Đề xuất bỏ cấp phép sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ

Minh An - 23:37, 30/11/2017

TheLEADERVăn bản dự thảo sửa đổi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đang được Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến đóng góp.

Bên cạnh mục tiêu tiếp tục quản lý thị trường vàng miếng, nghị định sửa đổi lần này nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm bớt điều kiện kinh doanh đối với doanh nghiệp. Đặc biệt tạo điều kiện phát triển thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ.

Theo đó, doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ chỉ phải đáp ứng điều kiện được thành lập theo quy định của pháp luật, có đăng ký sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Các quy định về Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ; điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật sẽ được bãi bỏ.

Hiện nay có khoảng 5.800 doanh nghiệp đã được NHNN cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ theo quy yêu cầu của Nghị định 24.

Tờ trình của NHNN cho biết, trên thực tế cũng không phát sinh nhiều vướng mắc đối với hoạt động của loại hình doanh nghiệp này. Do đó, để đơn giản hóa thủ tục hành chính không cần cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất.

Về điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật đối với doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ là không cần thiết, đặc biệt theo chủ trương đơn giản hóa thủ tục như hiện nay. Thực tế, khi đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp phải có cơ sở sản xuất, nhà xưởng, trang thiết bị phù hợp để đảm bảo sản xuất và đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Đối với hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng, NHNN cũng giảm thiểu các quy định về hồ sơ thủ tục điều chỉnh Giấy phép kinh doanh, theo tinh thần giảm chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, NHNN cũng không quy định việc điều chỉnh địa điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng. Trước đây, các ngân hàng, doanh nghiệp được phép kinh doanh mua, bán vàng miếng chỉ được tiến hành kinh doanh tại các địa điểm đính kèm Giấy phép. Việc điều chỉnh nội dung trên Giấy phép, thay đổi tên, địa chỉ và bổ sung địa điểm kinh doanh trên Giấy phép phải được NHNN chấp thuận.

Nghị định sửa đổi lần này cũng bổ sung thêm hoạt động huy động vàng từ tổ chức, cá nhân, kinh doanh vàng trên tài khoản vào điều khoản các hoạt động do Nhà nước độc quyền, bên cạnh độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng trong quy định trước đây.

Trước năm 2012, thị trường vàng biến động mạnh, hoạt động huy động-cho vay vốn bằng vàng đã gây ra nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến thanh khoản của hệ thống ngân hàng, làm gia tăng tình trạng ”vàng hóa”, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, gây bất ổn kinh tế.

Nghị định 24 ra đời sau 5 năm thực hiện đã đẩy lùi tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế, giúp ổn định thị trường vàng, không còn các cơn sốt vàng và tình trạng người dân đổ xô đi mua, bán vàng miếng.

Diễn biến của thị trường vàng đã thoát ly khỏi biến động của tỷ giá, thị trường ngoại hối và không gây ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế vĩ mô. Hoạt động mua bán vàng miếng mới được thiết lập, có quản lý, đáp ứng được nhu cầu mua, bán của người dân với khoảng 2.242 điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng trên toàn quốc.