World Bank ‘bắt mạch’ 2 lĩnh vực cần cải cách của Việt Nam

Hoàng Quân - 15:25, 19/09/2019

TheLEADERBên cạnh chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, các hành động cần được xác định rõ và khả thi về mặt thực thi, đại diện World Bank nhấn mạnh.

World Bank ‘bắt mạch’ 2 lĩnh vực cần cải cách của Việt Nam
Mô hình kinh tế của Việt Nam đang đối mặt với một số thách thức trong nước.

Phát biểu tại Diễn đàn cải cách và phát triển 2019 diễn ra hôm nay, ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho rằng Việt Nam cần có những cải cách táo bạo để có thể nắm bắt các cơ hội trong tương lai và quản lý những rủi ro.

Lĩnh vực cải cách thứ nhất là tìm cách giải quyết điểm yếu cơ bản trong mô hình tăng trưởng hiện tại vốn quá phụ thuộc vào tích lũy nhân tố với sự đóng góp để tăng năng suất còn hạn chế.

Lãnh đạo World Bank nhìn nhận Việt Nam có cơ hội lớn để tăng năng suất bằng cách tiến gần hơn tới ngưỡng công nghệ toàn cầu, nên cần xác định các phương án chính sách để thúc đẩy tăng trưởng dựa trên đổi mới, sáng tạo và tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Lĩnh vực cải cách thứ hai liên quan đến các thể chế thị trường và quản trị quốc gia.

“Mặc dù có những thành tựu ấn tượng trong quá trình chuyển đổi kinh tế, Việt Nam vẫn chưa xây dựng thành công một hệ thống các thể chế thị trường phát triển có hiệu lực và hiệu quả”, ông Ousmane Dione đánh giá.

Điều này đã cản trở sự phát triển lành mạnh và cạnh tranh tích cực của khu vực tư nhân trong nước.

“Làm thế nào Việt Nam có thể hiện đại hóa thể chế thị trường và quản trị quốc gia, từ đó tạo ra một môi trường nơi các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân, bao gồm cả các doanh nghiệp trong nước, có thể phát triển và trở thành một động lực tăng trưởng quan trọng?”, vị giám đốc đặt câu hỏi.

Một thời kỳ đầy biến động đang diễn ra khi các biên giới đang đóng lại cùng căng thẳng thương mại gia tăng. Cùng với đó, thay đổi công nghệ diễn ra với tốc độ chưa từng thấy, ví dụ như robot và in 3D.

Những thay đổi được đánh giá đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam, vốn đã từng phụ thuộc rất nhiều vào thương mại toàn cầu như một động lực tăng trưởng.

Mô hình kinh tế của Việt Nam cũng đang đối mặt với một số thách thức trong nước, bao gồm dân số già hoá nhanh, hình thành vốn và tỷ lệ sinh lời từ đầu tư thấp, suy thoái vốn tự nhiên, vốn nhân lực yếu, khả năng giảm tốc độ tăng năng suất.

Một chiến lược phát triển kinh tế - xã hội được thiết kế tốt có ý nghĩa rất quan trọng đối với Việt Nam. Do đó, các ưu tiên và hành động không chỉ cần được xác định rõ ràng mà còn phải khả thi về mặt thực thi thông qua việc tính đến bối cảnh địa phương và các bên tham gia, ông Ousmane Dione nhấn mạnh.