Khởi nghiệp
AgriBiz và ước mơ số hóa ngành nông nghiệp
Ý tưởng đưa nông sản lên nền tảng số của AgriBiz được kỳ vọng sẽ giúp nông dân Việt kết nối trực tiếp với nhiều doanh nghiệp nước ngoài, tạo đầu ra bền vững thay vì phụ thuộc vào thương lái truyền thống.
Trăn trở nghề nông “trăm đường vẫn thiệt”
Đầu tháng 8/2019, thị trường trong nước chứng kiến cơn “sốt nóng” của thịt lợn tại các siêu thị và chợ dân sinh. Giá bán lợn hơi leo thang “chóng mặt” với mức tăng 20.000 - 30.000 đồng/kg, trong khi giá thương lái thu mua tại các khu vực chăn nuôi trọng điểm tăng dần từ 2.000 - 5.000 đồng/kg.
Đáng tiếc lợi nhuận trong chuỗi sản xuất không rơi vào người chăn nuôi mà chủ yếu về túi thương lái và thương nhân. Niềm vui “được giá” chưa thấy, nông dân đã phải “ngậm đắng” mất mùa khi dịch tả lợn châu Phi khiến hơn 3 triệu con heo bị tiêu hủy, thiệt hại tương đương 10% quy mô tổng đàn trên cả nước.
Nhiều hộ bất lực mất trắng phân nửa đàn, không có hàng để bán trong khi giá tiêu thụ liên tục vượt đỉnh.
Ngay cả khi được mùa, nhà nông cũng không khá hơn. Bình Thuận là khu vực trồng thanh long lớn nhất cả nước với sản lượng trên 550.000 tấn/năm. Năm 2015, loại trái cây chủ lực này của vùng từng rớt giá thê thảm dù đang chính vụ. Nhiều nhà vườn “cắn răng” bán tháo với giá chỉ 500 - 3.000 đồng/kg.
Sang năm 2020, số phận thanh long tiếp tục “điêu đứng” vì Covid-19. Đại dịch toàn cầu chặn đứng gần như toàn bộ giao dịch thương mại xuyên biên giới, trong khi 80% đầu ra thanh long của Bình Thuận phụ thuộc xuất khẩu và đi theo đường mua bán biên mậu với thương nhân Trung Quốc.
Không chỉ câu chuyện của trái thanh long, nhiều nông sản Việt khác như xoài, dưa hấu, mít, hồ tiêu… trông cậy phần nhiều vào thương lái.
Ngặt nghèo hơn, có những hộ chỉ duy trì 1 - 2 mối thu mua chính mỗi khi vào mùa. Đầu ra thị trường và nguồn vào thông tin chủ yếu qua thương lái trung gian.
Bởi lẽ đó, nông dân khó có thể chủ động trong việc định giá hay điều chỉnh canh tác khi thị trường có biến động.
“Trong khâu thương mại hóa, mối liên hệ giữa các đối tác trong chuỗi nông sản vẫn còn lỏng lẻo và phát sinh chi phí cao, ví dụ như khâu logistic và hao hụt lãng phí khi vận chuyển. Bài toán được mùa mất giá, được giá mất mùa thường xuyên diễn ra do người nông dân không nắm được nhu cầu và xu hướng của thị trường”, bà Lê Lan Anh, đồng sáng lập công ty nông nghiệp MimosaTEK chia sẻ.
Chính bà Lan Anh cũng từng đau đáu trước bài toán này và quyết định hành động với MimosaTEK. Dự án ra đời năm 2014 sử dụng các thiết bị tự động để tăng năng suất, tối ưu hóa tài nguyên và giảm chi phí sản xuất cho nông dân, đồng thời lấn sân sang quản lý vùng nguyên liệu.
Trong số các dự án nông nghiệp của Việt Nam, MimosaTEK là cái tên hiếm hoi lọt nhóm 10 công ty trên toàn cầu nhận giải thưởng "Securing Water for Food 2017" của USAID cho công nghệ tiết kiệm nước tưới dùng hệ thống IoT.
Tuy nhiên, lời giải của MimosaTEK tập trung giải quyết vấn đề ở khâu canh tác. Về đầu ra của nông sản, những “cánh chim đầu đàn” của giới startup nông nghiệp vẫn trông ngóng sự xuất hiện của các sáng kiến mới để cùng chung sức thay đổi tương lai ngành nông nghiệp nước nhà.
Từ số 0 đến ước mơ số hóa nông nghiệp
AgriBiz của Lạc Tú Châu là một ứng dụng cung cấp thông tin minh bạch về nông sản, kết nối trực tiếp doanh nghiệp nước ngoài và nông dân tại Việt Nam.
Bước ra từ chương trình khởi nghiệp tăng tốc “NINJA Accelerator" tại TP.HCM, AgriBiz là startup vòng tiền hạt giống được bà Lan Anh trực tiếp hướng dẫn và đồng hành.
Đây cũng là sáng kiến khởi nghiệp non trẻ nhất trong nhóm năm dự án được “rót vốn” nhiều nhất tại sân chơi gọi vốn giả định NTUit.io Investment Game diễn ra cuối chương trình.
“Xuất phát từ ý tưởng tạo nên một mô hình kết nối nhà cung cấp nông sản Việt với người thu mua nước ngoài, chúng tôi đã quyết định 'dấn thân' vào hành trình 9 tháng của NINJA Accelerator để tìm kiếm lời khuyên và bài học thực tiễn từ các cố vấn giàu kinh nghiệm. Tất cả thành viên chưa có nhiều chuyên môn trong huy động vốn hay phát triển công nghệ nên đây cũng là chương trình tăng tốc khởi nghiệp đầu tiên mà chúng tôi tiếp cận để tạo bàn đạp trưởng thành cho dự án”, Tú Châu bộc bạch.
Khởi nghiệp về công nghệ nhưng kiến thức về lập trình, đặc biệt là mạng lưới kết nối của AgriBiz, gần như bằng 0. Đội ngũ quyết định thuê ngoài các dịch vụ liên quan tới công nghệ thông tin trong giai đoạn đầu.
Nhóm động viên nhau vượt qua thời gian bỡ ngỡ để tìm người đi trước trong lĩnh vực chuỗi cung ứng, nông nghiệp và công nghệ.
Ba người trẻ cũng mạnh dạn chạy xe hàng chục cây số đến từng hợp tác xã ở mỗi vùng để tìm hiểu kỹ hơn khó khăn của nông dân.
“Nhà nông Việt Nam vẫn lựa chọn ‘ăn chắc mặc bền’ trong việc bán hàng cho thương lái Trung Quốc. Vì họ mua hàng nhanh, giá cao, nhưng không đảm bảo được mối làm ăn lâu dài với người bán.
Do vậy, đã và đang tồn tại nhiều câu chuyện xoay quanh cách làm ăn gây hại lên ngành nông nghiệp Việt Nam. Lối mòn đó khiến nông dân bỏ qua suy nghĩ tạo ra giá trị cho sản phẩm của mình, vì thế mà vô tình bỏ lỡ cơ hội đến với các thị trường xuất khẩu tiềm năng”, Tú Châu nhận định.
Mang tham vọng giải quyết bài toán lớn, ít ai ngờ rằng các thành viên của AgriBiz vẫn đang ngày ngày miệt mài trên ghế giảng đường. Song song với việc học tại Đại học RMIT Việt Nam, Tú Châu có trong tay một số kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực chế biến và xuất nhập khẩu nông sản.
Đối diện nhiều khó khăn trong quá trình tìm mua và xuất khẩu nguyên liệu, Châu ấp ủ giấc mơ startup đưa nông sản nội địa vươn tầm thế giới. Qua Hult Prize on Campus – cuộc thi được ví như “nobel Khởi nghiệp dành cho sinh viên” tại trường, Châu phát hiện tài năng trẻ ngành kinh doanh quốc tế Lê Khắc Yến Nhi (sinh năm 2001) và nhanh chóng kéo Nhi về cùng đội.
Startup về nông nghiệp là một lĩnh vực đặc thù, không chỉ cần chuyên môn mà còn cần cả sự kiên trì và quyết tâm. Từng thất vọng nhiều lần khi không tìm được đủ nhân sự đồng hành, Châu tìm đến tiến sĩ Reza Akbari – một chuyên gia về quản lý hậu cần và chuỗi cung ứng nhờ tư vấn.
Qua giới thiệu, Châu gặp Hà Tuấn Nghiệp và ngay lập tức bị thuyết phục bởi sự thẳng thắn và chân thành hiếm thấy. Nhờ quan sát việc khai thác nông sản của gia đình mình, Nghiệp hiểu cái khó từ cả hai phía: nhà nông và doanh nghiệp.
“Chúng tôi thông cảm sâu sắc với người nông dân Việt Nam khi họ rơi vào cảnh chỉ dựa duy nhất vào một nguồn thu mua, và không thể tiếp cận kênh mua mới nếu cứ theo cách làm truyền thống. Điều này sẽ làm nản lòng người làm nông tại Việt Nam về lâu dài, khi mà sản phẩm trồng được không thể bán đi và đến tay người tiêu dùng”, Tuấn Nghiệp cho biết.
Thêm “hộ chiếu” cho nông sản Việt
Việc xuất khẩu nông sản trong và sau đại dịch sẽ không còn như trước. Công ty nước ngoài có thể tiếp cận nhà cung cấp nguyên liệu theo thông tin truyền miệng, hoặc tìm hiểu sơ bộ và chờ thời điểm an toàn mới đến tham quan tận nơi. Việc di chuyển sẽ đội thêm chi phí cho bên mua, cho dù mấu chốt sau cuối vẫn nằm ở khả năng truy xuất thông tin nguồn gốc rõ ràng.
Để đi xa, nông sản Việt cần nhiều hơn một chiếc tem thực phẩm sạch. Nhằm đảm bảo thông tin nông nghiệp là chính xác khi đưa lên ứng dụng, AgriBiz làm việc với các hợp tác xã đạt chứng nhận an toàn như VietGAP, GlobalGAP, đồng thời kết hợp với các đối tác tin cậy để đo lường thông số và xác minh chất lượng của sản phẩm.
Mọi chỉ số của một sản phẩm nông nghiệp cụ thể sẽ được hiển thị trên ứng dụng, bao gồm: diện tích trồng trọt, khối lượng sản xuất, giá thành, cảm biến pH và chất lượng của đất và nước, loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (nếu có) sử dụng trong canh tác… AgriBiz sẽ thống kê và sàng lọc đầy đủ các tiêu chí của từng vùng nông nghiệp và xây dựng kho dữ liệu cập nhật liên tục.
Công ty nước ngoài có thể chủ động tìm kiếm nguồn cung ứng đủ tiêu chuẩn tại Việt Nam theo địa điểm, ngân sách và loại nông sản cần mua. Ứng dụng cũng cung cấp một danh mục nông sản Việt để tăng cường quảng bá nguồn hàng trong nước.
Trong khi đó, các hộ làm nông và hợp tác xã địa phương sẽ có cơ hội “chào hàng” trực tiếp với doanh nghiệp ngoại, thay vì chỉ trông vào thương lái hay vựa thu mua quen mặt từ trước.
Sau những tác động của Covid-19 lên chuỗi cung ứng toàn cầu, ý tưởng của AgriBiz càng cho thấy tính khả thi và thiết thực khi giải quyết trúng “nút thắt” thị trường.
“Chúng tôi kỳ vọng giải pháp AgriBiz sẽ gia tăng chuỗi giá trị cho nông nghiệp Việt Nam. Vì khi đã có được thông tin minh bạch hằng ngày về sản phẩm từ phía nhà cung cấp, bên mua sẽ dễ dàng hơn trong việc truy xuất nguồn gốc và tạo mối hàng. Lúc này việc ký kết hợp đồng mua bán giữa hai bên chỉ còn là vấn đề thời gian”, Yến Nhi chia sẻ.
Đánh giá về tiềm năng của “đàn em” sau nhiều tháng đào tạo trong chương trình NINJA Accelerator, bà Lan Anh cho biết, vấn đề AgriBiz đang nỗ lực giải quyết sẽ giúp bà con nông dân và các hợp tác xã biết được nhu cầu của thị trường quốc tế, từ đó tổ chức sản xuất phù hợp và có thu nhập cao hơn.
"Tôi hi vọng thành công hứa hẹn của AgriBiz nói riêng và các startup lĩnh vực này nói chung sẽ giúp nền nông nghiệp Việt Nam phát triển tốt hơn, xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững”, bà Lan Anh nói.
Những khát vọng khởi nghiệp sinh ra từ xứ Nghệ
Tân Long: Tập đoàn nông nghiệp tỷ USD đầu tư vào bóng đá
Tập đoàn Tân Long là một trong những nhà phân phối nguyên liệu và nhập khẩu chế phẩm thức ăn chăn nuôi hàng đầu Việt Nam với quy mô doanh thu gần 2 tỷ USD mỗi năm.
Ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp bền vững
Công nghệ, đổi mới sáng tạo là giải pháp tối ưu để phát triển bền vững ngành nông nghiệp.
Nông nghiệp 'thuận thiên' ở đồng bằng sông Cửu Long
Chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo quan điểm “thuận thiên” của Nghị quyết 120/NQ-CP là chìa khóa để đảm bảo sinh kế cho đồng bào vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Người truyền cảm hứng cho nền nông nghiệp hữu cơ
Có một doanh nhân đang nỗ lực xây dựng một doanh nghiệp nông nghiệp theo triết lý “nông nghiệp vì sự sống và sự công bằng”, theo đuổi “nghiệp hữu cơ” đầy gian nan nhưng với niềm tin mãnh liệt. Đó là ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Vinamit.
Aqua City của Novaland được gỡ vướng
Sau hơn hai năm đình trệ xây dựng do vướng vấn đề pháp lý, dự án Aqua City do Tập đoàn Novaland phát triển tại Đồng Nai đã thoát bế tắc.
Để không phải hối tiếc trong sự nghiệp sau tuổi 35
Việc chủ động phát triển bản thân, xây dựng và duy trì các mối quan hệ cùng thái độ cởi mở với thay đổi là những yếu tố quan trọng.
Hạnh phúc trong giáo dục: Xu hướng toàn cầu và ứng dụng tại Việt Nam
Hội thảo “Hạnh phúc trong Giáo dục” 2024 là cơ hội để nhà lãnh đạo giáo dục, giáo viên, và phụ huynh cùng thảo luận, khám phá những giải pháp xây dựng môi trường học đường tích cực, bền vững.
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Cơ hội lớn hay thách thức vượt tầm doanh nghiệp Việt?
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được kỳ vọng sẽ thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông và tạo cú hích lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, dự án này cũng đặt ra nhiều câu hỏi về khả năng tham gia của nhà thầu xây dựng trong nước.
VinFast Energy, Schneider Electric và ESEC cùng thúc đẩy pin lưu trữ
VinFast Energy, Schneider Electric và ESEC hợp tác thúc đẩy giải pháp pin lưu trữ và quản lý năng lượng, hướng đến một tương lai bền vững.
WinMart cùng 11 thương hiệu 'tung' ưu đãi khủng mừng sinh nhật 10 tuổi
WinMart kỷ niệm 10 năm với đại sứ WINNIE, ưu đãi hấp dẫn từ 11 thương hiệu lớn trong Tuần lễ thương hiệu diễn ra từ ngày 21/11 đến 4/12.
Sức hút của môi trường làm việc đa dạng và hòa nhập
Xây dựng môi trường làm việc đa dạng và hòa nhập không chỉ mang đến nhiều cơ hội cho tất cả mà còn tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.