6 dự án bất động sản ở Bình Thuận vi phạm luật phòng chống rửa tiền

Hứa Phương - 16:31, 21/04/2020

TheLEADERSở Xây dựng tỉnh Bình Thuận tiến hành thanh tra đối với 14 dự án bất động sản thì có 6 dự án vi phạm luật phòng chống rửa tiền.

Từng được đánh giá là “thủ đô resort” của cả nước, nhưng do sự trầm lắng trong quá trình phát triển, Bình Thuận đã bị thụt lùi so với những địa phương như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc... Tuy nhiên trong vài năm trở lại đây, Bình Thuận đang trỗi dậy mạnh mẽ và trở thành điểm đến đầu tư thu hút những ông lớn trong ngành bất động sản như Novaland, Hưng Lộc Phát, Hải Phát, Nam Group...

Tính đến tháng 9/2019, trên địa bàn Bình Thuận có 70 dự án kinh doanh bất động sản được chấp thuận đầu tư, trong đó có 32 dự án khu dân cư, khu đô thị và 38 dự án khu du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với kinh doanh bất động sản.

Dù nhận định thị trường bất động sản có nhiều thay đổi, chuyển biến tích cực, môi trường đầu tư được cải thiện... Tuy nhiên tình trạng các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp vi phạm quy định pháp luật vẫn còn xảy ra như việc huy động vốn, sử dụng vốn huy động chưa công khai, số liệu báo cáo chưa đầy đủ... gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước, tiềm ẩn rủi ro ảnh hưởng đến thị trường, quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, nhà đầu tư thứ cấp.

Chính vì vậy, Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận đã tiến hành thanh tra đợt 1 đối với 14 dự án trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản, phòng chống rửa tiền đối với dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trên địa bàn.

Kết quả thanh tra cho thấy 6 dự án vi phạm Luật Phòng chống rửa tiền, Luật Kinh doanh bất động sản, 3 dự án chưa thực hiện đầy đủ quy định của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, 3 dự án tiến độ thực hiện chậm so với quy định trong quyết định chủ trương đầu tư, 1 dự án không liên hệ được với chủ đầu tư và duy nhất 1 dự án tuân thủ nghiêm quy định định của pháp luật và tiến độ thực hiện phù hợp với chủ trương đầu tư.

Đáng chú ý dự án khu dân cư kết hợp thương mại, dịch vụ Thuận Nam, quá trình thanh tra, đoàn thanh tra không liên lạc được với chủ đầu tư là Công ty TNHH đào tạo nghề đầu tư phát triển bất động sản đo đạc xây dựng Ngân Hà nên chưa thể kiểm tra hồ sơ và thực tế dự án này.

6 dự án vi phạm luật phòng chống rửa tiền

Trong 6 dự án vi phạm luật phòng chống rửa tiền có những dự án tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ, được coi là dự án tạo sức bật cho thị trường bất động sản của Bình Thuận. 

Đơn cử như khu du lịch nghỉ dưỡng Apec Mandala Wyndham Mũi Né, do Công ty CP đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ Việt Nam) làm chủ đầu tư. Tại thời điểm thanh tra, chủ đầu tư đã triển khai công tác san nền, xây dựng hệ thống điện, hệ thống giao thông tạm...

Sáu dự án ở Bình Thuận vi phạm luật phòng chống rửa tiền
Phối cảnh dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Apec Mandala Wyndham Mũi Né

Chủ đầu tư cho biết, mới thực hiện truyền thông về thông tin chung của dự án, chưa thực hiện giao dịch mua bán, chuyển nhượng bất động sản và chưa ký hợp đồng kinh doanh bất động sản với tổ chức, cá nhân nào.

Tuy nhiên vào tháng 6/2019 Sở Xây dựng đã có công văn chấn chỉnh việc giao dịch mua bán và kinh doanh bất động sản khi có đơn thư phản ánh về việc chủ đầu tư và đơn vị phân phối thực hiện mua bán, chuyển nhượng, giao dịch bất động sản thông qua hình thức ký kết hợp đồng vay, bản đăng ký nguyện vọng.

Cụ thể IDJ Việt Nam có giao dịch với Công ty CP Dịch vụ và đầu tư bất động sản Cland (Cland) và Công ty CP Bất động sản Khải Hoàn Land (Khải Hoàn Land).

Các đơn vị môi giới là Cland, Khải Hoàn Land và chủ đầu tư IDJ Việt Nam cũng chưa thực hiện báo cáo, cung cấp thông tin, dữ liệu định kỳ hàng tháng về Sở Xây dựng theo Nghị định 117/2015/NĐ-CP của Chính phủ về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản.

Đặc biệt, căn cứ vào giấy chứng nhận do Sở Kế hoạch và đầu tư Bình Thuận chứng nhận lần đầu tháng 9/2019 thì mục tiêu dự án là xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng ven biển Mũi Né gồm phòng nghỉ dưỡng, Spa, bể bơi, cây xanh... Mục đích sử dụng đất là đất thương mại, dịch vụ.

Do đó đây không phải là dự án xây dựng nhà ở thương mại, việc huy động vốn tại dự án này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Nhà ở, không đúng nguyên tắc Luật Kinh doanh bất động sản.

Hơn nữa, IDJ Việt Nam và các công ty dịch vụ môi giới là Khải Hoàn Land, Cland chưa thực hiện các quy định về phòng chống rửa tiền theo quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền 2012, Nghị định 116/2013/NĐ-CP ngày 4/10/2013, Thông tư số 35/2013/TT-NHNN ngày 11/11/2014 và Luật Kinh doanh bất động sản.

Được biết, dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Apec Mandala Wyndham Mũi Né có tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng, tổng diện tích 4,5ha tại địa bàn xã Hòa Thắng – Mũi Né, thành phố Phan Thiết do công ty đầu tư IDJ Việt Nam làm chủ đầu tư.

Bất chấp việc hai lần bị phạt nhưng trong bảng công bố kết quả kinh doanh quý III/2019 cho thấy, 9 tháng đầu năm 2019, Công ty đầu tư IDJ Việt Nam vẫn huy động được tổng cộng 427 tỷ đồng tiền góp vốn thực hiện dự án Mandala Wyndham Mũi Né.

Đối với dự án nhà ở thương mại Aloha Beach Village do Công ty CP đầu tư - thương mại - dịch vụ Việt Úc (Công ty Việt Úc) làm chủ đầu tư.

Tại thời điểm kiểm tra, dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện, chuẩn bị đưa vào sử dụng và thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với các căn hộ khối nhà Ruby 1,2. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện dự án đã bị chậm so với quy định tại giấy chứng nhận đầu tư (hoàn thiện và đi vào hoạt động kinh doanh năm 2017).

Quá trình thực hiện dự án, Công ty Việt Úc đã tổ chức thi công xây dựng công trình nhà điều hành, khối Ruby 1, Ruby 2 khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng nên hai lần bị Chánh thanh tra Sở Xây dựng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Chủ đầu tư còn tổ chức thi công xây dựng phần sảnh khối nhà Ruby 1 sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp. Hiện, Công ty Việt Úc đang thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án; lập, trình thẩm định thiết kế, xin phép xây dựng các công trình còn lại thuộc dự án.

Ngoài ra, quá trình xây dựng dự án, Công ty Việt Úc ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty CP địa ốc Thắng Lợi để phân phối sản phẩm căn hộ của dự án.

Tuy nhiên, cả Công ty Việt Úc và đơn vị phân phối dự án Công ty CP địa ốc Thắng Lợi chưa chưa thực hiện đầy đủ quy định tại khoản 4 Điều 67, Luật Kinh doanh bất động sản như chưa thực hiện việc báo cáo, cung cấp thông tin, dữ liệu định kỳ hàng tháng về Sở Xây dựng theo quy định tại Nghị định số 117/2015/NĐ-CP của Chính phủ về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản. Hiện dự án đã bán hết 307 căn hộ khối nhà Ruby 1,2; chưa thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, phòng chống rửa tiền, kinh doanh bất động sản.

Aloha Beach Village là khu phức hợp sinh thái, nghỉ dưỡng , giải trí cao cấp tiêu chuẩn quốc tế, gồm: condotel Aloha, resort, biệt thự Aloha cao cấp. Dự án có tổng diện tích hơn 15ha, nằm trên trục đường biển kéo dài tới 27km tại xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam với tổng đầu tư 3.200 tỷ đồng, gồm các trung tâm thương mại với 300 condotel, 50 shophouse, 3.200 căn condotel và biệt thự nghỉ dưỡng ven biển.

Dự án được chính thức mở bán đợt đầu vào ngày 19/2/2017 với giá bán của Aloha condotel khoảng trên dưới 1 tỷ đồng. Dự kiến sẽ khai trương toàn khu và đưa vào sử dụng từ tháng 9/2017.

Các dự án có vi phạm tương tự gồm: Dự án khu trung tâm thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát, do Công ty CP Tân Việt Phát làm chủ đầu tư, Công ty TNHH bất động sản Danh Khôi phân phối.

Dự án lấn biển, bố trí sắp xếp lại dân cư và chỉnh trang đô thị phường Đức Long thành phố Phan Thiết, chủ đầu tư là Công ty TNHH Trường Phúc Hải, Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư Đất Biển Vàng phân phối.

Dự án khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2, do Công ty CP Tân Việt Phát làm chủ đầu tư, Công ty TNHH bất động sản Danh Khôi phân phối.