Yếu tố cốt lõi để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương

Thanh Mai - 15:56, 19/09/2019

TheLEADERBất cứ thành tố nào cũng có thể gây tác động tích cực đến sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp ở các địa phương, tuy nhiên quan trọng và cốt lõi nhất vẫn là yếu tố con người.

Yếu tố cốt lõi để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương
Ông Lê Minh Nhựt, Startup Vietnam Foundation (SVF)

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt Đề án 844 về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025. Đây chính là phát pháo đầu tiên cho các chuỗi hoạt động của Nhà nước về định hướng, hướng đến mục tiêu xây dựng Việt Nam trở thành một quốc gia khởi nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng.

Từ đó đến nay, các tỉnh thành trên cả nước đang dần hòa chung vào định hướng chiến lược chung của Chính phủ bằng nỗ lực xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tại địa phương.

Trong hệ sinh thái khởi nghiệp của địa phương có rất nhiều thành tố quan trọng cấu thành bao gồm các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các định chế tài chính, các tổ chức giáo dục, các cơ quan nhà nước và các cơ quan truyền thông. Tuy nhiên chung quy lại, quan trọng và cốt lõi nhất vẫn là yếu tố con người.

Nếu có thể tập hợp được những con người tâm huyết luôn hướng đến sự phát triển của cộng đồng khởi nghiệp thì sẽ luôn tìm ra cách thức và những kết nối có giá trị nhằm xây dựng mạng lưới, nguồn lực nhằm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại địa phương.

Tuy nhiên cần lưu ý rằng các thành tố này ở mỗi địa phương có những đặc tính riêng nên cách tiếp cận để xây dựng và phát triển hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp cũng sẽ diễn ra theo nhiều cách khác nhau.

Ông Lê Minh Nhựt, Giám đốc chương trình phát triển hệ sinh thái địa phương và sinh viên thuộc tổ chức Startup Vietnam Foundation (SVF) đã chia sẻ với TheLEADER sâu hơn về vấn đề này.

Xin ông cho biết SVF đã tiếp cận và triển khai xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ở các địa phương như thế nào?

Ông Lê Minh Nhựt: SVF triển khai xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ở địa phương thông qua ba giai đoạn.

Trong giai đoạn thứ nhất, tiếp cận khảo sát để hiểu địa phương về những thành tố và những nguồn lực của địa phương đang có ở mức độ nào, ở đâu. Thứ hai, đồng hành triển khai hệ sinh thái khởi nghiệp với một số địa phương đã sẵn sàng. Thứ ba, xây dựng nâng cao năng lực và chuyển giao hướng đến sự kết nối vùng và tạo ra được những tác động tích cực cho quốc gia.

Xin nhấn mạnh, SVF không phải là đơn vị đưa những nguồn lực mới vào trong tỉnh mà là kết nối những thành tố có sẵn trong địa phương và nâng cao năng lực của họ.

Hiện nay SVF đang đồng hành với 25 tỉnh thành phố, trong đó có 7 tỉnh ký kết hợp tác với UBND tỉnh trong việc triển khai hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương bao gồm Đồng Tháp, Bến Tre, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đăk Lăk.

Trong quá trình hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái ở các địa phương, ông nhận thấy sự khác biệt nào giữa các tỉnh?

Ông Lê Minh Nhựt: Sự khác biệt giữa các địa phương thường về hai vấn đề chính bao gồm văn hóa và định vị về hệ sinh thái khởi nghiệp giữa các địa phương.

Thứ nhất, mỗi địa phương đều có mỗi đặc trưng vùng miền khác nhau. Vì hoạt động kết nối và liên kết các nguồn lực quan trọng chính là làm việc giữa con người với con người trong các thành tố với nhau. Do đó về mặt cách thức kết nối sẽ có sự khác nhau giữa các vùng miền.

Thứ hai, định vị về hệ sinh thái khởi nghiệp của từng địa phương sẽ khác nhau dựa trên sự phát triển đặc thù của từng nhóm ngành kinh tế của mỗi địa phương.

Ví dụ, cùng là lĩnh vực nông nghiệp nhưng ở Hà Giang lại phát triển nông nghiệp liên quan đến nông nghiệp dược liệu trong khi các tỉnh ở đồng bằng Sông Cửu Long như Đồng Tháp, Bến Tre lại phát triển nông nghiệp liên quan đến chế biến. Do đó, việc xác định các nguồn lực hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp nói chung ở các địa phương cũng sẽ tùy theo từng nhóm ngành đó để phát triển.

Còn những khó khăn nào trong quá trình hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái ở địa phương, thưa ông?

Ông Lê Minh Nhựt: Thông thường, cách SVF tiếp cận là truyền cảm hứng và thay đổi tư duy. Do đó, việc quan trọng cũng là khó khăn nhất chính là thay đổi cách nhìn của mọi người về từ khởi nghiệp để đảm bảo một tư duy chung trong cộng đồng.

Để có thể làm tốt việc này, SVF phải dành thời gian tìm hiểu, khám phá những câu chuyện chung nhằm kết nối các thành tố với nhau. Phải thực sự hiểu các đối tượng ở địa phương mình đang hỗ trợ thì mới giúp được.

Với những địa phương SVF chưa đến làm việc, một số tỉnh cũng đã tìm ra hướng đi riêng cho mình trong việc triển khai xây dựng hệ sinh thái. Như ở tỉnh Phú Yên, việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp bắt nguồn từ Sở Khoa học và công nghệ, trường Cao đẳng công thương miền Trung, Tỉnh Đoàn và Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Phú Yên.

Còn ở tỉnh Nghệ An, công thức có một chút khác biệt là các nguồn lực xuất phát từ Sở Khoa học và công nghệ, trường Đại học Vinh và Hội Doanh nghiệp tỉnh Nghệ An. 

Xin cảm ơn ông!