Tài chính
ACB xây 'thành trì' khách hàng chắn bão thuế quan
Liệu con tàu ACB có thể về đích, khi liên tục xuất hiện những cơn gió ngược như Mỹ áp thuế đối ứng, hay bóng ma chiến tranh thương mại ngày một hiện hữu?
Bình tâm trước cơn gió ngược "thuế quan"
Sáng ngày 8/4, đại hội đồng cổ đông Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) diễn ra sôi động hơn thường lệ, khi câu chuyện Mỹ áp thuế đối ứng với Việt Nam cao nhất, nhì thế giới "làm nóng" khắp các nghị trường.
Lãnh đạo ACB bắt đầu bằng việc trấn an cổ đông về những lo ngại tiềm ẩn, khi cán cân kinh tế toàn cầu có nhiều bất ổn. Ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB khẳng định, ngân hàng này đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho mọi biến động sắp tới.
Những biến động này bao gồm kinh tế toàn cầu phục hồi chậm chạp, áp lực cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu gia tăng và đặc biệt là bóng ma của chiến tranh thương mại với những rào cản thuế quan ngày càng hiện hữu, nhất là từ thị trường Mỹ.
Theo ông Phát, sở dĩ tới giờ này ban lãnh đạo ACB vẫn "bình tâm" là nhờ điểm tựa vững chắc nằm ở cơ cấu khách hàng. Hơn 60% danh mục tín dụng của ngân hàng tập trung vào khách hàng cá nhân, và gần 30% thuộc về các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Đây được xem là "thành trì" kiên cố, ít chịu tác động trực tiếp từ những chính sách thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa xuất khẩu quy mô lớn.
"Chính sách thuế quan sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế, cũng như tổng cầu. Tại Việt Nam, tỷ giá, đầu tư nước ngoài, nhu cầu tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng, kéo theo những tác động đến tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống", ông Phát phân tích.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng, ACB với thế mạnh ở phân khúc khách hàng cá nhân và SME, sẽ giữ nguyên kịch bản tăng trưởng tín dụng đạt 16-18%. Sự phục hồi gần đây của tín dụng cá nhân và sự khởi sắc của thị trường bất động sản phía Nam được xem là những động lực quan trọng.
Một mảng tiềm năng khác mà phía ACB quan tâm là khối doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI còn khoảng không gian phát triển rất lớn, khi mảng này có 1% thị phần.
"Lãi suất huy động có xu hướng tăng nhẹ nhưng với nội lực của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi cho rằng lãi suất sẽ ổn định, không tăng đột biến nên sẽ không ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động ngân hàng", lãnh đạo ACB nhấn mạnh.
Nhìn về tương lai, phía ACB vẫn lạc quan với những gam màu tươi sáng của bức tranh kinh tế Việt Nam, khi vẫn duy trì được sức chống chịu đáng nể trước những cơn gió ngược của nền kinh tế toàn cầu.

Nội lực của ACB
Không chỉ đối diện với những "cơn gió" từ bên ngoài, ACB cũng tự nhìn nhận và đánh giá sâu sắc những vấn đề nội tại, những yếu tố then chốt quyết định sự phát triển bền vững trong dài hạn của nhà băng này.
Những con số ấn tượng về năm 2024 đã cho thấy một ACB đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ. Tổng tài sản của ngân hàng đạt gần 864.000 tỷ đồng, tiền gửi khách hàng vượt mốc 537.000 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 15,1% và 11,3%.
Đặc biệt, dư nợ cho vay khách hàng đạt 581.000 tỷ đồng, tăng tới 19,1%, một con số vượt xa mức trung bình của ngành trong suốt 9 năm liên tiếp. Đáng chú ý, mảng tín dụng khách hàng doanh nghiệp bứt phá với mức tăng trưởng 25%.
Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,49%, một tín hiệu tích cực về chất lượng tài sản của ngân hàng. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 21,7%, cao hơn trung bình ngành ngân hàng.
Tuy nhiên, đằng sau những con số tươi đẹp ấy là những trăn trở về việc duy trì đà tăng trưởng trong bối cảnh mới. Mục tiêu tăng trưởng tổng tài sản 14% của ACB cho năm 2025 dù vẫn là một con số đáng khích lệ, nhưng lại thấp hơn mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mà Ngân hàng Nhà nước dự kiến (khoảng 16%).
Một cổ đông đã thẳng thắn bày tỏ sự băn khoăn về vấn đề này, đặc biệt là khi ACB dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%. Ông lo ngại rằng việc chia cổ tức tiền mặt cao có thể làm suy giảm nội lực tài chính của ngân hàng, ảnh hưởng đến khả năng mở rộng quy mô tài sản trong dài hạn.
Chủ tịch ACB, ông Trần Hùng Huy đã ghi nhận ý kiến này và giải thích rằng, việc chia cổ tức là một bài toán cân bằng lợi ích giữa cổ đông và sự phát triển bền vững của ngân hàng trong trung và dài hạn. Phía HĐQT ACB đã cân nhắc nhiều yếu tố để tối ưu hóa vốn của cổ đông, không chỉ trong ngắn hạn.
Một điểm đáng chú ý khác trong chiến lược phát triển của ACB là sự dịch chuyển sang mảng khách hàng doanh nghiệp lớn trong hai năm gần đây. Lãnh đạo nhà băng này khẳng định đây là một chiến lược thành công, đặc biệt trong bối cảnh mảng khách hàng cá nhân chịu ảnh hưởng sau đại dịch Covid-19.
Mặc dù tăng trưởng mạnh ở phân khúc doanh nghiệp lớn, ACB vẫn duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp, cho thấy sự thận trọng trong quản lý rủi ro.
Bên cạnh đó, ACB cũng thể hiện sự chủ động trong việc đa dạng hóa nguồn vốn huy động thông qua việc đẩy mạnh phát hành giấy tờ có giá. Phía ACB giải thích, đây là một chiến thuật hiệu quả trong bối cảnh lãi suất huy động biến động, giúp ngân hàng giảm chi phí vốn và tăng cường khả năng cho vay.
Hiện tại, năm 2025 đánh dấu sự khởi đầu của giai đoạn chiến lược 5 năm tiếp theo của nhà băng này (2025-2030). Mục tiêu hàng đầu của ACB vẫn là duy trì ROE tối thiểu 20% và từng bước gia tăng chỉ số này.
ACB xác định khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vẫn là những động lực tăng trưởng chính. Điểm mới trong chiến lược lần này là việc tăng cường đầu tư nguồn lực cho khối khách hàng doanh nghiệp, khối thị trường tài chính và các công ty con, cho thấy sự quyết tâm của ACB trong việc khai phá những tiềm năng tăng trưởng mới.

Dừng kế hoạch bán vốn ACBS
Cũng tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025, ACB thông qua mục tiêu lợi nhuận trước thuế 23.000 tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm 2024. Ngân hàng kỳ vọng tăng tổng tài sản lên gần 985.000 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng 16% và duy trì nợ xấu dưới 2%.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, ACB đặt trọng tâm vào việc chuyển đổi số và nâng cao năng lực công nghệ thông tin. Đây được xem là yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng.
Một thông tin đáng chú ý khác là ACB sẽ phát hành tối đa 20.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ trong năm 2025. Mục đích là nhằm phục vụ nhu cầu cho vay, đầu tư và đảm bảo tuân thủ các chỉ tiêu an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Với câu chuyện tìm kiếm cổ đông chiến lược cho Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), Chủ tịch Trần Hùng Huy chia sẻ, ngân hàng đã có thời gian làm việc với các đối tác tiềm năng, nhưng chưa tìm được sự phù hợp và đã dừng lại quá trình này.
Thời gian gần đây, ACB liên tục tăng vốn cho ACBS từ 7.000 tỷ lên 10.000 tỷ đồng. Mới nhất, ngân hàng đã tăng vốn cho ACBS lên 11.000 tỷ đồng.
Theo người đứng đầu nhà băng, việc tăng vốn có hai cấu phần. Cấu phần đầu tiên, ACB tăng vốn cho ACBS để tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh và trở thành một trong 5 công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất thị trường.
Cấu phần còn lại là có thể khai thác tiềm năng lớn trong hệ sinh thái của ACB và ACBS, sẽ cộng hưởng tất cả những hoạt động trên. Với 1.000 tỷ đồng tăng thêm gần đây, ACB tăng cho công ty con của ACBS là một công ty quản lý quỹ.
"Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ có những sản phẩm về đầu tư, cũng như sản phẩm mới cung cấp đến khách hàng cá nhân", Chủ tịch ACB khẳng định.
Trong năm 2025 và 2026, ACB tập trung vào việc hoàn thiện năng lực cạnh tranh của ACBS để cung cấp các sản phẩm tài chính chất lượng hơn cho thị trường.
Về vấn đề tăng cường nhận diện thương hiệu đối với giới trẻ, lãnh đạo ACB thừa nhận đây là một lĩnh vực mà ngân hàng cần chú trọng hơn trong tương lai. Ngân hàng sẽ có những kế hoạch cụ thể để tiếp cận và xây dựng mối quan hệ với phân khúc khách hàng tiềm năng này.
ACBS ‘mạnh tay’ rót vốn vào VIB
ACB tái bổ nhiệm ông Từ Tiến Phát làm tổng giám đốc
Ông Từ Tiến Phát cùng ban lãnh đạo đã lèo lái ACB liên tục có những bước tiến ấn tượng trong suốt những năm vừa qua.
Tại sao lợi nhuận ACB suy giảm trong quý III?
ACB cho biết, quý III ngân hàng tập trung tái cơ cấu các khoản nợ, kiểm soát nợ xấu sau khi đã tăng trưởng rất nhanh trong 2 quý đầu năm.
ACB đẩy mạnh huy động vốn
ACB vừa huy động thêm 15.000 tỷ đồng qua kênh trái phiếu trong bối cảnh ngân hàng được NHNN cấp thêm room tín dụng.
Tái cấu trúc danh mục đầu tư trước biến cố thuế quan Mỹ
Dù mức thuế quan cao mà Mỹ dự kiến áp dụng sẽ đưa nền kinh tế Việt Nam vào những biến động khó lường, các chuyên gia vẫn chỉ ra những điểm sáng đầu tư về trung, dài hạn.
Tín dụng tăng mạnh ngay từ đầu năm
Trong ba tháng đầu năm 2025, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đạt mức 2,5% so với cuối năm 2024, cao gấp gần 10 lần so với mức tăng cùng kỳ năm trước.
UOB cấp tín dụng xanh cho Navico thúc đẩy thủy sản bền vững
UOB Việt Nam đã tài trợ 19 dự án tài chính xanh trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, sản xuất, nông nghiệp và thủy sản bền vững.
NCB báo lãi quý I/2025, hoạt động kinh doanh tăng trưởng tích cực
NCB ghi nhận lợi nhuận dương trong quý I/2025 với các chỉ tiêu kinh doanh tăng trưởng tích cực, các chỉ số an toàn tài chính có sự cải thiện tốt.
Dragon Capital: Doanh nghiệp niêm yết ít bị ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách thuế quan mới của Mỹ
Đại diện Dragon Capilal nhìn nhận các doanh nghiệp xuất khẩu niêm yết sẽ không quá ảnh hưởng bởi các chính sách thuế quan mới của ông Donald Trump.
ACB xây 'thành trì' khách hàng chắn bão thuế quan
Liệu con tàu ACB có thể về đích, khi liên tục xuất hiện những cơn gió ngược như Mỹ áp thuế đối ứng, hay bóng ma chiến tranh thương mại ngày một hiện hữu?
Tái cấu trúc danh mục đầu tư trước biến cố thuế quan Mỹ
Dù mức thuế quan cao mà Mỹ dự kiến áp dụng sẽ đưa nền kinh tế Việt Nam vào những biến động khó lường, các chuyên gia vẫn chỉ ra những điểm sáng đầu tư về trung, dài hạn.
Thủ tướng chỉ đạo nóng về loạt dự án đường sắt
Thủ tướng yêu cầu cụ thể về một số dự án đường sắt trọng điểm như Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam, đường sắt đô thị Hà Nội.
Mỹ áp thuế ảnh hưởng thế nào đến thị trường bất động sản
Bất động sản công nghiệp và nhà ở tầm trung sẽ là hai phân khúc chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nếu Mỹ áp thuế cao đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Bị coi là ‘thủ phạm gây ô nhiễm’, ngành nhựa thích ứng thế nào?
Ngành nhựa tìm cách hóa giải thách thức, tận dụng cơ hội từ xu thế tiêu dùng bền vững đang lên ngôi tại các thị trường tiên tiến.
Vòng vây ESG và lựa chọn tất yếu của DEEP C, Sợi Thế Kỷ
Trách nhiệm ESG không còn dừng ở phạm vi nội bộ doanh nghiệp mà trải dài cả chuỗi cung ứng, từ nguyên liệu đầu vào cho đến phân phối sản phẩm.
BUV đầu tư thêm ít nhất 80 triệu USD vào Hưng Yên
Tổng mức đầu tư của BUV vào Hưng Yên có thể lên tới 165 triệu USD, khi đơn vị này mở rộng giai đoạn ba, nâng khả năng giảng dạy lên 10.000 sinh viên.