Tiêu điểm
World Bank: Cách giúp Việt Nam giảm rủi ro với tăng trưởng kinh tế
Việt Nam đang phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là phải cân bằng giữa nhu cầu tiếp tục chính sách hỗ trợ để củng cố quá trình phục hồi, với nhu cầu kiềm chế lạm phát và rủi ro tài chính phát sinh.
Triển vọng kinh tế tích cực, nhưng rủi ro gia tăng
World Bank (Ngân hàng Thế giới) gần đây đánh giá dù môi trường kinh tế toàn cầu có nhiều thách thức, triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn thuận lợi theo dự báo cơ sở.
Cụ thể, dự kiến tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt mức khoảng 7,5% trong năm 2022 và 6,7% trong năm 2023, khi tốc độ tăng trưởng quay về như trước đại dịch ở mức 6,5 – 7%.
Lạm phát bình quân dự kiến rơi vào khoảng 3,8% trong năm nay, khi nhu cầu trong nước tiếp tục được củng cố, chi phí giao thông và đầu vào trung gian nhập khẩu chuyển tải vào giá thành sản phẩm cuối cùng.
Dự báo CPI cho năm 2022 giả định rằng lạm phát tiếp tục tăng trong nửa cuối năm 2022, World Bank nhận định trong báo cáo “Điểm lại: Giáo dục để Tăng trưởng”.
Mặc dù cú sốc giá nhiên liệu dự kiến sẽ tiêu tan vào năm 2023, hiệu ứng lan tỏa vòng hai tiếp tục diễn ra, và tốc độ tăng trưởng GDP 6,7% theo dự báo cho năm sau sẽ khiến cho CPI tăng đến 4%, trước khi giảm về 3,3% trong năm 2024.
Sự phục hồi của nền kinh tế trong năm 2022 tiếp tục được hưởng lợi nhờ chính sách tiền tệ nới lỏng và – ở mức độ thấp hơn – nhờ vào Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế 2022 – 2023.
Tuy nhiên, “viễn cảnh nền kinh tế Việt Nam trong trung hạn phải đối mặt với những rủi ro lớn, gây ảnh hưởng đến tăng trưởng”, World Bank cảnh báo.
Cụ thể, nhìn từ bên ngoài, các biến chủng Covid-19 mới xuất hiện và lây lan, cùng với sự gián đoạn của hoạt động kinh tế kèm theo, là vẫn rủi ro chính, mặc dù quá trình bình thường hóa vẫn đang diễn ra, và hầu hết các quốc gia đều đang gỡ bỏ những hạn chế liên quan đến Covid-19.
Trong khi đó, áp lực lạm phát dai dẳng và triển vọng thắt chặt tiền tệ mạnh tay hơn, nhất là tại Mỹ và các nền kinh tế phát triển, có thể dẫn đến biến động trên các thị trường tài chính toàn cầu, làm suy giảm tăng trưởng kinh tế hơn nữa vào thời điểm các hoạt động kinh tế vốn đang chững lại.
Tình trạng giãn cách tại Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến các chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó có Việt Nam là một thành viên tích cực.
Ngoài ra, căng thẳng và xung đột địa chính trị gia tăng càng làm tăng bất định trước mắt, và có thể dẫn đến chuyển đổi cơ cấu dài hạn trong nền kinh tế toàn cầu, khi các nền kinh tế lớn đánh giá lại chi phí và lợi ích của quá trình hội nhập, dẫn đến rủi ro với viễn cảnh ngắn và trung hạn cho nền kinh tế toàn cầu.
Nhìn từ trong nước, những rủi ro liên quan đến Covid-19 có thể ảnh hưởng đến quá trình phục hồi, nhất là trong các lĩnh vực dịch vụ. Thiếu hụt lao động có thể ảnh hưởng đến khả năng phục hồi đầy đủ.
Ngoài ra, rủi ro tài chính có thể tăng lên khi nhìn vào những yếu kém trên bảng cân đối tài sản của khu vực doanh nghiệp, ngân hàng và hộ gia đình, do đó, có thể ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của đầu tư và tiêu dùng trong nước.
Cùng với đó, rủi ro lạm phát cũng được cảm nhận rõ. Lạm phát kéo dài và cao hơn dự kiến có thể làm suy giảm quá trình phục hồi, nhất là về đầu tư và tiêu dùng tư nhân.
Trong bối cảnh đó, các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là phải cân bằng giữa nhu cầu tiếp tục chính sách hỗ trợ để củng cố quá trình phục hồi với nhu cầu kiềm chế lạm phát và rủi ro tài chính đang phát sinh.
Bất định gia tăng đồng nghĩa với việc chính sách phải tiếp tục thích ứng với nhịp độ phục hồi cả ở Việt Nam và trên thế giới, đồng thời phải thận trọng với lạm phát và những rủi ro về tài chính, World Bank nhấn mạnh.
Phương án giảm thiểu rủi ro
Theo World Bank, trong điều kiện quá trình phục hồi trong nước chưa hoàn tất và nhu cầu trên toàn cầu được dự báo sẽ yếu đi, chính sách tài khóa mang tính hỗ trợ là cách để phòng ngừa rủi ro cho tăng trưởng kinh tế.
Cho dù Việt Nam có dư địa tài khóa để thực hiện, thách thức nằm ở những yếu kém trong triển khai. Cách xử lý những ách tắc về thể chế đến nay vẫn khiến cho chương trình đầu tư công liên tục không đạt kế hoạch, để làm cho chính sách tài khóa trở nên hiệu quả hơn, các chuyên gia trong báo cáo lưu ý.
Trong ngắn hạn, trọng tâm là phải thực hiện đầy đủ gói chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế qua đẩy mạnh triển khai các dự án. Chương trình phục hồi dự kiến đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng cơ sở vật chất và công nghệ số, để giúp đẩy mạnh quá trình phục hồi cầu trong nước trong ngắn hạn, đồng thời nâng cao tốc độ tăng trưởng tiềm năng trong dài hạn của Việt Nam.
Bên cạnh đó, mở rộng mạng lưới an sinh xã hội có mục tiêu là hướng đi không chỉ giúp các hộ nghèo và dễ tổn thương chống đỡ lại tác động của các cú sốc giá nhiên liệu và lạm phát gia tăng, mà còn hạn chế được tác động đến tiêu dùng tư nhân hiệu quả hơn so với phương án cắt giảm thuế bảo vệ môi trường, và dự kiến cắt giảm thuế GTGT và thuế nhập khẩu theo cách không có mục tiêu như hiện nay.
Không chỉ vậy, rủi ro lạm phát gia tăng đòi hỏi phải có chính sách tiền tệ linh hoạt hơn.
Nếu rủi ro lạm phát gia tăng trở thành hiện thực – khi lạm phát toàn phần vượt chỉ tiêu 4% của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cần sẵn sàng chuyển sang thắt chặt tiền tệ để kìm áp lực lạm phát, bằng cách tăng lãi suất và thắt lại cung tiền.
Các bước đó kết hợp với các biện pháp truyền thông rõ ràng và mang tính dự báo về quyết định chính sách tiền tệ là cách để giúp định hướng cho các thành viên thị trường, đồng thời đảm bảo neo giữ được kỳ vọng lạm phát.
Rủi ro tài chính phát sinh cũng cần được chủ động quản lý để nâng cao khả năng chống chịu của hệ thống ngân hàng.
Ngoài ra, “điều quan trọng là cần tăng cường chiều sâu những cải cách cơ cấu nhằm hỗ trợ cho tiềm năng tăng trưởng trong trung hạn, giúp cho nền kinh tế phát triển bao trùm hơn với khả năng chống chịu cao hơn”, World Bank nhấn mạnh.
Theo đó, cải cách tài khóa cần tập trung vào ổn định huy động thu thông qua cải cách chính sách thuế và nâng cao hiệu suất chi tiêu, nhằm mở rộng dư địa tài khóa để chi cho các mục tiêu xã hội, khí hậu và các mục tiêu phát triển khác của Việt Nam.
Cải cách pháp quy nhằm tăng cường cạnh tranh và đưa các doanh nghiệp vào khu vực chính thức, qua đó nâng cao tăng trưởng năng suất, nhất là cho khu vực tư nhân trong nước.
Việt Nam cũng cần khuyến khích tăng đầu tư công và đầu tư tư nhân cho thích ứng khí hậu, bao gồm tại các khu vực quan trọng như Đồng bằng sông Cửu Long.
Song song với đó là chính sách hướng tới mục tiêu trung hòa carbon của Việt Nam, bao gồm phát triển năng lượng tái tạo và định giá carbon, qua đó cũng có thể nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên các thị trường về công nghệ và sản phẩm xanh đang phát triển.
Mặc dù những nỗ lực nhằm tăng cường môi trường kinh doanh là cần thiết để tạo việc làm, các nhà hoạch định chính sách cũng nên tiến hành các bước nhằm giảm chênh lệch về kỹ năng và cải thiện chất lượng lực lượng lao động của Việt Nam, các chuyên gia trong báo cáo khuyến nghị.
Doanh nghiệp xây dựng kỳ vọng phục hồi nhờ đầu tư công
Giải pháp cho kinh tế Việt Nam trước diễn biến mới phức tạp và khó lường
Thủ tướng yêu cầu thời gian tới cần ‘4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 kiên quyết không’ trong tình hình mới với những diễn biến phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ.
Tín hiệu tích cực của kinh tế từ số lượng doanh nghiệp mới tăng kỷ lục
Số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường tăng kỷ lục trong 7 tháng đầu năm 2022 là minh chứng cho sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế bất chấp những khó khăn sau đại dịch.
Tiền đề cho kinh tế tăng trưởng mạnh thời gian tới
Trung Quốc và Việt Nam nằm trong số các quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất đến năm 2030.
Thủ tướng chủ trì cuộc họp về kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi, phát triển KTXH
Sau khi Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) nâng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm vào đêm 27/7 và ngân hàng trung ương nhiều nước đã có nhiều đợt tăng lãi suất để ứng phó với lạm phát tăng mạnh gần đây, sáng 28/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo một số bộ, ngành bàn về những giải pháp, đối sách phù hợp cả trước mắt và lâu dài để tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.
Điểm mới của dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi
Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi bổ sung quy định thuế tối thiểu toàn cầu, ưu đãi thuế mới, tạo tác động lớn đến doanh nghiệp.
Vingroup và PV Power hợp tác phát triển hạ tầng năng lượng xanh
Vingroup và PV Power ký thỏa thuận hợp tác nhằm phát triển hệ thống trạm sạc xe điện trên quy mô toàn quốc và thúc đẩy hệ thống điện mặt trời áp mái.
Sandoz khởi động chương trình cộng đồng phòng, chống đề kháng kháng sinh
Sáng ngày 22/11/2024, công ty Sandoz đã chính thức phát động chương trình cộng đồng về phòng, chống kháng kháng sinh (AMR) tại Việt Nam.
Chúng ta đã đi bao xa trên con đường phát triển bền vững
Có lẽ đã đến lúc thay đổi góc nhìn về triển vọng và thực tiễn của sự phát triển bền vững tại Việt Nam.
Giải mã sức hút của shophouse Nghi Sơn Central Park
Bên cạnh việc kiến tạo không gian sống văn minh, chủ đầu tư Taseco Land còn đặc biệt chú trọng tính thẩm mỹ tinh tế cho các shophouse tại Nghi Sơn Central Park.
PV Gas theo đuổi các dự án khí tại Bắc Bộ
PV Gas vừa có cuộc làm việc với lãnh đạo TP. Hải Phòng về các dự án khí, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong chiến lược mở rộng hoạt động kinh doanh sản phẩm khí tại khu vực Bắc Bộ.
Phố đi bộ nơi 'tọa độ kim cương' của Phổ Yên chính thức lộ diện
Phố đi bộ bên cạnh quảng trường Vạn Xuân sẽ sớm trở thành biểu tượng giao thương và điểm đến sôi động bậc nhất, giúp gia tăng giá trị bất động sản cho khu vực