Xung đột căng thẳng trong chung cư, vì đâu nên nỗi?

An Chi - 10:25, 06/04/2018

TheLEADERBên cạnh những vấn đề liên quan đến sai phạm của chủ đầu tư gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của cư dân, nguồn gốc sâu xa của những mâu thuẫn chung cư đều bắt nguồn từ sự không đồng nhất về tiêu chuẩn sống, phong cách sống.

Xung đột căng thẳng trong chung cư, vì đâu nên nỗi?
Cư dân chung cư Golden West căng băng rôn ngay trước mặt tiền của dự án để phản đối chủ đầu tư.

Những chuyện thật như đùa

Như thông tin TheLEADER đã đăng tải trong các số trước, hàng loạt những tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư đang bùng nổ tại nhiều chung cư. Về nguyên nhân của thực trạng này, bên cạnh những vấn đề liên quan đến sai phạm của chủ đầu tư, phí bảo trì, ban quản trị, phòng cháy chữa cháy, nhiều chuyên gia cho rằng, có nguồn gốc sâu xa từ yếu tố văn hoá.

Chính sự khác biệt về phong cách sống, tiêu chuẩn sống đã dẫn đến những xung đột dai dẳng giữa cư dân với chủ đầu tư, thậm chí là giữa cư dân với cư dân tại nhiều chung cư hiện nay.

Cùng với sự xuất hiện ngày càng nhiều khu chung cư, khu đô thị mới, nếp sống mới, văn hóa cộng đồng tại các đô thị này cũng bắt đầu hình thành. Tuy nhiên, do người dân một phần chưa thích nghi kịp với cuộc sống nơi đây khiến văn hoá chung cư phải chịu nhiều tác động sự đan xen bởi các yếu tố phức tạp. Đằng sau mỗi căn hộ, mỗi cánh cổng chung cư là những câu chuyện "dở khóc, dở cười".

Chị Lan Anh, cư dân một dự án chung cư tại Hà Đông, Hà Nội cho biết, chị và và cư dân toà nhà từng có lần hoảng loạn khi giữa trưa phát hiện khói bốc mù mịt từ ban công một căn hộ tầng 8. Sau khi mùi khói nồng nặc lan ra khắp khu nhà, xuống cả khu sân chơi sinh hoạt chung, ban quản trị mới phát hiện ra nguyên nhân của vụ “hoả hoạn” là do một hộ dân vừa chuyển đến chung cư này sinh sống. 

Do chưa kịp thích nghi với môi trường sống mới tại chung cư nên hộ dân này vẫn vô tư đốt bếp than tổ ong như thời còn ở khu tập thể cũ khiến cả chung cư “hiểu nhầm”.

Mâu thuẫn chung cư xuất phát từ những chuyện tưởng như vô cùng nhỏ nhặt như giữ vệ sinh chung nơi công cộng, nuôi chó mèo trong chung cư, hay nhiều nhà nửa đêm vẫn còn khoan đục tường, hát karaoke ồn ào khiến trẻ con, người già không ngủ nổi đến những chuyện tranh chấp phức tạp như phí dịch vụ, quản lý toà nhà.

Nhiều chung cư chủ đầu tư tâm huyết muốn dự án phải thật hoành tráng, mang đến những dịch vụ tốt cho cư dân như lễ tân trực giờ hành chính, bảo vệ 24/7, hoạt động vệ sinh lau dọn được thường xuyên, song tại nhiều nơi, người dân lại không đồng ý do không chịu trả mức phí dịch vụ cao như chủ đầu tư đề xuất. 

Và hệ quả là các tiện ích của dự án bị cắt giảm. Thậm chí nghiêm trọng hơn là mâu thuẫn giữa cư dân và chủ đầu tư, ban quản lý toà nhà.

Không ít dự án đã xảy ra những "chuyện thật như đùa" như vậy. Đơn cử như tại dự án Ecohome 2 do Capital Hose làm chủ đầu tư. Ngay từ khi đi vào hoạt động, dự án này đã có chế độ quẹt thẻ khi ra vào thang máy để đảm bảo an toàn cho cư dân tại các căn hộ. Tuy nhiên, sau một thời gian thấy bất tiện khi đi đâu cũng phải mang theo thẻ, cư dân tại đây đã tự ý đập bỏ hệ thống quẹt thẻ khiến ban quản lý không ít lần phải sửa lại.

“Người dân vốn đã quen với lối sống cá nhân, nên khi đến ở chung cư họ vẫn giữ các cư xử rất tùy tiện, ảnh hưởng đến cộng đồng xung quanh, không quan tâm đến lợi ích chung của cộng đồng", một cư dân tại đây bức xúc.

Lý giải nguyên nhân của thực trạng này, ông Nguyễn Bích Sơn, Tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ quản lý bất động sản Thành phố mới (NCP) cho rằng, gốc của mâu thuẫn là các tiêu chuẩn sống, phong cách sống của cư dân, giữa cư dân và chủ đầu tư.

Nhiều cư dân cho rằng, ở trong nhà của họ, họ phải được tự do, thậm chí được tụ họp cả đêm, được hát karaoke, được nuôi chó mèo trong căn hộ...

"Đó là vấn đề về tiêu chuẩn sống khác nhau, phong cách sống không phù hợp không phải do mức sống khác biệt giữa người giàu và người nghèo", ông Sơn nói.

Bên cạnh đó, ông Sơn cũng cho rằng, tại nhiều chung cư hiện nay, cư dân mâu thuẫn với chủ đầu tư về mức phí dịch vụ khi họ so sánh phí giữa nhiều chung cư. Tuy nhiên, thực tế có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến đơn giá phí quản lý. Trong đó có yếu tố về quy mô. Một dự án có 100 - 200 căn hộ dù có thu 20.000 đồng/m2/tháng thì chất lượng dịch vụ cũng không thể bằng một dự án có hàng nghìn căn hộ nhưng chỉ thu ở mức 10.000 đồng/m2/tháng.

Chính những bất đồng quan điểm, xung đột lợi ích giữa hai bên đã khiến tranh cãi giữa cư dân với cư dân, giữa cư dân và chủ đầu tư liên tục xảy ra. Trong khi đó, chỉ một mâu thuẫn nhỏ sẽ dẫn đến việc cư dân mất niềm tin, tạo hiệu ứng như quả cầu tuyết lan dần mâu thuẫn, đến khi không thể tin vào nhau được nữa thì những tranh chấp lúc này sẽ rất khó giải quyết, Tổng giám đốc NCP chia sẻ.

Tạo dựng lối sống văn minh

Nhận định về văn hoá chung cư của người Việt, ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam cho rằng, đa số người dân Việt Nam đều đã quen thuộc với lối sống nhà phố, vì vậy khi chuyển sang môi trường căn hộ chung cư, họ cần có thời gian để thích nghi. Họ cần được tư vấn nhiều hơn để sống an vui và tận hưởng những tiện ích chung trong chung cư cao cấp.

Khi lựa chọn sống trong căn hộ chung cư cao cấp, ai cũng muốn có một môi trường an ninh tuyệt đối, nhưng khi biết đến các loại phí an ninh thì nhiều người lại không muốn đóng hoặc phàn nàn phí cao. Cư dân thường thắc mắc về việc phải đóng phí internet thông qua một nhà mạng do chủ đầu tư ấn định chung hay phí gửi xe cao hơn bên ngoài.

Lý giải những mâu thuẫn này, ông Stephen cho rằng, cư dân không hiểu rằng chủ đầu tư phải ấn định một đơn vị internet để tránh trường hợp bất cập trong quá trình lắp đặt khi có quá nhiều đơn vị khác nhau. Lí do phí gửi xe cao hơn các bãi bên ngoài chung cư vì tòa nhà có lắp đặt thiết bị an ninh và bảo vệ chuyên nghiệp trông coi 24/7.

Một việc nữa là cư dân thông thường hay đề nghị chủ đầu tư cấp nhiều thẻ ra vào tòa nhà. Họ muốn tạo nhiều thẻ cho người giúp việc và bà con họ hàng được ra vào thoải mái. Đặc biệt là ai cũng có mong muốn cho bạn bè và người thân dùng chung hồ bơi. Tuy nhiên, điều này sẽ gây mất an ninh khi có quá nhiều người mà ban quản lý không thể nắm rõ thông tin ra vào.

Tổng giám đốc JLL Việt Nam cho rằng, cư dân có thể cảm thấy khó chịu và không thoải mái với nhiều qui định nhưng sống trong một cộng đồng văn minh cao cấp, họ cần thích nghi để đảm bảo tôn trọng cuộc sống của hàng trăm cư dân khác.

Ở khía cạnh khác, theo ông Nguyễn Bích Sơn, khi mua một căn hộ chung cư, người dân cần tìm hiểu kỹ nơi mình chuẩn bị sinh sống, hàng xóm của mình là ai thay vì chỉ quan tâm đến diện tích, mức giá. Bởi khi mua một căn hộ, cư dân sẽ phải mua cả môi trường sống trong dự án và xung quanh dự án sau này.

Khi dự án chưa hoàn thành, khách hàng có thể tìm hiểu bằng cách đến những dự án hiện chủ đầu tư đó đang xây dựng và vận hành để hiểu thêm về chủ đầu tư cũng như ngôi nhà tương lai của mình.

Mặt khác, khi bán nhà cho khách hàng, chủ đầu tư cũng nên quy định rõ ràng những điều khoản như diện tích chung, riêng, các tiện ích của dự án trong hợp đồng nhằm tránh những mâu thuẫn phát sinh sau này.

Bên cạnh đó, điều quan trọng nhất là mỗi cư dân nên tự trang bị cho mình một ý thức sống phù hợp với văn hóa tập thể trong chung cư để có thể hoà chung với cộng đồng, cùng mang lại một giá trị sống mới trong môi trường sống chung cư văn minh, hiện đại.