"Đặc khu kinh tế tại Việt Nam phải cạnh tranh được với các mô hình trong khu vực và quốc tế"

Hồ Mai - 08:00, 12/09/2017

TheLEADERTheo Ban soạn thảo luật, độ mở về cơ chế, chính sách kinh tế và hành chính của các đặc khu kinh tế đặc biệt tại Việt Nam "phải cạnh tranh được với các mô hình của các quốc gia trong khu vực và quốc tế".

Theo "Báo cáo tổng hợp kinh nghiệm quốc tế về xây dựng, phát triển và quản lý mô hình khu kinh tế, đặc khu kinh tế và các mô hình tương tự khác" vừa được công bố của Ban soạn thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, mô hình đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt dự kiến xây dựng ở nước ta là sự kết hợp giữa mô hình đặc khu kinh tế (ĐKKT) của Trung Quốc và mô hình đặc khu hành chính (ĐKHC), đặc khu kinh tế (ĐKKT) được phát triển ở Hàn Quốc. 

Ban soạn thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cho rằng, đặc điểm của các ĐKKT của Việt Nam về cơ bản tương tự như các ĐKKT của Trung Quốc và Hàn Quốc. 

Tuy nhiên, theo ban soạn thảo luật: "Độ mở về cơ chế, chính sách kinh tế và hành chính của các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại Việt Nam cần được nghiên cứu, áp dụng phù hợp với điều kiện, khả năng phát triển, đặc điểm về chính trị, luật pháp, chế độ kinh tế xã hội của Việt Nam và nhất thiết phải cạnh tranh được với các mô hình của các quốc gia trong khu vực và quốc tế".

Theo đó, đơn vị hành chính – kinh tế là một khu vực có ranh giới địa lý xác định; có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi trong giao thương, dịch vụ trong nước và quốc tế; có cơ chế, chính sách đặc biệt ưu đãi cạnh tranh quốc tế, có cơ chế quản lý và hành chính riêng biệt và hiện đại; có môi trường đầu tư và kinh doanh đặc biệt thuận lợi. 

Cùng nhìn lại những điểm nổi bật trong phát triển đặc khu kinh tế của Trung Quốc và Hàn Quốc: 

ĐKKT Trung Quốc: Ưu tiên tài chính, cảng biển, công nghệ cao

Từ đầu những năm 1980, Trung Quốc thành lập 5 ĐKKT đầu tiên (Thâm Quyến, Chu Hải, Sán Dầu (tỉnh Quảng Đông), Hạ Môn (tỉnh Phúc Kiến) và đảo Hải Nam trực thuộc Trung ương) để phát triển hợp tác kinh tế và trao đổi kỹ thuật với nước ngoài và thực hiện chương trình hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa. 

Từ cuối những năm 1980 mở rộng ra 14 thành phố ven biển (trong đó có Thượng Hải) với chính sách tương tự như 5 đặc khu kinh tế. Từ những năm 1990 mở toàn diện hơn và hướng vào nội địa. Sau một thời gian phát triển thành công các ĐKKT, từ năm 2010 Trung Quốc điều chỉnh chính sách tập trung phát triển một số khu vực với mô hình, chính sách mở cửa, tự do hóa và đột phá hơn trước.

 Về ngành, nghề trọng tâm phát triển, đối với 5 đặc khu đầu tiên trong giai đoạn đầu được xác định là khu tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, sản xuất và gia công, sau đó dần điều chỉnh, mở rộng quy mô và định hướng vào một số lĩnh vực trọng tâm như: trung tâm thương mại tự do, tài chính quốc tế, tập trung ngành sản xuất công nghệ cao, dịch vụ vụ logistics hàng không, cảng biển, giáo dục, y tế chất lượng cao (Thâm Quyến, Thượng Hải); phát triển các ngành công nghiệp sản xuất, dịch vụ (Chu Hải, Sán Đầu, Hạ Môn); phát triển nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp, chế biến sản phẩm nông nghiệp (Hải Nam.

Các khu mới hiện nay được xác định trong tâm rõ hơn ngay từ giai đoạn đầu như khu thương mại tự do Thượng Hải: phát triển trung tâm tài chính, thương mại quốc tế, dịch vụ vận tải hàng không và cảng biển quốc tế; khu Tiền Hải thuộc ĐKKT Thâm Quyến phát triển dịch vụ tài chính, dịch vụ hậu cần cảng, công nghệ cao. 

Tháng 4/2017, Trung Quốc công bố thành lập khu mới Hùng An (thuộc tỉnh Hà Bắc) được định vị là khu kiểu mẫu về sáng tạo phát triển. Việc xây dựng khu mới này nhằm mục tiêu di chuyển ngành công nghiệp, sản xuất, dịch vụ từ Bắc Kinh sang khu mới, xây dựng Bắc Kinh trở thành trung tâm chính trị, hành chính, phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao.  

Về các chính sách ưu đãi với ĐKKT của Trung Quốc, cụ thể với trường hợp ĐKKT Thâm Quyến, công tác quản lý nhà nước tập trung về mặt quy hoạch; tách biệt với chức năng kinh doanh; chính quyền đặc khu chỉ điều tiết những vấn đề vĩ mô.

Thuế xuất nhập khẩu được miễn đối với mọi hàng hoá nhập vào ĐKKT và từ ĐKKT xuất khẩu ra bên ngoài. Thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng,... đều có mức thuế thấp hơn nhiều so với nội địa và thấp hơn Hồng Kông (mức thuế khoảng 15%).

Các ngành công nghệ cao được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) 2 năm, giảm 50% thuế TNDN cho 8 năm tiếp theo. Các doanh nghiệp mới thành lập được giảm 50% tiền thuê đất. Các doanh nghiệp kỹ thuật cao được miễn thuế tài sản trong 5 năm.

Về đất đai, nhà nước giao cho mọi cá nhân tổ chức được thuê đất trong thời hạn không quá 70 năm, khi hết hạn tiếp tục được gia hạn và được toàn quyền thực hiện quyền sử dụng đất. Giá thuê đất ưu đãi, chỉ bằng 30 - 50% giá thuê đất trong nội địa.

Với đặc khu hành chính (ĐKHC) Hồng Kông, đặc trưng của thể chế của ĐKHC này thể hiện ở tính tự trị cao với mức tự do hoá vượt trội rõ rệt so với nội địa Trung Quốc hiện nay và ngay cả so với thể chế của Vương quốc Anh trước đây. Nhà nước có phạm vi nhỏ, can thiệp ít vào hoạt động thị trường và xã hội dân sự.

ĐKHC Hồng Kông có tính tự trị cao với mức tự do hoá vượt trội rõ rệt so với nội địa Trung Quốc.

Cơ quan cao nhất của Hồng Kông là Cục hành chính và Cục lập pháp với người đứng đầu là toàn quyền Hồng Kông đại diện cho Chính phủ Trung Quốc. Tư tưởng chủ đạo của các chính sách của Hồng Kông là tạo điều kiện cho thị trường tự vận động, phát triển và tự điều chỉnh. Nhà nước chỉ can thiệp ở mức độ thấp nhất khi cần thiết để đảm bảo tính ổn định, lành mạnh của thị trường.

Chính sách kinh tế tự do được áp dụng đối với xuất nhập khẩu; mua bán ngoại tệ, vàng; sản xuất kinh doanh cạnh tranh... Hoạt động chủ yếu của chính quyền Hồng Kông chỉ bao gồm: cung cấp các dịch vụ công cho doanh nghiệp và cư dân; giám sát thị trường tài chính; phát triển giáo dục, y tế…  

Chính sách thuế của Hồng Kông được đánh giá là có mức thu thấp, hữu hiệu, không thu trùng lắp. Tổng mức thu của chính phủ Hồng Kông chỉ chiếm dưới 20% GDP, vào loại
thấp nhất thế giới.

Hồng Kông quy định mức thuế thu nhập doanh nghiệp là 17 - 18%, không thu thuế thặng dư vốn, không áp dụng thuế luỹ tiến, miễn thuế xuất nhập khẩu trừ một số sản phẩm đặc biệt, tất cả các hàng hoá chuyển khẩu qua Hồng Kông đều phải làm thủ tục khai báo hải quan, nhưng không phải nộp thuế.

Chính quyền Hồng Kông cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được quyền tự do: chọn hạng mục đầu tư, di chuyển vốn và lợi nhuận; xuất nhập khẩu; quyền sở hữu và kinh doanh; tuyển dụng và sa thải công nhân viên.

Về đất đai, quyền thuê đất được phép chuyển nhượng với giá ưu đãi cho nhà đầu tư đáp ứng các yêu cầu của chính quyền.

Hàn Quốc: phát triển KKT tự do

Các KKT tự do của Hàn Quốc được thành lập vào năm 2003. Hiện tại, Hàn Quốc có 8 KKT tự do, trong đó có 6 khu được thành lập ở khu vực ven biển và 2 khu được thành lập trong đất liền. 

Để tận dụng lợi thế của từng KKT tự do và tránh cạnh tranh lẫn nhau, Chính phủ Hàn Quốc xác định các lĩnh vực ưu tiên phát triển của từng KKT tự do. 

Cụ thể như, KKT tự do Incheon tập trung phát triển dịch vụ logistics, kinh doanh dịch vụ, du lịch và giải trí, công nghệ cao; khu Busan-Jinhae: vận tải biển, công nghiệp có hàm lượng kỹ thuật cao, du lịch và dịch vụ gắn với biển; khu Gwangyang: vận tải biển, sản phẩm thép và hóa chất, du lịch và dịch vụ; khu Yellow Sea: công nghệ cao, công nghệ sinh học và vận tải biển; khu Saemangeum-Gunsan: công nghệ cao, công nghệ mới, tái tạo, du lịch và dịch vụ cho khách Trung Quốc; khu Daegu-Gyeongbuk: giáo dục, y tế, công nghiệp thời trang, công nghệ thông tin; khu Donghae: công nghiệp vật liệu, dịch vụ logistics, du lịch; khu Chungbuk: dược phẩm sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ cao tập trung vào công nghệ năng lượng mặt trời.  

Năm 2006, Hàn Quốc thành lập Thành phố quốc tế tự do Jeju với 5 mục tiêu phát triển gồm: tự trị phân quyền cao, phát triển thị trường toàn cầu, tăng cường phúc lợi xã hội, giao lưu văn hóa quốc tế và bảo vệ tài nguyên môi trường.

Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư bất động sản trị giá ít nhất 500 triệu won (450.000 USD) và duy trì trong vòng 5 năm tại đảo Jeju là sẽ được cấp giấy phép thường trú tại Hàn Quốc.

Thành phố Jeju lựa chọn giáo dục, y học, công nghiệp công nghệ cao và du lịch làm hạt nhân cho sự phát triển của mình, trong đó tập trung thu hút xây dựng cơ sở giáo dục quốc tế; các trung tâm y tế được điều hành bởi các tập đoàn nước ngoài.

Về chính sách ưu đãi, các dự án đầu tư trong nước được miễn thuế TNDN trong 3 năm (riêng nhà đầu tư nước ngoài được miễn 5 năm), giảm 50% trong 2 năm.

Các dự án được thuê đất trong 50-100 năm (có thể gia hạn thêm), miễn thuế bất động sản trong 10-15 năm, giảm 50-100% tiền thuê đất, miễn thuế xuất nhập khẩu.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn được hưởng nhiều ưu đãi và hỗ trợ khi đầu tư vào các lĩnh vực văn hóa, công nghệ thông tin, công nghiệp tri thức, công nghệ cao như trợ cấp 10% chi phí xây dựng nhà xưởng, trợ cấp 50% tiền thuê đất, hỗ trợ đào tạo lao động.

Khách du lịch (trừ 11 quốc gia) đến đảo Jeju được miễn visa trong vòng tối đa 30 ngày với mục đích tham quan, du lịch. 

Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư bất động sản trị giá ít nhất 500 triệu won (450.000 USD) và duy trì trong vòng 5 năm tại đảo Jeju là sẽ được cấp giấy phép thường trú tại Hàn Quốc, được hưởng đãi ngộ như công dân nước Hàn Quốc về chính sách y tế, giáo dục, hỗ trợ tìm việc.