Amcham chỉ ra nút thắt nguồn vốn cho chuyển dịch năng lượng

Kiều Mai - 11:10, 23/03/2023

TheLEADERTheo Amcham, điều quan trọng để thu hút đầu tư trong nước và quốc tế vào năng lượng bền vững là các hợp đồng mua bán điện có khả năng vay vốn ngân hàng.

Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (Amcham) trong báo cáo tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) mới đây đánh giá Việt Nam có thể huy động khoản đầu tư lớn theo dự án trong năng lượng sạch từ khu vực tư nhân nếu cơ chế quản lý cho phép.

Vấn đề để thu hút đầu tư là các hợp đồng mua bán điện cần có khả năng vay vốn ngân hàng đối với nguồn năng lượng bền vững.

“Tín dụng xanh cung cấp mức giá ưu đãi cho các nhà đầu tư tư nhân để giảm thiểu phát thải CO2, nhưng khung pháp lý cần được cập nhật để làm rõ các tiêu chí phê duyệt tín dụng xanh”, Amcham nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA) là một cơ chế quan trọng để thu hút các nhà đầu tư, không chỉ trong lĩnh vực năng lượng mà còn trong các lĩnh vực khác.

Cơ chế này đã được sử dụng ở nhiều quốc gia, và được kỳ vọng sẽ có thể có hiệu lực tại Việt Nam trong năm nay. Việc phê duyệt cơ chế DPPA có thể mang lại hàng tỷ USD đầu tư từ khu vực tư nhân.

Amcham cho biết, năm 2022, các công ty tư nhân ở châu Á – Thái Bình Dương đã ký DPPA với công suất kỷ lục 7GW, tăng 80% so với năm 2021, thể hiện sự sẵn sàng thúc đẩy đầu tư năng lượng sạch mới.

Ngoài ra còn có nhiều nguồn lực khác để hỗ trợ tài chính cho việc Việt Nam loại bỏ nhiên liệu hóa thạch.

“Chúng tôi khuyến khích các cơ quan có thẩm quyền xem xét thêm khung pháp lý phù hợp, dễ tiếp cận để cung cấp các dự án điện khí ngoài khơi, LNG, điện gió, điện mặt trời, và hệ thống truyền tải chất lượng cao với nhu cầu vốn đáng kể từ thị trường quốc tế”, Amcham đề xuất.

Ngoài ra, đại diện các doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam cũng kêu gọi các cơ quan chức năng tiếp tục cho phép các khu công nghiệp tạo điều kiện tiếp cận năng lượng tái tạo cho các doanh nghiệp thuê bên trong.

Nguyên nhân là bởi tiêu chí quan trọng đối với nhiều nhà sản xuất Mỹ khi quyết định lựa chọn Việt Nam hay các quốc gia khác, là khả năng nhanh chóng tiếp cận nguồn năng lượng tái tạo. Kế hoạch mở rộng các cơ sở hiện tại hoặc di chuyển chuỗi cung ứng phải bao gồm năng lượng xanh.

Liên quan đến điện gió ngoài khơi – nguồn năng lượng có thể đóng vai trò là nguồn đóng góp phụ tải nền, Amcham cho rằng, Việt Nam phải giải quyết những bất cập trong hệ thống pháp lý hiện tại để giải phóng nguồn vốn quốc tế đáng kể hiện đang chưa được khai thác hiệu quả.

Trong trường hợp không có quyền tài sản phù hợp, các hợp đồng mua bán điện và các cam kết nối lưới, các chủ đầu tư dự án có thể không được sử dụng khu vực biển làm tài sản thế chấp (trong khuôn khổ gói tài sản đảm bảo) với các đơn vị cho vay.

Thực tế cho thấy việc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam trở nên cấp thiết, bởi tốc độ tăng trưởng nhanh của nền kinh tế, cùng với quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa đang diễn ra. Việc chuyển dịch sang năng lượng tái tạo sẽ là động cơ lâu dài cho vấn đề việc làm, đồng thời là cách để giải quyết ô nhiễm không khí.

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên gia hạn đóng góp do quốc gia tự quyết định đối với Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu năm 2020, cam kết giảm phát thải khí nhà kính.

Để đạt được mục tiêu phát thải ròng carbon bằng 0 vào năm 2050, Amcham đánh giá Việt Nam cần phải ưu tiên các nguồn năng lượng có giá cả phải chăng và bền vững về mặt xã hội. Quá trình này sẽ yêu cầu hỗ trợ tài chính và kỹ thuật từ các nguồn lực bên ngoài.

Giữa tháng 12 năm ngoái, Việt Nam cùng nhóm các nước đối tác quốc tế (International Partners Group – IPG), đứng đầu là Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh, đã thiết lập thỏa thuận Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (Just Energy Transition Partnership – JETP).

Thông qua JETP Việt Nam, các đối tác cam kết huy động ít nhất 15,5 tỷ USD trong vòng 3 - 5 năm tới để hỗ trợ nhu cầu chuyển dịch năng lượng của Việt Nam, phù hợp với khuôn khổ của quốc gia này về quản lý nợ công và nợ nước ngoài.