TP. HCM phát sinh khoảng 400 tấn chất thải nguy hại mỗi ngày

Minh Thư - 14:43, 28/11/2017

TheLEADERChất thải nguy hại tại TP. HCM được dự báo sẽ tăng 8%/năm, đến năm 2020 là 549 tấn/ngày và 2025 là 807 tấn/ngày.

TP. HCM phát sinh khoảng 400 tấn chất thải nguy hại mỗi ngày
Rác thải tại TP. HCM tiếp tục có xu hướng tăng lên. Ảnh Thanh Niên

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và môi trường TP. HCM, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt hàng ngày phát sinh trên địa bàn thành phố hiện nay khoảng 8.700 tấn, chất thải rắn công nghiệp khoảng 1.500 - 2.000 tấn/ngày. 

Trong đó, khối lượng chất thải nguy hại 350 - 400 tấn/ngày và 22 tấn/ngày chất thải rắn y tế. 

Theo dự báo, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố sẽ tăng 5%/năm (năm 2020 là 10.081 tấn/ngày và 2025 là 12.864 tấn/ngày), chất thải rắn công nghiệp tăng 6%/năm (2020 là 1.922 tấn/ngày và 2025 là 2.497 tấn/ngày), chất thải nguy hại tăng 8%/năm (2020 là 549 tấn/ngày và 2025 là 807 tấn/ngày), chất thải rắn y tế tăng 10%/năm (2020 là 30 tấn/ngày và 2025 là 50,5 tấn/ngày).

Phương pháp xử lý chất thải rắn hiện nay của TP. HCM đa phần vẫn là chôn lấp, giải pháp này bộc lộ những hạn chế như lãng phí tài nguyên đất, tài nguyên rác, ảnh hưởng đến môi trường nước mặt, nước ngầm, đất và không khí,…

Mục tiêu của thành phố đặt ra là đến 2020, tỷ lệ lượng chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh tối đa là 50%, đến năm 2025 tối đa là 20%.

Tại hội nghị chuyên đề "Kêu gọi đầu tư xử lý rác bằng công nghệ đốt rác - phát điện đến năm 2025", Phó chủ tịch UBND TP. HCM Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh: TP. HCM đối diện với những thách thức đó là kẹt xe, ngập nước và xử lý các loại rác thải sinh hoạt, đặc biệt số lượng rác thải của thành phố ngày càng tăng.

Theo Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Thiện Nhân, trong điều kiện nguồn ngân sách hạn hẹp, có nhiều lĩnh vực nhà nước không cần đầu tư mà chỉ cần trả phí dịch vụ cho doanh nghiệp tham gia việc xã hội hóa đầu tư. Thành phố sẽ đảm bảo cơ hội cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư một cách công khai, minh bạch và có những chính sách ưu đãi để nhà đầu tư an tâm đầu tư lâu dài và đạt kết quả tốt. 

Đồng thời, bên cạnh việc xử lý rác tăng thêm, thành phố kêu gọi các doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề công nghệ nghiên cứu phương án đầu tư để xử lý cả lượng rác thải đã chôn lấp từ trước đến nay thành phố.

Bên cạnh đó, thành phố cũng yêu cầu triển khai các giải pháp đồng bộ trong duy tu, bảo dưỡng bãi chôn lấp chất thải sau khi ngưng tiếp nhận, khuyến khích xã hội hóa việc tái chế và sản xuất điện năng từ các bãi chất thải đã được chôn lấp trong các năm qua và ưu tiên các giải pháp tái sử dụng bãi chôn lấp đã đóng bãi phục vụ lợi ích cộng đồng.

Đề nghị các nhà máy xử lý rác thải đang hoạt động khẩn trương đẩy nhanh tiến độ cải tạo, nâng cấp đổi mới công nghệ. 

Đối với đề xuất của các nhà đầu tư mới, cũng cần tiếp tục nghiên cứu kỹ một số đặc điểm về tính chất, thành phần của rác thải thành phố, điều kiện địa chất …và đề xuất cho thành phố những nhà máy xử lý rác hiện đại, đạt tiêu chuẩn như mong muốn.