Ba câu hỏi lớn của Thủ tướng cho ngành du lịch

Hứa Phương - 18:25, 12/04/2019

TheLEADERTham dự Diễn đàn nguồn nhân lực du lịch Việt Nam 2019 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt ba câu hỏi lớn đối với các bộ ngành và doanh nghiệp về thu hút nhân lực trong ngành du lịch.

Phần lớn khách sạn 5 sao ở Việt Nam đều dùng nhân lực ngoại

Tại Diễn đàn nguồn nhân lực du lịch Việt Nam 2019 do Sở Du lịch TP. HCM phối hợp với với Đại học Hoa Sen tổ chức, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel cho biết, nguồn nhân lực phục vụ buồng phòng thiếu nghiêm trọng. 

Các trung tâm du lịch lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng... lao động du lịch rất thiếu. Tại những trung tâm trọng điểm du lịch khâu đào tạo còn quá yếu, trong khi các cơ sở đào tạo chính lại nằm ở những thành phố lớn.

Ba câu hỏi của Thủ tướng về thu hút nhân lực trong ngành du lịch
Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel

Ông Kỳ dẫn số liệu của Hiệp hội Lữ hành thế giới, mỗi năm cần 40.000 lao động tại Việt Nam. Một năm cần 10.000-15.000 lao động cho dịch vụ lưu trú, tuy nhiên lượng sinh viên được đào tạo ra thấp hơn rất nhiều.

Các doanh nghiệp lữ hành sử dụng khoảng 20.000 lao động, 40.000 hướng dẫn viên, con số này gần như không thể đảm nhiệm nổi phục vụ cho khách du lịch, đặc biệt là du khách quốc tế nói ngoại ngữ.

Ví dụ ở các thành phố như Nha Trang, Đà Nẵng... có nhiều du khách nói tiếng Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... Các công ty lữ hành khi tuyển dụng vào thì hầu như phải đào tạo lại ít nhất 6 tháng, muốn đào tạo lành nghề phải mất 12 tháng. Ông Nguyễn Quốc Kỳ đưa ra kiến nghị, ngành du lịch cần quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, phải có chiến lược đào tạo rõ ràng. Hầu như khách sạn 5 sao đều dùng nhân lực nước ngoài.

Còn ông Võ Anh Tài, Phó tổng giám đốc điều hành Saigontourist chia sẻ, nguồn nhân lực luôn đóng vai trò quan trọng trong ngành du lịch, đặc biệt khi ngành du lịch Việt Nam đã, đang và sẽ tạo sức hấp dẫn cao đối với du khách trong nước và quốc tế, trong giai đoạn hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới.

Tính đến nay, Saigontourist đã trải qua 44 năm hình thành và phát triển, hiện sở hữu và quản lý trên 100 khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, công ty lữ hành, trung tâm hội chợ triển lãm, sân golf, khu vui chơi giải trí, trường đào tạo du lịch...

Đơn vị có quan hệ hợp tác với hàng nghìn đối tác lớn trong nước và quốc tế. Số lượng nhân sự hệ thống Saigontourist hiện trên 17.000 cán bộ nhân viên của tất cả 54 dân tộc, hầu hết có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, yêu nghề, tự hào về thương hiệu và tận tâm với công việc. Nhân lực từ đại học trở lên chiếm tỷ lệ cao, đa số thông thạo 1-3 ngoại ngữ, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Theo ông, đây là một yếu tố rất quan trọng của Saigontourist, góp phần đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trên hai con số, giữ vững vị trí là một trong các tập đoàn du lịch hàng đầu, luôn đồng hành, góp phần tích cực trong công cuộc phát triển của du lịch Việt Nam và TP.HCM.

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, do đó quá trình đào tạo để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cần phải có mối quan hệ phối hợp chặt chẽ, nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp để cơ sở giáo dục có thể tạo ra sức mạnh tổng hợp từ nhiều ngành, nhiều lĩnh vực (lưu trú, nhà hàng, lữ hành, sự kiện, golf, giao thông vận tải, quản lý điểm đến, phát triển thị trường khách...) tham gia vào quá trình đào tạo.

Ba câu hỏi của Thủ tướng về thu hút nhân lực trong ngành du lịch 1
Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng giám đốc điều hành Saigontourist

"Chúng tôi luôn cam kết việc hợp tác sâu rộng giữa nhà trường, doanh nghiệp nhằm đào tạo và xây dựng phát triển, tạo những cơ hội tốt nhất chào đón nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao", ông Tài khẳng định.

Ông Benjamin, đại diện khách sạn - nhà hàng Vatel International (Pháp) chia sẻ tôn chỉ đào tạo của người Pháp, trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành du lịch toàn cầu. 

Ví dụ: chương trình tại Vatel yêu cầu mỗi sinh viên ra trường đều phải có sự tôn trọng, tinh thần cởi mở và ý thức gìn giữ mọi nền văn hóa. Nhân sự du lịch không chỉ cần có kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ mà còn cần có kỹ năng mềm, là một người biết lắng nghe, có tấm lòng rộng mở để tạo cảm giác thân thiện, ấm áp cho du khách. Điều này giúp cho sinh viên khi ra trường đều là những nhân sự xuất sắc của các nhà hàng, khách sạn lớn trên toàn cầu.

GS.TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen cho biết, tháng 8/2010 cả nước chỉ có 284 cơ sở tham gia đào tạo nhân lực ngành du lịch thì đến 2019, cả nước 346 cơ sở từ sơ cấp đến sau đại học. Dự báo đến 2020, nhu cầu nhân lực tăng 40% so với 2015.

Dẫn số liệu từ Tổng cục Du lịch, mỗi năm toàn ngành cần thêm 40.000 lao động nhưng chỉ có 15.000 sinh viên tốt nghiệp mỗi năm, trong đó chỉ có 12% tốt nghiệp cấp cử nhân trở lên.

Hiện nay hàng tuần Đại học Hoa Sen đều nhận đơn đề nghị về cung ứng nhân sự chất lượng cao cho các tập đoàn lớn với nhu cầu khoảng 5.000 nhân sự một năm, cả trong nước và trên thế giới.

Bà Quỳ cho rằng khái niệm nhân lực chất lượng cao, không thể gói trong khuôn khổ đại học, cao đẳng, mà phải mở ra nguồn nhân lực phải đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Có 5 vấn đề nổi cộm là: Đào tạo kiến thức liên ngành; Ngoại ngữ; Ý thức về phát triển du lịch bền vững; Tầm nhìn về phát triển công việc; Thực tập và thực hành.

Ba câu hỏi lớn của Thủ tướng

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề thay vì hỏi nguồn nhân lực có đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành du lịch thi nên đặt ngược lại là ngành du lịch liệu có đủ hấp dẫn để thu hút nhân tài vào làm việc không?

Ba câu hỏi của Thủ tướng về thu hút nhân lực trong ngành du lịch 2
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra ba câu hỏi lớn về thu hút nhân lực trong ngành du lịch

Thủ tướng lấy ví dụ trong một lần được mời ăn cơm, khi ngồi xuống bàn thì thấy đũa được xếp bên trái, điều này chứng tỏ người phục vụ đã nghiên cứu rất kỹ và biết khách thạo tay trái. Hay tại sao trẻ em ở Hội An, Sapa, thậm chí người H'mong lại rất giỏi tiếng Anh, đó là do va chạm cuộc sống nên họ tự học và thay đổi mình hàng ngày.

Việt Nam xác định du lịch là ngành mũi nhọn, vậy chúng ta đã làm gì để tương xứng, tối ưu hóa nguồn lực sẵn có? Nguồn nhân lực ở đây không phải là những người trong công ty du lịch mà đó là cộng đồng bản địa, người dân? Người dân bản địa mới là những nhân tố làm nên môi trường du lịch tốt hay không? Thủ tướng đặt câu hỏi tại diễn đàn.

“Hiện nước ta có 300 đến 400 trường đào tạo nguồn nhân lực du lịch nhưng chất lượng đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn chưa? Tôi thấy trường đào tạo của Saigontourist đào tạo rất tốt, ra trường làm việc ngay, vậy họ làm cách nào?”, Thủ tướng nêu.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng văn hóa ứng xử rất quan trọng trong ngành du lịch, như ở Hội An sáng sớm khách vào tiệm may quần áo xem xong không mua thì chủ vẫn cười vui vẻ. Hay như hội nghị Mỹ - Triều vừa rồi tổ chức ở Hà Nội có những ông, bà bán nước chè vỉa hè bê ly nước chạy đến tặng phóng viên nước ngoài đó là hình ảnh rất đẹp đối với đất nước, con người Việt Nam.

Câu hỏi thứ ba Thủ tướng đặt ra với các bộ ngành ở Trung ương là làm gì để nguồn nhân lực ngành du lịch thực sự tạo được sự đột phá?

“Một đất nước có hàng chục di sản được công nhận, hàng trăm địa điểm du lịch được đánh giá rất đẹp nhưng tại sao chỉ thu hút được 16 triệu du khách quốc tế trong năm 2019 mà không phải 40 hay 50 triệu? Tại sao chúng ta thua Thái Lan, Singapore?”, Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ cũng nêu 3 chữ “C” nòng cốt để phát triển ngành du lịch là: Con người; Cơ sở hạ tầng và Chiến lược. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành phải hành động nghiêm túc chứ không chỉ chờ địa phương rồi nêu ý kiến.