'Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành cường quốc về an ninh mạng'

Quỳnh Chi - 15:52, 29/11/2019

TheLEADERBộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, bảo đảm an toàn thông tin mạng đồng nghĩa với việc xây đắp cho tương lai thịnh vượng của đất nước.

'Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành cường quốc về an ninh mạng'
Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Thế giới và Việt Nam đã và đang bước vào không gian mạng với cuộc cách mạng số, trong đó có nhiều thách thức và cơ hội song hành. Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, các quốc gia phải đối mặt với những thách thức giống nhau trên không gian mạng, vì vậy, có cơ hội để trở thành một thế giới sát cánh bên nhau.

"Không gian mạng là tương lai thịnh vượng của đất nước. Bảo đảm an toàn, an ninh không gian mạng đồng nghĩa với xây đắp cho tương lai, giúp đất nước thịnh vượng hơn. An toàn, an ninh mạng là điều kiện cơ bản, yếu tố sống còn cho công cuộc chuyển đổi số quốc gia, phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định trong khuôn khổ Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2019 với chủ đề "Nâng tầm an toàn, an ninh mạng quốc gia trong kỷ nguyên số".

Đã đến lúc phải thay đổi cách nghĩ

Nếu như trước đây, công nghệ thông tin được đẩy mạnh triển khai ứng dụng và phát triển trước, thì giờ đây, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phải song hành cùng an toàn, an ninh mạng. Trong mọi dự án công nghệ thông tin đều phải có cấu phần an toàn, an ninh mạng như một cấu phần bắt buộc. 

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, tỷ lệ chi cho an toàn, an ninh mạng tối thiểu 10% tổng kinh phí chi cho công nghệ thông tin trong khi ở Việt Nam hiện nay, tỷ lệ này đang ở mức dưới 5%.

Nếu như trước đây, sự cố xảy ra được cố gắng giữ kín, càng ít người biết càng tốt, thì giờ đây, không ai an toàn một mình trong thế giới mạng. Càng chia sẻ, càng an toàn, không chia sẻ thì phía sau lại sẽ là một người nào đó nữa bị tấn công tương tự. 

"Mức độ bảo đảm an toàn, an ninh mạng của một cơ quan, tổ chức không phải nằm ở việc cơ quan, tổ chức đó có bị tấn công hay không mà nằm ở cách thức cơ quan, tổ chức đó phản ứng như thế nào sau khi bị tấn công", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói tại sự kiện Ngày An toàn thông tin Việt Nam năm 2019. 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, cần phải có một mạng lưới chuyên gia và đơn vị chuyên trách dưới sự điều phối của cơ quan chức năng. Thông tin phải được chia sẻ kịp thời. Khi sự cố xảy ra với một đơn vị, các đơn vị cùng coi đây là trách nhiệm của mình, sẵn sàng tham gia ứng cứu theo sự điều phối chung, vì một không gian mạng an toàn hơn cho tất cả. 

Và thay đổi cách làm

Nếu như trước đây, giải pháp và thiết bị được chú trọng khi đầu tư mà ít chú trọng đến con người và quy trình, thì giờ đây Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, con người là quan trọng nhất, sau đó đến quy trình, rồi mới đến giải pháp, thiết bị. Mỗi cơ quan, tổ chức cần bảo đảm tỷ lệ hợp lý, cân đối cả ba yếu tố này.

"Nếu như trước đây, chúng ta thường tự đầu tư, tự bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho cơ quan, tổ chức của mình, thì giờ đây, chúng ta phải hiểu rằng, những dịch vụ tốt nhất được cung cấp bởi những doanh nghiệp chuyên nghiệp nhất", người đứng đầu Bộ Thông tin và truyền thông khẳng định. 

Cùng với đó, các cơ quan, tổ chức một mặt kiện toàn lực lượng tại chỗ, mặt khác thuê dịch vụ giám sát, bảo vệ của các doanh nghiệp đã được Bộ Thông tin và truyền thông cấp phép. Định kỳ thực hiện kiểm tra, đánh giá. Bộ Thông tin và truyền thông giao Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia thuộc Cục An toàn thông tin thực hiện giám sát quốc gia trên không gian mạng để phát hiện, cảnh báo sớm nguy cơ mất an toàn, an ninh mạng.

Trước sự kiện Bộ Thông tin và truyền thông khai trương hệ thống chia sẻ và giám sát an toàn thông tin phục vụ Chính phủ điện tử, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: "Việt Nam cần phải làm chủ công nghệ để bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Cơ quan, tổ chức nhà nước phòng, chống tấn công mạng, ưu tiên sử dụng các sản phẩm  Make in Vietnam”. 

Hệ thống này sẽ giúp giám sát, phân tích thông tin từ đó chia sẻ và đưa ra cảnh báo sớm cho các bộ, ngành, địa phương nhằm bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho Chính phủ điện tử. Đến nay có 31 Bộ, ngành, địa phương đã kết nối kỹ thuật thành công với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia. Sau thời gian thử nghiệm sáu tháng, khi chính thức được đi vào hoạt động, hệ thống này sẽ tiếp tục triển khai mở rộng trên phạm vi toàn quốc.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết tới đây, Bộ Thông tin và truyền thông sẽ giao nhiệm vụ cụ thể cho các doanh nghiệp tiên phong nhằm phát triển hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam phục vụ Chính phủ điện tử, đô thị thông minh và hệ thống thông tin quan trọng quốc gia.

Hệ sinh thái là một mô hình tổng thể, toàn diện và đầy đủ các giải pháp. Doanh nghiệp có thế mạnh về giải pháp nào sẽ được giao để tập trung phát triển sâu, chuyên nghiệp về giải pháp đó, được ưu tiên và khuyến nghị sử dụng. Cùng với đó, một liên minh sẽ được thành lập nhằm hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong phát triển sản phẩm, bảo đảm các sản phẩm có sự liên thông, kết nối. Liên minh doanh nghiệp này cũng cam kết sử dụng sản phẩm của nhau để cung cấp một giải pháp tổng thể cho khách hàng.

Người đứng đầu Bộ Thông tin và truyền thông nhìn nhận, Việt Nam có lợi thế lớn khi có xấp xỉ một triệu nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), nguồn nhân lực an toàn, an ninh mạng vào loại tốt trên thế giới, với những chuyên gia đạt đẳng cấp quốc tế. 

"Cùng với khát vọng vươn lên mạnh mẽ, với sự ủng hộ của Nhà nước và liên kết chặt chẽ của Liên minh, Việt Nam hoàn toàn có thể sinh ra những doanh nghiệp lớn mạnh để trở thành cường quốc an toàn, an ninh mạng, nhằm bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng. Và chúng ta sẽ không bỏ lỡ cơ hội ấy", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tin tưởng.