‘4 chữ mới’ cho miền Tây phát triển

Phạm Sơn - 20:38, 19/06/2022

TheLEADERQuy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long nhấn mạnh 4 chữ mới, bao gồm tư duy mới, tầm nhìn mới, cơ hội mới và giá trị mới.

‘4 chữ mới’ cho miền Tây phát triển
Phát triển miền Tây không chỉ chú trọng kinh tế mà còn phải đưa nơi đây thành nơi đáng sống và điểm đến thu hút.

Sỡ hữu khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi bậc nhất thế giới, đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa gạo, trái cây, thủy hải sản lớn nhất Việt Nam, góp phần quan trọng duy trì an ninh lương thực cũng như tạo ra giá trị xuất khẩu lớn.

Bên cạnh nông nghiệp, miền Tây cũng có tiềm năng lớn về các ngành kinh tế như năng lượng tái tạo, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa…

Tuy nhiên, trên thực tế, trong suốt thời gian vừa qua, đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang phát triển ở dưới mức tiềm năng. Miền Tây trù phú, màu mỡ nhưng lại là “vùng trũng” về giáo dục, y tế và thu hút đầu tư, cộng thêm sự đe dọa từ biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Nhìn nhận những tiềm năng và thách thức đối với miền Tây, năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Nghị quyết 120 đưa ra quan điểm thuận thiên, phát triển kinh tế thuận theo điều kiện tự nhiên, không can thiệp thô bạo vào tự nhiên.

Nối tiếp những bước đầu thành công của việc triển khai Nghị quyết 120, đến đầu năm 2022, quy hoạch tổng thể vùng đồng bằng sông Cửu Long chính thức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cụ thể hóa những giải pháp cởi trói cho tiềm năng của vùng đất Chín Rồng.

Trong thông điệp trước thềm sự kiện Công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, quy hoạch tổng thể miền Tây nhấn mạnh vào “4 chữ mới”, bao gồm tư duy mới, tầm nhìn mới, cơ hội mới và giá trị mới.

Trong đó, tư duy mới bao gồm việc chủ động kiến tạo phát triển vùng theo hướng bền vững, hài hòa và dựa trên 3 trụ cột kinh tế, xã hội, môi trường. Theo đó, phát triển miền Tây phải lấy con người làm trung tâm và tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi; tôn trọng thiên nhiên và điều kiện thực tế của vùng.

Nông nghiệp sinh thái là trọng tâm, công nghiệp năng lượng là đột phá, dịch vụ là bệ đỡ.

Tư duy linh hoạt, nhạy bén, sáng tạo theo hướng “biến thách thức thành cơ hội”, chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa vào sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Vì vậy, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn sẽ là giải pháp quan trọng cho đồng bằng sông Cửu Long. Bộ trưởng nhấn mạnh, đối với miền Tây, nông nghiệp sinh thái là trọng tâm, công nghiệp năng lượng là đột phá, dịch vụ là bệ đỡ.

Tư duy phát triển mới cũng đặt ra yêu cầu chuyển đổi mô hình phát triển từ phân tán, nhỏ lẻ sang phát triển tập trung, thông qua việc hình thành một số vùng động lực, hành lang kinh tế và chuỗi đô thị.

Các thách thức của miền Tây đều mang tính vùng chứ không phải của riêng tỉnh thành nào, do đó cần phải liên kết phát triển trong và ngoài vùng ở nhiều cấp độ.

Chiến lược lâu dài của đầu tư phát triển đồng bằng sông Cửu Long là hạ tầng đi trước để tạo nền tảng cho phát triển nhanh, bền vững, trong đó tập trung phát triển hạ tầng thiết yếu như giao thông, thủy lợi, năng lượng, hệ thống nước sạch và kết cấu hạ tầng phục vụ chuyển đổi mô hình.

Tầm nhìn mới, đến năm 2050 đồng bằng sông Cửu Long không những trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước mà còn phải trở thành nơi đáng sống đối với người dân, điểm đến hấp dẫn đối với du khách và nhà đầu tư.

Cơ hội mới đến từ cơ sở hạ tầng. Theo quy hoạch, đến năm 2030, hệ thống đường bộ cao tốc kết nối đồng bằng sông Cửu Long với vùng Đông Nam Bộ, hệ thống cảng biển và cửa khẩu quốc tế, hệ thống đường ven biển, trục kết nối với đầu mối vận tải và khu công nghiệp sẽ được hoàn thiện.

Trong đó, tuyến đường bộ ven biển sẽ được tập trung triển khai. Tuyến đường này tạo ra hành lang kinh tế, không chỉ về công nghiệp, du lịch, đô thị mà sẽ sắp xếp lại dân cư ven biển và mở ra không gian phát triển mới hướng biển.

Trao đổi với báo chí tại buổi thông tin trước thềm sự kiện, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, phát triển đường ven biển là chiến lược mang tính đột phá và dài hạn. Bộ Kế hoạch và đầu tư sẽ ký biên bản hợp tác với 6 ngân hàng phát triển để huy động vốn khoảng 2 tỷ USD để xây dựng tuyến đường này.

Cơ hội mới của miền Tây tiếp tục nhấn mạnh vai trò của nông nghiệp là thế mạnh cũng như sứ mệnh của đồng bằng sông Cửu Long. Theo quy hoạch, miền Tây sẽ phát triển nông sản theo 3 trọng tâm là thủy sản, trái cây và lúa gạo, trong đó tăng tỷ trọng thủy sản, trái cây và giảm tỷ trọng lúa gạo. Phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, gắn với thương mại, logistics, du lịch sinh thái, công nghiệp chế biến nâng cao giá trị nông sản.

Phát triển 8 đầu mối về nông nghiệp gắn với vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, kết nối đầu mối hạ tầng để cung cấp các dịch vụ phục vụ và tạo giá trị gia tăng cho nông sản.

Về công nghiệp, phát triển theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường, trong đó , trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, gắn với kinh tế biển, kiểm soát tài nguyên biển, phục hồi hệ sinh thái biển.

Phát triển hạ tầng thương mại hiện đại, đồng bộ, hỗ trợ hiệu quả cho các trung tâm đầu mối về công nghiệp. Phát triển kinh tế biển, chú trọng du lịch, dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí, năng lượng tái tạo, nuôi trồng và khai thác xa bờ thủy hải sản.

Phát triển miền tây trở thành thương hiệu quốc tế về du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái và du lịch biển.

Với tầm nhìn phát triển dài hạn, cơ hội sẽ mở ra cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp để mở rộng sản xuất, gia tăng đầu tư tại miền Tây, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh. Mặt khác, người dân miền Tây cũng có cơ hội được hình thành cộng đồng dân cư thịnh vượng, năng động, được tạo sinh kế và hưởng an sinh xã hội đầy đủ.

Giá trị mới sẽ được tạo ra khi đưa miền Tây từ nơi phát triển dưới mức tiềm năng trở thành nơi đáng sống, năng động và thịnh vượng. Quy hoạch đưa ra mục tiêu đến năm 2030, quy mô kinh tế vùng sẽ lớn hơn 2 -2,5 lần so với hiện nay, đồng thời sở hữu hạ tầng hiện đại, thích ứng với biển đổi khí hậu, môi trường và chất lượng sống được đảm bảo.