Lạm phát của Việt Nam có thể đạt 7% vào cuối năm

Phương Anh - 10:37, 07/08/2022

TheLEADERTheo chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, lạm phát của Việt Nam sẽ đạt đỉnh vào những tháng cuối năm, nhưng bình quân năm vẫn sẽ ở mức dưới mục tiêu 4%.

Ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên trường Chính sách công và quản lý Fullbright, đánh giá mức lạm phát 3,14% của Việt Nam trong tháng 7 là điểm tích cực. Con số này có thể gây nghi ngờ với người dân và doanh nghiệp khi hàng ngày đi chợ hay mua nguyên vật liệu đều tăng từ 12 – 18%.

Tuy nhiên, theo phân tích của vị chuyên gia tại Diễn đàn kinh doanh 2022 do Forbes Việt Nam tổ chức mới đây, điều này có thể giải thích được nếu nhìn vào rổ hàng hóa, khi lương thực thực phẩm chiếm tỷ trọng hơn 30% trong rổ tính CPI. Thời gian qua, giá gạo và thịt heo không tăng mạnh, trong khi giá năng lượng đã tăng hơn 50% - nhưng chỉ số này lại chỉ chiếm 8% trọng số.

CPI tháng 7 chỉ tăng 0,4% so với tháng 6 nhờ xăng dầu bán lẻ trong nước giảm nhờ giá dầu thô đi xuống và cắt giảm thuế phí. Cũng cần lưu ý rằng nếu so với cùng kỳ, Việt Nam đang trong giai đoạn giãn cách xã hội vào tháng 7 năm ngoái.

Trong những tháng tới, CPI được nhận định sẽ tăng khi ảnh hưởng của giá dầu không còn nhiều, trong khi các mặt hàng lương thực thực phẩm tăng theo độ trễ của xăng dầu.

Ông Thành dự báo mức tăng 0,4 – 0,7% so với tháng trước, và lúc đó, lạm phát của Việt Nam sẽ đạt đỉnh. Thậm chí, CPI tháng 11, tháng 12 có thể tăng tới 7% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, Việt Nam khác ở chỗ là tính lạm phát bình quân, nên khi chia đều thì lạm phát cả năm của Việt Nam ước tính ở mức 3,8%, vẫn dưới 4% theo chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra, vị chuyên gia phân tích.

Kiểm soát tốt lạm phát sẽ giúp Chính phủ tự tin có các chính sách điều hành vĩ mô uyển chuyển thay vì thắt chặt tiền tệ như nhiều nước. Ông Thành dự báo tăng trưởng 2022 của Việt Nam sẽ ở mức 7,3 – 7,6% nhờ vào tốc độ tăng trưởng cao của quý III.

Dù vậy, bối cảnh hai năm tới có thể sẽ không khả quan. Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với kịch bản xấu hơn, khi sẽ có vài quý tăng trưởng thấp, thậm chí suy thoái.

Tại tọa đàm “Xăng dầu giảm giá, hàng hóa không giảm – Thực trạng và giảm pháp” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức mới đây, TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế, ngân hàng, cho rằng: “Đến thời điểm hiện nay, về cơ bản lạm phát của Việt Nam tương đối thấp so với khu vực. Tuy nhiên, chúng ta không thể chủ quan vì vẫn có độ trễ về lạm phát của thế giới”.

Độ mở của nền kinh tế lớn nên Việt Nam vẫn có thể tiếp tục nhập khẩu lạm phát, giá cả một số mặt hàng có thể bắt đầu tăng từ đầu tháng 7, ví dụ lương cơ bản tăng, một số khoản phí Nhà nước quản lý cũng đang trong lộ trình tăng lên, không thể kìm giữ mãi được.

Bên cạnh đó, thường về cuối năm, lượng cung tiền từ giải ngân đầu tư công, từ giải ngân FDI, lượng tiền nhiều hơn, và vòng quay tiền nhanh hơn nên không thể chủ quan với những chuyện đó.

Chính phủ có đủ cơ sở kiểm soát lạm phát năm nay ở mức khoảng 4%. Tuy nhiên, trường hợp xấu nhất là vượt 4% một chút, ông Lực cho rằng “cũng chấp nhận được", bởi bên cạnh mục tiêu kiểm soát lạm phát, vẫn phải phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

Quốc hội và Chính phủ đã ban hành chương trình phục hồi 2 năm, nên năm nay điều hành của Chính phủ sẽ khó, phải nghệ thuật, hài hoà, cân bằng, phân tích, dự báo kịp thời để có những kịch bản ứng phó, ông Lực nhận định.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong cập nhật cuối tháng trước đánh giá giá cả hàng hóa toàn cầu tăng cao, đặc biệt là giá dầu toàn cầu, sẽ làm tăng áp lực lạm phát của Việt Nam.

Tuy nhiên, nguồn cung lương thực dồi dào trong nước sẽ giúp giảm lạm phát trong năm 2022. Do vậy, dự báo lạm phát ở mức 3,8% cho năm 2022 và 4,0% cho năm 2023.

Tăng trưởng của Việt Nam được dự báo ở mức 6,5% trong năm 2022, và 6,7% trong năm 2023, được thúc đẩy nhờ thương mại tiếp tục mở rộng, sự phục hồi nhanh hơn dự kiến của lĩnh vực sản xuất chế tạo, đi lại trong nước và giải ngân vốn đầu tư công.