Baemin Việt Nam đang có dấu hiệu bán mình?

Việt Hưng - 14:41, 26/09/2023

TheLEADERNếu quyết định thực sự bán mình, vị thế hiện tại của Baemin Việt Nam là rất quan trọng với Grab và ShopeeFood nhằm củng cố ngôi vị số một, khi chênh lệch thị phần giữa hai ứng dụng giao đồ ăn này là không quá lớn.

Sau gần 2 năm đảm nhiệm vai trò CEO Baemin Việt Nam, ông Jinwoo Song đã nhường lại vị trí này cho bà Cao Thị Ngọc Loan - từng là CFO Baemin Việt Nam. Bà Loan trước khi gia nhập Baemin vào tháng 2/2022 từng làm việc ở PwC Việt Nam.

Biến động nhân sự thượng tầng tưởng chừng sẽ giúp Baemin Việt Nam tăng tốc, hướng tới mục tiêu gia tăng thị phần, nhưng thực chất lại đang đẩy đội ngũ Baemin vào thế khó, khi vừa phải thu hẹp quy mô, lại vừa mạnh tay cắt giảm nhân sự.

Hiện tại, Baemin đã ngừng hoạt động tại một số địa phương như: Thái Nguyên, Hội An và Bắc Ninh. Đồng thời, theo nguồn tin của TheLEADER, Baemin Việt Nam có thể cắt giảm tới hơn 50% nhân sự trong giai đoạn này.

Ban lãnh đạo công ty được cho là đang lưỡng lự giữa 2 phương án, hoặc bán mình, hoặc đóng cửa toàn bộ hoạt động tại Việt Nam.

Nguồn cơn của động thái trên đến từ việc từng xuất hiện thông tin phía Grab đã hỏi mua lại Baemin Việt Nam vào năm ngoái. Tuy nhiên, đến nay thương vụ vẫn chưa diễn ra.

Khi được hỏi về thông tin trên, phía Baemin Việt Nam từ chối đưa ra bình luận.

Trong khi đó, FoodPanda - một thương hiệu giao đồ ăn chung công ty mẹ với Baemin Việt Nam là Delivery Hero đã thừa nhận đang đàm phán để bán bớt một phần hoạt động kinh doanh của mình tại khu vực châu Á, theo Bloomberg.

Một số nguồn tin cho biết, Grab có thể chi ra khoảng 1 tỷ euro để hoàn tất thương vụ này với Delivery Hero, nhưng thông tin trên chưa được kiểm chứng.

Baemin Việt Nam đang có dấu hiệu bán mình?
Cựu CEO Baemin Việt Nam - ông Jinwoo Song

Các thị trường sẽ được phía FoodPanda chuyển giao cho Grab bao gồm: Singapore, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Campuchia, Myanmar và Lào.

Sự chuyển giao này không bao gồm Việt Nam bởi FoodPanda không có hoạt động ở đây, mà thay vào đó là Baemin Việt Nam hiện chưa có động thái rõ ràng.

Điều trùng hợp là cả FoodPanda và Baemin Việt Nam trước khi xác nhận bán mình đều bắt đầu bằng việc cắt giảm nhân sự quy mô lớn. Foodpanda trước đó đã công bố quyết định giảm số lượng nhân viên trên khắp các thị trường châu Á.

Mặc dù thị trường châu Á đem về doanh thu lớn nhất cho Delivery Hero - công ty mẹ FoodPanda, nhưng khu vực này cũng đang gặp khó để duy trì đà tăng trưởng.

Thậm chí, đồng sáng lập và CEO Niklas Oestberg của Delivery Hero đã từng thừa nhận vào tháng 8/2023 rằng, công ty sẽ phải "giảm tốc độ tăng trưởng" sau nhiều năm đốt tiền nhằm tìm kiếm lợi nhuận và làm hài lòng nhà đầu tư.

Nói với Reuters về riêng thị trường Việt Nam, CEO Niklas Oestberg cho rằng, việc kinh doanh giao đồ ăn tại đây sẽ "không bao giờ có lãi".

Thực tế, những nghi ngại của lãnh đạo Delivery Hero là có cơ sở, khi những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành như Grab vẫn đang lỗ lũy kế lên tới 4.036 tỷ đồng tại Việt Nam, dù nắm trong tay thị phần lớn.

Theo số liệu từ Momentum Works, Baemin hiện nắm khoảng 12% thị phần ứng dụng giao đồ ăn tại Việt Nam, bị bỏ xa bởi những đối thủ như Grab (45% thị phần) và ShopeeFood (41% thị phần).

Tuy nhiên, nếu quyết định thực sự bán mình, vị thế của Baemin Việt Nam là rất quan trọng với Grab và ShopeeFood. Bởi Baemin Việt Nam về với doanh nghiệp nào, thì doanh nghiệp đó hoàn toàn có thể vươn lên vị trí số một dễ dàng.

Chênh lệch thị phần giữa Grab và ShopeeFood thời điểm hiện tại là không quá lớn, theo Momentum Works. Chưa kể, thị trường ứng dụng giao đồ ăn thực sự là một "sân chơi" màu mỡ, khi tổng giá trị đơn hàng trên các nền tảng giao đồ ăn ở Việt Nam đã đạt 1,1 tỷ USD trong năm 2022.

Dù có nhiều lợi thế phát triển, nhưng thị trường giao đồ ăn trực tuyến vẫn phải đối mặt với thách thức lớn nhất hiện nay, đó là sự phát triển bền vững.

Trước đây thị trường này được thúc đẩy chủ yếu bởi sự cạnh tranh mã khuyến mãi giữa các ứng dụng công nghệ. Việc đầu tư vào mã khuyến mãi giúp các ứng dụng nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường, có lượng người sử dụng đông đảo hơn và nâng cao số lượng đơn hàng.

Tuy nhiên, điểm bất cập của cuộc đua mã khuyến mãi là tạo nên một hướng đi chiếm lĩnh thị trường không bền vững và gây nên sự mất cân bằng cho thị trường mục tiêu.

"Ứng dụng nào có nhiều ưu đãi sẽ giữ chân được người dùng. Tuy nhiên nếu người dùng gắn với ứng dụng chỉ vì có khuyến mãi tốt, thì họ sẽ quay lưng khi khuyến mãi không còn", một chuyên gia trong lĩnh vực giao đồ ăn chia sẻ.

Baemin Việt Nam đang có dấu hiệu bán mình? 2
Baemin hiện nắm khoảng 12% thị phần ứng dụng giao đồ ăn tại Việt Nam

Với Baemin, dù là tên tuổi đến sau, nhưng doanh nghiệp đã sớm có được thị phần và nhiều hoạt động triển khai tại Việt Nam.

Baemin chính thức gia nhập thị trường giao đồ ăn Việt Nam vào tháng 5/2019, được vận hành bởi Woowa Brothers Việt Nam, một trong 13 thành viên liên doanh giữa Woowa Brothers tại Hàn Quốc và Delivery Hero - tập đoàn công nghệ giao đồ ăn hàng đầu thế giới, cung cấp dịch vụ tại hơn 50 quốc gia.

Trong năm 2020 và 2021, Baemin liên tục giữ vững vị trí quán quân về mức độ hài lòng của khách hàng, theo Q&Me. Bên cạnh đó, Baemin còn duy trì được độ phủ trên khắp 21 tỉnh, thành trong nước.

Cách đây không lâu, ứng dụng này đã giới thiệu sản phẩm mới Mama Woo, là thương hiệu bao gồm các sản phẩm thực phẩm được chế biến và đóng gói sẵn, mang hương vị đặc trưng Hàn Quốc.

Công ty sau đó còn "lấn sân" bán thương hiệu mỹ phẩm riêng tại Việt Nam là Lazy Bee. Đại diện Baemin cho biết, bên cạnh nhu cầu về ăn uống, lĩnh vực làm đẹp và chăm sóc sức khỏe là ngành hàng được giới trẻ Việt Nam quan tâm và đầu tư nhiều nhất.

Gần đây, Baemin Việt Nam liên tục hợp tác với các nhà sản xuất xe máy điện trong nước như Dat Bike, Selex Motors nhằm thúc đẩy các tài xế chuyển đổi xe máy xăng sang điện.

Cựu CEO Jinwoo Song từng mong muốn xây dựng hệ sinh thái xe máy điện toàn diện tại Việt Nam, bao gồm ứng dụng giao đồ ăn, nhà sản xuất xe máy điện, và tổ chức tài chính. Nhưng kế hoạch này sẽ khó được thực hiện, khi ông Jinwoo Song đã về Hàn Quốc.