An ninh năng lượng đối mặt nhiều thách thức

Nguyễn Cảnh - 08:58, 23/01/2024

TheLEADERNguy cơ thiếu điện trong giai đoạn 2024 - 2025 và các năm tiếp theo là hiện hữu nếu không có các giải pháp khả thi và kịp thời.

An ninh năng lượng đối mặt nhiều thách thức
Vẫn tiềm ẩn nguy cơ thiếu điện. Ảnh minh họa: Hoàng Anh

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định, việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng thời gian qua còn nhiều hạn chế, vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia đối mặt nhiều thách thức.

Theo đó, có tới 3 trong 6 chỉ tiêu chủ yếu đánh giá đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia đang biến động bất lợi. 

Cụ thể, đối với than, dầu, khí tự nhiên, tỷ số trữ lượng và sản xuất ngày càng giảm, trong khi phụ thuộc vào nhập khẩu và tỷ trọng chi phí nhập khẩu trong tổng thu nhập quốc nội ngày càng tăng.

Tỷ lệ nhập khẩu năng lượng sơ cấp trong tổng cung cấp năng lượng đã tăng từ 8,4% năm 2015 lên 48% năm 2020. 

Trong khi đó, trữ lượng thủy điện cơ bản đã khai thác hết; sản xuất than thiếu năng lực mở rộng, tỷ trọng sản lượng khai thác lộ thiên giảm chỉ chiếm 35 - 40% tổng sản lượng khai thác toàn ngành.

Tương tự, liên quan tới dầu khí, ghi nhận tình trạng sản lượng ở một số mỏ lớn đang suy giảm nhanh cùng với việc khó khăn trong phát triển mỏ mới trên Biển Đông.

Cơ cấu nguồn và phát triển các nguồn điện chưa cân đối và sát với thực tế, chưa tính toán hợp lý trong tổng thể phát triển của cả hệ thống. 

Đơn cử, dù tăng nhanh và tập trung chủ yếu ở miền Trung, miền Nam nhưng điện năng lượng tái tạo chưa đồng bộ với khả năng truyền tải và chưa có hệ thống dự phòng, lưu trữ dẫn đến tình trạng quá tải lưới ở một số địa phương.

Việc huy động nhiều nguồn điện tái tạo với giá khá cao đã và đang làm tăng giá điện, gây khó khăn trong điều độ, điều tiết hệ thống điện lực quốc gia.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc tích tụ những tồn tại, hạn chế này trong thời gian dài đã dẫn đến tình trạng thiếu điện ở miền Bắc vào đầu tháng 6/2023 ảnh hưởng xấu đến sản xuất và đời sống của người dân. 

Thậm chí, nguy cơ thiếu điện trong giai đoạn 2024 - 2025 và các năm tiếp theo là hiện hữu nếu không có các giải pháp hữu hiệu, kịp thời.

Trong một diễn biến mới nhất, tính toán của EVN cho thấy, theo các kịch bản đề ra về nhu cầu phụ tải lẫn tăng trưởng nguồn, khu vực miền Bắc đang đối diện nguy cơ thiếu điện vào các tháng cao điểm mùa khô năm nay.

Một thực tế khác dẫn tới thách thức trong đảm bảo an ninh năng lượng là hiệu quả khai thác, sử dụng năng lượng còn thấp. Cụ thể, hệ số thu hồi dầu khí chưa cao, hệ số thu hồi than sạch tuy có cải thiện nhưng vẫn thấp nhất là trong khai thác hầm lò.

Hệ số đàn hồi năng lượng năm 2021 gần 1,4 - mức cao so với nhiều nước trên thế giới. Tỷ trọng tiêu thụ điện năng trong cơ cấu tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng tăng từ khoảng 26% năm 2015 lên 28% vào năm 2020 đặt ra thách thức về đảm bảo cung ứng điện.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng ngành năng lượng còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Việc triển khai các dự án nguồn điện, lưới điện bị kéo dài do vướng mắc về quy hoạch, cơ chế chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đền bù, giải phóng mặt bằng; dự phòng lưới điện còn chưa đáp ứng tiêu chí N-1 ở một số khu vực quan trọng.

Kho dự trữ quốc gia xăng dầu của Nhà nước và hệ thống dự trữ quốc gia về than, khí thiên nhiên chưa được thiết lập.

Trình độ công nghệ, tỷ lệ nội địa hóa máy móc, thiết bị năng lượng chậm được nâng cao, phụ thuộc nhiều vào nhà cung cấp nước ngoài; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Đáng chú ý, bất cập trong quá trình thực hiện pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 còn thể hiện ở tình trạng chưa kiên quyết, kịp thời triển khai đầy đủ, đồng bộ các giải pháp đề ra tại các nghị quyết liên quan đến lĩnh vực năng lượng của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đối với thực hiện Nghị quyết 61 năm 2022 của Quốc hội, đến 20/9/2023 mới có 13/63 quy hoạch tỉnh được phê duyệt, trong khi đó còn chờ ban hành kế hoạch thực hiện, do đó sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai dự án năng lượng tại địa phương.

Đối với Nghị quyết 74 năm 2022 của Quốc hội, thực tế cho thấy vẫn chưa hoàn thành phân loại và xây dựng kế hoạch, lộ trình, làm rõ trách nhiệm, xử lý sai phạm, tiêu cực, các tồn tại, hạn chế, thất thoát, lãng phí đối với các tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến 13 dự án, chuỗi dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, than, dầu khí chậm tiến độ đã rà soát, xử lý.

Trong danh mục 13 dự án nêu trên có sáu nhà máy nhiệt điện (Quảng Trạch, Sông Hậu 1, Nhơn Trạch 3 và 4, Vũng Áng II, An Khánh); ba nhà máy thủy điện (Hòa Bình mở rộng, Ialy mở rộng, Hồi Xuân); ba chuỗi khí – điện (Lô B, Cá Voi Xanh, Sơn Mỹ) và nhà máy lọc dầu Dung Quất nâng cấp, mở rộng.