Vì sao nhiều tỉnh, thành không công khai các thông tin về ngân sách?

Quỳnh Chi - 13:24, 29/03/2018

TheLEADERNhiều tỉnh, thành không công khai bất kỳ một loại tài liệu nào về ngân sách hoặc công khai nhưng không đầy đủ, tuy nhiên hiện luật vẫn chưa có chế tài xử lý.

Vì sao nhiều tỉnh, thành không công khai các thông tin về ngân sách?
4 tỉnh bị chấm điểm 0 trong Chỉ số công khai ngân sách tỉnh POBI 2017. Ảnh chỉ có tính chất minh họa.

Theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm Phát triển và hội nhập (CDI) và Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) về chỉ số công khai ngân sách tỉnh (POBI) 2017, điểm trung bình của 63 tỉnh thành phố trên cả nước theo thang điểm 100 chỉ là 30,5 điểm. 

Trong đó, 30 tỉnh có số điểm trên mức trung bình, nhưng chỉ có 12 tỉnh đạt trên 50% tổng điểm POBI.

Kon Tum là tỉnh dẫn đầu về chỉ số POBI 2017, nhưng cũng chỉ đạt 70,2 điểm. Xếp sau Kon Tum là các tỉnh Khánh Hòa, Hải Dương, Sơn La, TP. HCM, Cao Bằng, Bình Định, Bình Dương, Quảng Trị, Lạng Sơn, Đồng Nai và Đà Nẵng. Đây là các tỉnh thuộc nhóm B, là những tỉnh có mức điểm nằm trong khoảng từ 50 – dưới 75 điểm.

Đa số các tỉnh ở mức C (25 - 50 điểm) như An Giang, Cần Thơ, Điện Biên... Một số tỉnh ở mức D, dưới 25 điểm; trong nhóm này đặc biệt có bốn tỉnh không công khai bất kỳ một loại tài liệu nào hoặc có công khai nhưng yêu cầu tài khoản đăng nhập mới có thể tiếp cận được bao gồm Ninh Bình, Tây Ninh, Hậu Giang và Bạc Liêu.

PGS.TS Vũ Sỹ Cường, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, có một tình trạng là các tỉnh công khai thông tin cực kỳ ít, phản ánh có một số tỉnh không tuân thủ quy định của pháp luật trong khi hiện nay, luật vẫn chưa có chế tài để xử lý. 

Có một số tỉnh công khai nhưng không đầy đủ, không đúng thời điểm hoặc không công khai trên các trang web theo quy định mà công khai ở những nơi rất khó tìm.

Theo đó, xét về loại tài liệu được công khai, báo cáo dự toán ngân sách tỉnh năm 2018 đã được phê duyệt là loại tài liệu được các địa phương công khai nhiều nhất, với 51/63 tỉnh thành công khai, chiếm 81%. Đây cũng là loại tài liệu được các tỉnh công bố đúng hạn nhiều nhất. 

Tiếp theo đó là báo cáo quyết toán ngân sách tỉnh 2016 với khoảng 77,8% số tỉnh công khai loại tài liệu này.

Tuy nhiên, chỉ có 42,9% số tỉnh có công bố công khai tài liệu về dự thảo dự toán ngân sách tỉnh năm 2018 trình HĐND, chỉ có 44% số tỉnh công bố báo cáo tình hình thực hiện ngân sách tỉnh quý III/2017 và chỉ 39,7% số tỉnh công bố báo cáo tình hình thực hiện ngân sách tỉnh năm 2017.

Đề cập đến vấn đề này, ông Cường cho rằng đây là một vấn đề khá lớn vì câu hỏi được đặt ra là làm sao có thể đưa ra dự toán cho năm sau trong khi không xem xét, đánh giá tình hình thực hiện ngân sách cho năm trước.

Theo nhóm nghiên cứu, mặc dù sáu tài liệu này theo Luật Ngân sách Nhà nước 2015 chưa phải là tài liệu bắt buộc công khai nhưng đây là những thông lệ quốc tế tốt mà các tỉnh nên thực hiện. Việc công khai các tài liệu này giúp người dân có hiểu biết tốt hơn về tình hình quản lý ngân sách tại địa phương.

Theo CDI và VEPR, website của sở tài chính cần có thư mục rõ ràng về công khai ngân sách, các thông tin cần phải được cập nhật đầy đủ, đúng thời hạn để người dân được biết. Các tài liệu công khai cần phải được kèm thuyết minh cũng như quyết định công bố công khai thông tin của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Hai đơn vị này cho rằng việc công khai các thông tin phải đảm bảo đầy đủ đúng quy định, bao gồm các thông tin về Quyết định/Nghị quyết phê duyệt/ban hành tài liệu và đầy đủ phụ lục bảng biểu kèm theo.