VietinBank rao bán nhiều khách sạn 4 - 5 sao để thu hồi nợ

Trần Anh - 13:12, 04/07/2023

TheLEADERVietinBank vừa thông báo danh sách gần 400 tài sản bảo đảm cần xử lý, trong đó có cả những khách sạn 4 - 5 sao, quy mô hơn 8.000 tỷ đồng.

Danh sách tài sản cần xử lý của Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank) gồm 358 bất động sản và 38 phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị khác. Các tài sản đảm bảo này sẽ được bán đấu giá hoặc thỏa thuận. Tổng giá trị tài sản đảm bảo cần xử lý là hơn 8.000 tỷ đồng.

Trong nhóm bất động sản, ngoài nhà thổ cư, thửa đất, VietinBank còn rao bán hàng loạt khách sạn 4-5 sao, nhiều homestay, biệt thự tại Hội An (Quảng Nam), Đà Nẵng, Nha Trang - Cam Lâm (Khánh Hòa).

Trong đó có một quyền sử dụng đất và khách sạn 5 sao tại Đà Nẵng có diện tích 1.220 m2, diện tích xây dựng 21.707,61 m2, quy mô 236 phòng. Tài sản này được VietinBank chào bán với giá 600 tỷ đồng.

Tại quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), một khu khách sạn – condotel đang bỏ trống, diện tích đất 1.432m2, toạ lạc tại vị trí hai mặt tiền, trong đó hướng chính là mặt tiền đường Võ Nguyên Giáp, được ngân hàng rao bán với giá 100 tỷ đồng.

Hai khách sạn 4 sao tại Hội An (Quảng Nam) với quy mô 98-104 phòng được chào đồng giá 420 tỷ đồng cho mỗi bất động sản. Riêng tại Hội An, VietinBank còn rao bán gần 60 khách sạn, bất động sản khác nhau, phân khúc phổ biến là các khách sạn 3-4 sao, homestay và biệt thự với giá bán từ vài chục tới vài trăm tỷ đồng.

Ngoài khách sạn, biệt thự, một số dự án tòa nhà văn phòng cũng được chào bán. Một tòa nhà văn phòng với diện tích hơn 1.050 m2 tại đường Nguyễn Hữu Cảnh, Phường 12, Bình Thạnh (TP HCM) được VietinBank chào bán hơn 213 tỷ đồng.

Tại Chư Sê (Gia Lai), một nhà máy nước sạch công suất 9.000 m3 một ngày đêm được rao bán hơn 108 tỷ đồng để thu hồi nợ. Một nhà xưởng sản xuất gia công các loại sản phẩm gỗ tại Phong Điền (Thừa Thiên Huế) được chào gần 20 tỷ đồng.

Ngoài bán tài sản thu hồi nợ, VietinBank cũng thông báo bán 566 khoản nợ vay tiêu dùng. Các khoản vay này có quy mô từ vài trăm nghìn đồng tới gần 200 triệu đồng. Các khoản nợ này được chào bán bằng 90% giá trị ghi sổ (gồm tiền gốc, lãi và lãi phạt).

Không chỉ riêng Vietinbank, nhiều ngân hàng cũng đẩy mạnh bán nợ trong nửa đầu năm 2023. Có thể kể tới Agribank, BIDV, NCB, Sacombank... liên tục rao bán các khoản nợ, tài sản đảm bảo để thu hồi và xử lý nợ xấu với giá trị hàng trăm tỷ đồng.

Hồi đầu năm, BIDV đã rao bán khoản nợ của Công ty Thép Việt Nhật với giá khởi điểm 133,7 tỷ đồng. Đây đã là lần thứ 14 ngân hàng mang khoản nợ này ra bán đấu giá.

BIDV còn thông báo đấu giá Nhà máy thủy điện Tân Thượng do Công ty Năng lượng Tân Thượng làm chủ đầu tư, với khởi điểm 325 tỷ đồng. Tài sản này đã được đấu giá đến lần thứ 10 nhưng vẫn chưa có người mua.

Ngân hàng này cũng rao bán khoản nợ của Công ty Thủy điện Đức Nhân Đắk Psi và Công ty TNHH Hoàng Nhi với giá 914 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo của khoản nợ này gồm nhà máy thủy điện Đắk Psi công suất 18MW, nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng tại Khu công nghiệp Trà Đa cùng với bất động sản tại Gia Lai và Kon Tum.

Trước đó, Sacombank đã mang 18 khoản nợ được đảm bảo bằng quyền tài sản tại Dự án Khu công nghiệp Phong Phú, huyện Bình Chánh (TPHCM) ra bán đấu giá. Dự án có quy mô 134ha, bao gồm 67ha đất KCN và 67ha đất dành cho dịch vụ công nghiệp (nhà ở chuyên gia, siêu thị, bệnh viện).

Đây là khoản nợ phát sinh tại Sacombank và được bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Sau đó, VAMC đã ủy quyền cho Sacombank bán các khoản nợ này theo quy định. Giá khởi điểm của khoản nợ là 7.934 tỷ đồng.

Chất lượng tín dụng các nhà băng xấu đi trong quý 1/2023 khi nợ quá hạn tăng mạnh do ảnh hưởng từ khó khăn của bất động sản và tài chính tiêu dùng. Nợ cần chú ý và nợ xấu đã tăng mạnh với nhiều nhà băng, gồm cả nhóm quốc doanh và tư nhân.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn ngành đã tăng lên mức 2,91% vào cuối tháng 2 năm nay, so với 2% thời điểm cuối năm ngoái.

Báo cáo ngành ngân hàng của Công ty chứng khoán VNDirect ghi nhận đa số các nhà băng đều có tỷ lệ nợ xấu tăng và tỷ lệ dự phòng nợ xấu giảm so với quý trước. VNDirect đánh giá khó khăn từ thị trường bất động sản vẫn là một thử thách lớn cho triển vọng ngành ngân hàng khi lĩnh vực này chiếm đến 21% tín dụng hệ thống vào cuối 2022.

Những ngân hàng với bộ đệm dự phòng tốt và danh mục cho vay không tập trung vào bất động sản như Vietcombank, ACB… sẽ hạn chế được rủi ro hiện tại.

Tuy vậy, VNDirect cũng kỳ vọng áp lực trích lập dự phòng cũng như rủi ro nợ xấu của các ngân hàng sẽ được giảm bớt trong thời gian tới, khi dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản có thể cải thiện phần nào nhờ các chính sách hỗ trợ được ban hành và một số các dự án bất động sản được tháo gỡ pháp lý.