Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Chuyển đổi số mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam

Việt Hưng - 17:10, 08/08/2019

TheLEADERChuyển đổi số là một cuộc cách mạng về chính sách và thể chế nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Chuyển đổi số mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số là cuộc cách mạng vĩ đại, bởi toàn bộ hoạt động kinh tế và xã hội sẽ được chuyển vào thế giới ảo bên cạnh kinh tế thực và xã hội thực; và lúc này, công nghệ số mới phát huy hết sức mạnh của nó.

Chuyển đổi số bao gồm bước một là số hoá, không chỉ con người được số hoá mà tất cả các vật vô tri vô giác sẽ được số hoá. Bước hai là hình thành các mối quan hệ mới trong thế giới ảo và chính những mối quan hệ mới, những mô hình kinh doanh mới sẽ phát huy hiệu quả của chuyển đổi số.

Vì thế, chuyển đổi số chính là hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và điều này phụ thuộc vào chuyển đổi nhận thức của con người. Đây lại là lợi thế của các nước đang phát triển như Việt Nam vì sự chuyển đổi nhận thức không phụ thuộc vào cơ sở vật chất mà một nước đang sở hữu. 

"Các nước đi sau thì ít gánh nặng của quá khứ, cả về hạ tầng vật chất và thể chế, cả về năng lực cạnh tranh của thời 2.0, 3.0. Những gánh nặng quá khứ này có thể lại là cản trở cho 4.0, vì 4.0 cần năng lực cạnh tranh mới, hạ tầng mới, thể chế mới", ông Hùng nói tại diễn đàn cấp cao về công nghệ thông tin Vietnam ICT Summit 2019 với chủ đề Chuyển đổi số vì một Việt Nam hùng cường đã được tổ chức tại Hà Nội hôm nay.

Cũng chính vì chuyển đổi số không cần nhiều cơ sở vật chất mà cái cần chính là thay đổi tư duy nên ông Hùng nhìn nhận chuyển đổi số mở ra cơ hội lớn cho những nước đi sau như Việt Nam. Thêm vào đó là văn hoá người Việt thích ứng nhanh với cái mới, ham học hỏi cái mới, sáng tạo trong ứng dụng cái mới.

"Nếu chúng ta có chính sách phù hợp thì Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội này để vượt lên thành nước phát triển", Bộ trưởng nhận định.

Cho rằng chuyển đổi số là sự thay đổi mang tính toàn diện, đến từng doanh nghiệp, từng tổ chức, đến từng người dân, đến mọi lĩnh vực với khối lượng công việc khổng lồ, ông Hùng nhìn nhận các doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam sẽ là hạt nhân của quá trình chuyển đổi này.

"Chúng ta phải phát triển thêm 50.000 doanh nghiệp ICT tại khắp các tỉnh thành để đẩy nhanh chuyển đổi số Việt Nam", vị tư lệnh ngành nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, có bốn loại doanh nghiệp công nghệ số sẽ được đề xuất ưu tiên tập trung phát triển trong thời gian tới. 

Một là các doanh nghiệp công nghệ lớn, làm chủ các công nghệ cốt lõi và đầu tư hạ tầng ICT, có tiềm lực về tài chính, thị trường và nhân lực. Các doanh nghiệp thương mại dịch vụ lớn như ViettelVingroup có thể chuyển thành các tập đoàn công nghệ, công nghiệp, thương mại và dịch vụ.

Hai là các doanh nghiệp công nghệ đã có 10 - 20 năm kinh nghiệm, nhưng lại đang chủ yếu làm gia công thì sẽ chuyển sang làm sản phẩm, tập trung làm các nền tảng chuyển đổi số. 

Ba là các doanh nghiệp công nghệ mới khởi nghiệp, làm tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ, mang công nghệ số áp dụng vào mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Bốn là các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới đột phá. 

Bộ trưởng đặt mục tiêu Việt Nam sẽ đạt thứ hạng cao trên thế giới về chuyển đổi số, nằm trong Top 50 vào năm 2025 và Top 30 vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu đó, Việt Nam chú trọng vào năm yếu tố cốt lõi là thể chế, hạ tầng, an ninh mạng, nền tảng và đào tạo.

Về thể chế, quan trọng nhất là chính sách thu hút nhân tài toàn cầu, chấp nhận các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới, các mối quan hệ mới trong thế giới ảo, đi đôi với việc bảo vệ các giá trị căn bản của nhân loại, của văn hoá Việt Nam, luôn lấy con người làm trung tâm trong quá trình chuyển đổi số.

Về hạ tầng, quan trọng nhất là chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng ICT và làm chủ các công nghệ nền tảng của chuyển đổi số, như IoT, Big Data, AI, AR...

Lời giải để đẩy nhanh chuyển đổi số Việt Nam là dựa trên các nền tảng. Một nền tảng có thể kết nối hàng triệu người, hàng ngàn doanh nghiệp. 

Cuối cùng là đào tạo lại và đào tạo nâng cao nguồn nhân lực cho chuyển đổi số. Chuyển đổi số là chặng đường dài nhiều thập kỷ, liên quan đến mọi người nên muốn căn cơ thì ICT phải được coi là kỹ năng cơ bản như biết đọc, biết viết cho học sinh từ cấp học thấp nhất. Cũng chính ICT là lời giải tốt nhất cho nhiều vấn đề của giáo dục hiện nay và giáo dục bằng công nghệ ICT cũng chính là cách tốt nhất để dạy kỹ năng số cho học sinh.

Những phân tích của các chuyên gia tại Vietnam ICT Summit 2019 cho thấy chuyển đổi số là xu hướng toàn cầu, là vấn đề sống còn với các quốc gia, doanh nghiệp. Thế giới đang chứng kiến những thay đổi lớn về năng suất lao động, trải nghiệm của người sử dụng và nhiều mô hình kinh doanh mới đã và đang được hình thành.

Như ở Amazon - một tập đoàn bán lẻ toàn cầu chỉ có sáu kế toán, người mua hàng chỉ cần mở ứng dụng, vào cửa hàng, quét mã, nhặt đồ và ra về, các thủ tục về thanh toán được thực hiện tự động trên ứng dụng Amazon Go.

Từ bất kỳ đâu trên thế giới chỉ cần có điện thoại di động, WiFi là có thể học được trực tuyến từ các giảng viên xuất sắc nhất trên thế giới trên ứng dụng học trực tuyến; các mô hình kinh doanh mới, mô hình kinh tế chia sẻ, được hình thành từ việc sử dụng các công nghê mới đã tạo nên Uber, Grab, AirBNB.

Theo nghiên cứu từ năm 2017 của Microsoft tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tác động mà chuyển đổi số mang lại cho GDP năm 2017 là khoảng 6%, năm 2019 được dự đoán là 25% và tới năm 2021 là 60%. Chuyển đổi số cũng làm tăng năng suất lao động 15% trong năm 2017, dự kiến 2020 là 21%. 

Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc FPT thể hiện quyết tâm FPT sẽ tiên phong dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam. 

Ông Khoa đánh giá cao đề án chuyển đổi số quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông đang chủ trì xây dựng với mục tiêu đầy tham vọng khi định hướng Việt Nam sẽ lọt Top 40 thế giới và Top 4 ASEAN về chỉ số cạnh tranh toàn cầu

"Với những thành tựu công nghệ mới nhất tạo nên một nền tảng chuyển đổi số toàn diện, FPT sẽ giúp tổ chức/doanh nghiệp giảm 30-50% thời gian thực hiện các dự án chuyển đổi số", ông Khoa nhấn mạnh.

Ba thế mạnh cốt lõi của FPT khi triển khai dịch vụ chuyển đổi số được ông Khoa nêu ra gồm phương pháp tiếp cận, nguồn nhân lực chất lượng cao và nền tảng công nghệ sẵn có.

Về phương pháp tiếp cận, lãnh đạo FPT cho rằng, với kinh nghiệm nhiều năm hợp tác cùng các tập đoàn hàng đầu thế giới như AWS, Airbus, Siemens và GE và hơn ba năm thực hiện chuyển đổi số trong nội bộ, FPT đã đúc kết và đưa ra một phương pháp luận chuyển đổi số mang tên FPT Digital Kaizen.

Phương pháp tiếp cận "nghĩ lớn - thực hiện thông minh - phát triển tốc độ" này giúp chuyển đổi số đơn giản, hiệu quả, không đòi hỏi chi phí đầu tư lớn và được FPT sẵn sàng chia sẻ và chuyển giao cho các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam.

Về nguồn nhân lực, với hơn 16 nghìn kỹ sư và chuyên gia công nghệ có chuyên môn cao, FPT tiếp tục đề ra mục tiêu đào tạo cho quốc gia hơn 50.000 chuyên gia chuyển đổi số trong tương lai.

Về nền tảng công nghệ, FPT đã và đang đầu tư phát triển những sản phẩm chuyển đổi số, giúp tối ưu hóa hoạt động, tăng năng suất lao động, gia tăng trải nghiệm, sáng tạo những mô hình kinh doanh mới.

Ông Khoa cho biết, FPT sẽ cung cấp miễn phí ứng dụng chuyển đổi số dựa trên các nền tảng và sản phẩm chuyển đổi số như FPT.AI, FPT U-Services, AkaMinds… để xây dựng các tác vụ và ứng dụng thông minh như chatbot hay nhận dạng giấy tờ tùy thân, giúp rút ngắn thời gian xử lý dịch vụ công và doanh nghiệp có thể sử dụng thử để đánh giá khả năng tăng năng suất cũng như trải nghiệm khách hàng.