật sự cách nghĩ này rất nguy hiểm vì nó xuất phát từ sự hiểu chưa đầy đủ về vai trò của di sản, của các yếu tố bản sắc đối với đô thị Đà Lạt. Cách suy nghĩ này đã lý giải cho những thắc mắc của nhiều người lâu nay rằng: Vì sao Đà Lạt lại thay đổi nhiều như vậy?, thay đổi đến nỗi người đi xa không còn nhận ra khi trở về? Vì sao khu trung tâm Đà Lạt bị dồn nén, bị xây cao tầng với khối tích lớn nhiều và với tốc độ nhanh như vậy? Vì sao thông và các mảng xanh bị phá nhiều đến thế?... 

Khi các giá trị cốt lõi không được đánh giá, nhìn nhận đúng, sẽ không có cơ chế nào được sinh ra để bảo vệ di sản hay các giá trị đó. Sự thờ ơ xuất phát từ nhận thức, mà thay đổi nhận thức thì còn cần một quá trình rất dài, cần sự tương tác rất thường xuyên giữa chính quyền với giới chuyên môn hiểu về di sản, hiểu về quy hoạch đô thị...

Lời kết

Nếu những người đứng đầu, có vai trò quyết định số phận của Đà Lạt tương lai không mở lòng mình để tiếp nhận những ý kiến của chuyên gia, của giới kiến trúc sư cả nước, vẫn giữ những định kiến “bảo tồn sẽ cản trở phát triển”, “Phát triển Đà Lạt là phải hiện đại, là đô thị nén... thì hậu quả khôn lường. 

Sai hay đúng lúc này hãy đặt qua một bên. Dù đã tốn quá nhiều thời gian, nhưng lúc này các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu đô thị, các cơ quan Bộ Xây dựng, Cục Di sản (Bộ Văn hóa thể thao và du lịch) nên cùng ngồi với địa phương để tìm cách tháo gỡ cho thành phố.