Cư dân khu đô thị Ngoại Giao Đoàn bức xúc vì đất công cộng 'biến' thành cao ốc
Cảm thấy như bị lừa, cực chẳng đã cư dân khu đô thị Ngoại Giao Đoàn đã chăng băng rôn phản đối chủ đầu tư thay đổi quy hoạch làm tăng mật độ xây dựng.
Khu đô thị Ngoại Giao Đoàn được điều chỉnh quy hoạch trên cơ sở tham vấn sai đối tượng vì những người dân được mời lấy ý kiến lại không cư trú trong khu đô thị.
Sau một tuần căng thẳng bởi cư dân chăng băng rôn phản đối việc điều chỉnh quy hoạch, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) sáng nay đã tổ chức đối thoại với cư dân sống trong khu đô thị Ngoại Giao Đoàn.
Buổi đối thoại đã nóng theo nghĩa đen ngay từ những phút đầu tiên vì phòng họp quá chật hẹp so với số lượng khách hàng đã mua nhà tại khu đô thị này đến tham dự.
Buổi đối thoại được tổ chức tại khu nhà làm việc của Ban quản lý dự án phát triển nhà và đô thị Hancorp với sức chứa khoảng 60 chỗ ngồi, bao gồm cả đại diện chủ đầu tư, cơ quan quản lý, chính quyền địa phương và cư dân.
Kết quả là hàng trăm cư dân phải đứng chen chúc, ngột ngạt, thậm chí vật vờ bên ngoài và nhòm vào buổi đối thoại cửa chính đến cửa sổ. Nhiều cư dân cao tuổi không thể chen vào hội trường đã buộc phải ngồi nghe vọng vào từ ngoài hành lang.
Có lẽ hiếm có cuộc đối thoại nào giữa cư dân và chủ đầu tư mà người dân phải “khổ sở” đến thế. Nói như vậy để thấy được năng lực tổ chức của chủ đầu tư cũng như sự quan tâm của cư dân khu đô thị Ngoại Giao Đoàn đối với buổi đối thoại này như thế nào.
Biến đất công cộng thành cao ốc
Vấn đề "đốt nóng" buổi đối thoại là việc điều chỉnh quy hoạch khu đô thị, trong đó bốn khu đất vốn để xây dựng công trình công cộng tại dự án này đã được điều chỉnh thành cao ốc dịch vụ, thương mại, bệnh viện, văn phòng và nhà ở với độ cao tương ứng 5 tầng, 12 tầng, 15 tầng và 27 tầng.
Cả tuần nay các cư dân khu đô thị Ngoại Giao Đoàn đã phản ứng gay gắt với với bản quy hoạch điều chỉnh đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt ngày 22/5/2017 vì cho rằng làm tăng mật độ xây dựng, tăng dân số và tạo áp lực lên cơ sở hạ tầng.
Chẳng hạn, lô đất có ký hiệu CC5 rộng 8.664m2 trước đây được quy hoạch là đất công cộng, dịch vụ, thương mại với mật độ xây dựng 30%, tầng cao trung bình là 7 tầng. Theo quy hoạch điều chỉnh, khu đất này có chức năng hỗn hợp dịch vụ, thương mại, văn phòng, nhà ở với mật độ xây dựng nâng lên 41%, tầng cao công trình 27 tầng + 3 tầng hầm và dân số khoảng 1.505 người.
Nhiều cư dân cho rằng, việc điều chỉnh này còn ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị căn hộ của họ.
Ông Cao Xuân Tùng, cư dân tòa nhà NO3 T2 cho biết, khi ông mua nhà, trong hợp đồng mua bán với chủ đầu tư đều nêu rõ là căn cứ vào quy hoạch năm 2010. Những căn hộ có tầm nhìn đẹp hướng ra sân chơi, công viên công cộng luôn có mức giá đắt hơn đến 5 triệu/m2 so với những căn hộ thông thường.
"Bây giờ thay đổi quy hoạch, vậy những hộ gia đình mua nhà đắt hơn đến 500 triệu/căn hộ giờ giải quyết như thế nào?" ông Tùng chất vấn.
Sai đối tượng tham vấn
Nhưng vấn đề nghiêm trọng hơn được ông Tùng chỉ ra là chủ đầu tư đã điều chỉnh quy hoạch mà không có ý kiến của cư dân Ngoại Giao Đoàn.
Ông Tùng dẫn Điều 16, Luật Xây dựng 2014 quy định: Cơ quan, chủ đầu tư tổ chức lập quy hoạch xây dựng có trách nhiệm lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng. Ủy ban nhân dân có liên quan có trách nhiệm phối hợp với cơ quan tổ chức lập quy hoạch xây dựng, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng trong việc lấy ý kiến.
Mặc dù chủ đầu tư lập luận rằng việc điều chỉnh quy hoạch đã lấy ý kiến cư dân vào cuối năm 2016 và đã được người dân chấp thuận nhưng ông Tùng cho biết, trong cuộc họp nội bộ của cư dân khu đô thị Ngoại Giao Đoàn ngày hôm qua, 100% cư dân đều khẳng định không được biết trước thông tin về việc chủ đầu tư xin ý kiến cư dân điều chỉnh quy hoạch.
Vị cư dân này chất vấn, tại thời điểm cuối năm 2016, nhiều tòa nhà tại khu đô thị Ngoại Giao Đoàn đã có người ở và chính quyền địa phương cũng biết việc này nhưng tại sao chủ đầu tư và chính quyền phường Xuân Tảo lại mời 10 cư dân không ở khu Ngoại Giao đoàn đi xin ý kiến?
"Vậy tôi xin hỏi là tính pháp lý của việc lấy ý kiến cư dân này ở đâu, ai có quyền đại diện cho cư dân, ai cử những người này đi đại diện cho hàng nghìn cư dân khu đô thị Ngoại Giao Đoàn?" ông Tùng kiên quyết.
Bức xúc không kém, ông Lê Việt Đức, cư dân của tòa nhà NO3 T8 một lần nữa khẳng định, việc phường Xuân Tảo tổ chức lấy kiến kiến 10 người dân "không liên quan gì" đến khu đô thị Ngoại Giao Đoàn là không đúng quy định pháp luật, thiếu tôn trọng cư dân.
Ông Đức cho rằng, quyết định điều chỉnh quy hoạch dự án đã vi phạm cam kết với khách hàng. Khách hàng mua nhà căn cứ theo quy hoạch 2010 và đây chính là cam kết của chủ đầu tư và chính quyền nhưng sau 7 năm, chủ đầu tư vừa bán hết nhà xong thì thay đổi quy hoạch, nâng diện tích xây dựng, từ đó gây sức ép lên cơ sở hạ tầng.
"Làm như vậy là không thể chấp nhận được", ông Đức nhấn mạnh.
Trước phản ứng quyết liệt của cư dân về việc 10 người được lấy ý kiến về việc điều chỉnh quy hoạch khu đô thị Ngoại Giao Đoàn là ai, bà Đỗ Thị Hương Chà, Chủ tịch UBND phường Xuân Tảo buộc phải công bố: "Tất cả người dân được mời lấy ý kiến là người dân tổ dân phố 1, không phải người dân cư trú trong các tòa nhà của Ngoại Giao Đoàn".
"Theo địa giới hành chính thì tất cả khu Ngoại Giao Đoàn là thuộc tổ dân phố 1. Tại thời điểm đấy, phường mời những người sinh sống tại phường vì còn nhiều nội dung liên quan", bà Chà lý giải.
Ông Tùng cho rằng, Hancorp đã sai ngay từ đối tượng tham vấn điều chỉnh quy hoạch nên đề nghị UBND TP. Hà Nội huỷ bỏ quy hoạch điều chỉnh và nếu Hancorp muốn điều chỉnh quy hoạch thì phải tham vấn ý kiến của người dân khu đô thị Ngoại Giao Đoàn.
Điều chỉnh quy hoạch đúng quy trình?
Đáp lại ý kiến cư dân, ông Bùi Xuân Dũng, Chủ tịch HĐQT Hancorp khẳng định, dự án được điều chỉnh quy hoạch căn cứ theo đúng quy định pháp luật, dựa trên các văn bản quy hoạch phân khu của Hà Nội.
"Chủ đầu tư chỉ đề xuất thay đổi quy hoạch và được các cơ quan thẩm quyền phê duyệt còn bản thân chúng tôi không có quyền điều chỉnh quy hoạch. Vấn đề này nên để cơ quan có thẩm quyền giải thích", ông Dũng cho biết.
Tiếp lời ông Dũng, ông Nguyễn Đức Nghĩa, Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật, Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội cho biết, việc điều chỉnh quy hoạch tại dự án đã được các sở ngành phối hợp với địa phương thực hiện theo đúng quy trình của Luật Quy hoạch.
Ông Nghĩa khẳng định, bản quy hoạch đã cân đối với các điều kiện về cơ sở hạ tầng xã hội, trường học, giao thông sao cho quy mô dân số phù hợp để tham mưu cho UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt quy hoạch điều chỉnh.
Dự án khu đô thị Ngoại Giao Đoàn do Tổng công ty Xây dựng Hà Nội làm chủ đầu tư với quy mô 62,8ha, nằm ở phía Tây Hồ Tây, thuộc địa bàn xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Mục tiêu ban đầu của dự án nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển khu đoàn ngoại giao cho đại sứ quán các nước tại Việt Nam, văn phòng của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, khu ở cho người nước ngoài tại Hà Nội.
Cảm thấy như bị lừa, cực chẳng đã cư dân khu đô thị Ngoại Giao Đoàn đã chăng băng rôn phản đối chủ đầu tư thay đổi quy hoạch làm tăng mật độ xây dựng.
Thấu hiểu con người và tâm tư của nhân sự trẻ để tạo môi trường giúp họ phát huy tối đa tiềm năng là chìa khóa giúp doanh nghiệp vươn xa.
Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản vừa được công bố đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc xây dựng ngành môi giới chuyên nghiệp, bền vững.
Giải thưởng Sách Quốc gia, sự kiện văn hóa thường niên khởi xướng từ năm 2017, đã lan tỏa tri thức và giá trị văn hóa đến với độc giả.
Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi bổ sung quy định thuế tối thiểu toàn cầu, ưu đãi thuế mới, tạo tác động lớn đến doanh nghiệp.
Vingroup và PV Power ký thỏa thuận hợp tác nhằm phát triển hệ thống trạm sạc xe điện trên quy mô toàn quốc và thúc đẩy hệ thống điện mặt trời áp mái.
Sáng ngày 22/11/2024, công ty Sandoz đã chính thức phát động chương trình cộng đồng về phòng, chống kháng kháng sinh (AMR) tại Việt Nam.
Có lẽ đã đến lúc thay đổi góc nhìn về triển vọng và thực tiễn của sự phát triển bền vững tại Việt Nam.