Sếp quỹ đầu tư CyberAgent: Khởi nghiệp và gọi vốn không phải bức tranh màu hồng

Đặng Hoa - 08:19, 22/08/2019

TheLEADERKhó khăn về khởi nghiệp vẫn duy trì từ năm này qua năm khác. Số tiền đầu tư có thể nhiều hơn nhưng mọi thứ vẫn chỉ ở điểm bắt đầu, chưa phải là đích đến.

Ông Nguyễn Hiếu Linh, Phó giám đốc Quỹ đầu tư CyberAgent Capital tại Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TheLEADER về vấn đề khởi nghiệp ở Việt Nam, đặc biệt là câu chuyện gọi vốn của các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) bên lề chương trình "Hành trình khám phá những miền đất khởi nghiệp" do Trung tâm Dịch vụ tổng hợp - Ban quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc tổ chức.

CyberAgent Capital do ông Nguyễn Mạnh Dũng (Shark Dũng) đứng đầu đã rót vốn vào hàng loạt startup khá nổi ở Việt Nam như Luxstay, Tiki, Topica, WeFit…

Sau Nhật Bản là nơi CyberAgent được sinh ra, Việt Nam là nước có số lượng người phụ trách của CyberAgent nhiều hơn so với các nước khác. Vì sao lại có sự chênh lệch này?

Ông Nguyễn Hiếu Linh: Đông Nam Á đang là điểm đến ưa thích của các nhà đầu tư mạo hiểm. Việt Nam nổi lên là một trong những quốc gia hấp dẫn nhất vì có lực lượng dân số trẻ, khả năng về công nghệ của nguồn nhân lực rất tốt. Rõ ràng, Việt Nam là một thị trường rất hấp dẫn mà CyberAgent cần phải tập trung.

'Tiền nhiều đôi khi không quá quan trọng với các startup'
Ông Nguyễn Hiếu Linh, Phó giám đốc Quỹ đầu tư CyberAgent Capital tại Việt Nam

Có ý kiến cho rằng trong số các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại không có mô hình nào thực sự là startup vì hầu như đã có ở các nước khác trước đó rồi. Ông nghĩ gì về điều này?

Ông Nguyễn Hiếu Linh: Nói thế cũng không đúng vì ở Việt Nam dù chưa có các doanh nghiệp tạo ra công nghệ mới, công nghệ lõi nhưng các doanh nghiệp Việt lại sáng tạo ra một thứ rất hay là mô hình kinh doanh mới vì nhiều mô hình kinh doanh của các nước phát triển không thể áp dụng được ở Việt Nam.

Qua nhiều năm kinh nghiệm đầu tư cũng như quan sát, tôi nhận thấy nhiều mô hình thành công ở Mỹ, Nhật khi về áp dụng ở Việt Nam lại thất bại. Điều quan trọng là phải dựa trên mô hình cũ để sáng tạo, thay đổi mô hình kinh doanh, thay đổi một chút về công nghệ. Như vậy thì khi về Việt Nam vẫn có thể xem là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp có tính đột phá.

Rất nhiều mô hình khởi nghiệp thành công ở Việt Nam hiện nay được mang từ nước ngoài về và điều chỉnh để phù hợp với thị trường nội địa. Nhưng mục tiêu của các startup ở Việt Nam lại là “go global”, vươn ra thị trường khu vực và quốc tế. Liệu điều này có mâu thuẫn?

Ông Nguyễn Hiếu Linh: Đó cũng là một trong những lý do khiến rất ít công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam có thể thành công ở khu vực, chỉ đếm được trên đầu ngón tay. 

Thị trường ở Việt Nam khá đặc thù và ở Đông Nam Á mỗi nước sử dụng một ngôn ngữ, có một nền văn hoá khác nhau, bản chất dân tộc khác nhau; không như ở các nước châu Mỹ, châu Âu. Công ty Việt Nam đi ra khu vực và thành công đã khó chứ chưa nói đến trở thành công ty toàn cầu.

Dù vậy, vẫn có một số công ty đã làm được, trong đó Topica là một trong những startup mà CyberAgent đã đầu tư từ những ngày đầu tiên, họ đã đến được cả Indonesia, Philippines, Thái Lan.

Muốn làm được, phải địa phương hoá sản phẩm. Chẳng hạn trong lĩnh vực gọi xe, khi Uber đến Đông Nam Á đã phải chịu thua Grab vì Grab địa phương hoá sản phẩm tốt hơn, hiểu thị trường hơn.

Trở thành công ty toàn cầu được hay không còn là một bài toán rất nan giải. Những công ty làm được còn là những công ty có người lãnh đạo có đầu óc, phông nền văn hoá tương đối đa dạng và toàn cầu, có khả năng thu hút người tài từ các nước khác, từ chính thị trường mà họ muốn phát triển sản phẩm. 

Nhưng làm sao để người đó làm cho mình khi thậm chí lương mình trả cho họ không cao bằng công ty đối thủ thì sẽ phụ thuộc rất lớn vào tài lãnh đạo, tài dẫn dắt của người sáng lập.

Như vậy để ra khu vực thì nên địa phương hoá sản phẩm. Vậy theo ông, các startup có nên mang sản phẩm của mình quay trở lại cạnh tranh tại thị trường đã sản sinh ra mô hình gốc?

Ông Nguyễn Hiếu Linh: Điều này còn tuỳ thuộc nhiều yếu tố. Có thể lấy một ví dụ kinh điển là lĩnh vực đi xe chung có công nghệ bắt nguồn từ Mỹ. Ứng dụng gọi xe Trung Quốc Didi Chuxing dù được nhái theo mô hình của Mỹ nhưng làm tốt đến mức mà Uber vào Trung Quốc còn bị đánh bại. Không những vậy, khi ứng dụng này ra mắt ở thị trường mà Uber từng rất mạnh là Nhật Bản thì hãng gọi xe đến từ Trung Quốc còn thắng cả Uber.

Như vậy, chiến thắng ở thị trường nào còn tuỳ trường hợp và tuỳ vào người đánh trận. Như mọi người vẫn nói, tướng tài có thể đánh thắng mọi đối thủ. Không phải cứ người đẻ ra mô hình đấy thì bất bại, quan trọng vẫn là người cầm lái, người dẫn dắt. Không có gì là mãi mãi, không có ai ở trên đỉnh cao mãi được.

Người sáng lập được xem là một trong những yếu tố quan trọng khi các nhà đầu tư thiên thần, các quỹ đầu tư đưa ra quyết định xuống tiền. Vậy cách mà CyberAgent đánh giá nhà sáng lập của một startup là gì?

Ông Nguyễn Hiếu Linh: Đây là yếu tố quan trọng nhất khi đầu tư mạo hiểm. Đánh giá người sáng lập là một thứ gì đó rất khó để định lượng vì trong việc đánh giá con người thì cảm tính đóng vai trò quan trọng.

Khi gặp gỡ nhà sáng lập, qua trao đổi, tiếp xúc thì sẽ thấy được sự hiểu biết về ngành, sản phẩm của họ có sâu rộng hay không, họ có khiêm tốn, có khả năng tiếp thu, học hỏi hay không. Không ai hoàn hảo hết, người sáng lập phải có tinh thần cầu tiến và học hỏi vì ngoài việc nhận được sự hỗ trợ của nhà đầu tư, họ còn làm việc chung với rất nhiều người khác cũng muốn đóng góp cho công ty nên nếu người sáng lập cứng đầu, chỉ nghe theo bản năng của mình thì khả năng thành công rất thấp.

Bên cạnh đó, phải tìm hiểu về tính cách, tố chất và tiềm năng của người đó thông qua các đơn vị, cá nhân trước đây đã từng làm việc chung với họ. Đó là một nguồn đánh giá về tính trung thực, tố chất lãnh đạo, liệu có được nhìn nhận là một người có thể thành công, có thể dẫn dắt người khác đi theo ý tưởng, tầm nhìn của họ hay không.

Có nhiều yếu tố cần xem xét và đánh giá mà phải cả năm trời mới biết đó là người mình tin tưởng được và xác định được rằng so với những người có chung ý tưởng thì khả năng thành công của họ sẽ cao hơn.

Theo thống kê, có tới hơn 90% startup thất bại, tỷ lệ thất bại của các nhà đầu tư cũng rất cao. Dù các nhà đầu tư thiên thần là những người sẵn sàng hy sinh tiền bạc của mình cho người khác mà không hề oán thán nhưng rõ ràng họ là những người muốn kiếm tiền hơn ai hết. Vậy tính toán của các nhà đầu tư sau những rủi ro này là gì?

Ông Nguyễn Hiếu Linh: Dù các nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể đầu tư vào những nhà sáng lập chưa gặp mặt bao giờ nhưng họ cũng không thể nào bỏ qua bước tìm hiểu. Khác biệt là họ có thể đưa ra quyết định nhanh hơn vì đầu tư cá nhân thì có thể cảm tính lớn hơn trong khi quỹ đầu tư phải ngồi bàn tròn để bỏ phiếu quyết định có đầu tư hay không.

Nhà đầu tư thiên thần có thể đầu tư từ những giai đoạn rất sớm, với mức đầu tư từ 50 đến 100 nghìn USD đã có thể sở hữu 20 - 30% cổ phần doanh nghiệp, khi doanh nghiệp thành công thì khoản tiền đó sẽ cao hơn rất nhiều lần so với số tiền các quỹ đầu tư. 

Hầu hết quỹ đầu tư ở Việt Nam đều ở giai đoạn startup đã phát triển, nghĩa là có thể đánh giá được tiềm năng, ít rủi ro hơn. Tuy nhiên, khi đầu tư 50 đến 100 nghìn USD vào một startup đã được định giá 1 triệu USD thì chỉ thu về 5% cổ phần. Nghĩa là chịu rủi ro lớn hơn nhưng khả năng thành công cao gấp sáu lần. 

Chỉ một công ty thành công thì đã có thể bù vào khoản thất bại của khoảng 5-6 công ty thất bại. Như vậy, họ phải tính toán làm sao tìm được tối thiểu một công ty có thể thành công để có thể bù đắp những mất mát trong quá khứ.

Dù vốn rất quan trọng đối với các startup tuy nhiên trên thực tế, nhiều startup đã từng từ chối nhận đầu tư, và cũng có nhiều chuyên gia, quỹ đầu tư cho rằng startup nên chọn những nhà đầu tư phù hợp khi gọi vốn. Theo ông như thế nào thì được gọi là phù hợp?

Ông Nguyễn Hiếu Linh: Bản thân hai chữ phù hợp đã khá cảm tính. Phù hợp với người này chưa chắc phù hợp với người kia, phù hợp trong trường hợp này, giai đoạn này nhưng chưa chắc phù hợp với giai đoạn kia. Để nói phù hợp thì có vô vàn trường hợp.

Nhưng theo tôi, những nhà đầu tư phù hợp là những nhà đầu tư tôn trọng quyền quyết định của startup, không lấy đi quá nhiều quyền quyết định, không can thiệp quá sâu và không có các điều khoản ràng buộc gây bất lợi cho các startup vì có những thương vụ nắm tỷ lệ cổ phần nhỏ nhưng nắm nhiều quyền phủ quyết. Thứ hai là phải hỗ trợ startup vì nhiều nhà đầu tư bỏ tiền vào và quên mất luôn số tiền đấy.

CyberAgent đối mặt với câu chuyện cạnh tranh giữa các quỹ như thế nào?

Ông Nguyễn Hiếu Linh: Để đánh giá quỹ đầu tư nào khác biệt và tốt hơn thì yếu tố quan trọng là có bao nhiêu khoản đầu tư đã thoái vốn thành công vì thoái vốn được có nghĩa là thị trường đã chấp nhận sản phẩm, đã sẵn sàng trả giá trên thị trường chứng khoán hoặc được công ty khác mua lại. 

CyberAgent đến nay đã đầu tư vào 250 công ty trên toàn cầu, có khoảng hơn 50 khoản đã thoái vốn.

Ở Việt Nam hiện nay có nhiều quỹ ở nước ngoài không có trụ sở ở Việt Nam, chỉ đến làm một vài khoản đầu tư thì có thể định giá cao hơn, trả nhiều tiền hơn. Nhưng điều để CyberAgent cạnh tranh thì không phải chỉ về tiền mà là cạnh tranh từ thương hiệu. Có những công ty trên toàn cầu đã thành công từng được CyberAgent đầu tư sẵn sàng góp vốn đầu tư trở lại. Các starup Việt hoạt động trong những ngành đã có trước ở nước ngoài thì chúng tôi có thể kết nối hợp tác, hỗ trợ cạnh tranh khi đi ra khu vực.

Về bản chất, khoản tiền đầu tư không đáng giá bằng sự đồng hành, hỗ trợ từ quỹ đầu tư. Nhiều công ty gọi vốn từ CyberAgent từng nói với chúng tôi rằng “đầu tư bao nhiêu cũng được nhưng bọn em muốn có anh đồng hành”. Chúng tôi đã trải qua rất nhiều công ty khác nên có thể tư vấn làm cái nào hợp lý nhất, nhanh nhất, tiết kiệm chi phí nhất, có thể cung cấp các mối quan hệ họ cần, kết nối tư vấn khi startup muốn gọi vốn ở các quỹ đầu tư khác, hỗ trợ giới thiệu nhân lực.

Tiền nhiều đôi khi không phải là vấn đề quá quan trọng với startup.

Khi đầu tư, tỷ lệ sở hữu mà các nhà đầu tư thường yêu cầu là bao nhiêu?

Ông Nguyễn Hiếu Linh: Tối đa là 30%. Trong một startup thường có khoảng 2-3 người sáng lập, nếu chia nhau ra thì cũng chỉ được tầm 20-30%. Điều quan trọng là họ phải có động lực lớn để xây dựng công ty, vậy nên mình chỉ lấy từ 15-25% để họ vẫn là những người nắm phần lớn.

Để startup có cảm giác công ty là của chính họ thì mới có động lực, có khả năng xây dựng công ty thành công. Còn nếu họ nghĩ rằng "bên kia có ông ngồi không làm gì mà hưởng như tôi" thì không ai muốn dốc sức.

Có điều gì anh muốn lưu ý cho các startup Việt?

Ông Nguyễn Hiếu Linh: Hiện nay, thông tin gọi vốn đầy rẫy hàng ngày khiến cho mọi người nhầm tưởng rằng gọi vốn là một thứ gì đó rất dễ dàng và để được định giá cao thì không khó khăn. Nhưng trên thực tế, để được như thế thì phải cần đến rất nhiều yếu tố khách quan, chủ quan, nhiều khi do cả may mắn.

Không nên nhìn khởi nghiệp và gọi vốn ở một bức tranh quá màu hồng, quá dễ dàng. Khó khăn về khởi nghiệp vẫn duy trì từ năm này qua năm khác. Số tiền đầu tư có thể nhiều hơn nhưng mọi thứ vẫn chỉ ở điểm bắt đầu, chưa phải là đích đến.

Xin cảm ơn ông!

Chương trình “Hành trình khám phá những miền đất khởi nghiệp” nằm trong khuôn khổ Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Quyết định 844/QĐ-TTg) do Trung tâm dịch vụ tổng hợp – Ban quản lý khu công nghệ cao Hoà Lạc tổ chức nhằm mục đích nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp trong công tác truyền thông về hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.

Đề án 844 được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành vào ngày 18/5/2016 giao Bộ Khoa học và công nghệ chủ trì thực hiện.

Mục đích của đề án nhằm tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thiết lập được Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia và hỗ trợ được 800 dự án, 200 doanh nghiệp khởi nghiệp.

Qua ba đợt gọi nhiệm vụ trong năm 2017, 2018 và 2019, Đề án 844 đã và đang hỗ trợ kinh phí cho 63 dự án của gần 30 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp tại cả ba miền Bắc, Trung, Nam.