Bàn cách kiểm soát căng thẳng và kiệt sức trong doanh nghiệp

Hoài An - 11:48, 28/10/2022

TheLEADERTheo chuyên gia, doanh nghiệp hiện nay cần nâng cao nhận thức về sức khỏe tinh thần tại nơi làm việc, và có các biện pháp phù hợp để kiểm soát căng thẳng của người lao động.

Báo động đỏ về trầm cảm, lo âu trong nhân viên

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thanh Tâm – Giám đốc tổ chức BasicNeeds Vietnam, đánh giá những hiện trạng như kỳ thị, bất công, lượng công việc lớn, công việc khó kiểm soát hoặc thiếu an toàn ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe tinh thần của người lao động.

WHO từng ước tính rằng mỗi năm, nền kinh tế thế giới thiệt hại 1.000 tỷ USD do trầm cảm, lo âu và các vấn đề tâm lý dẫn tới suy giảm hiệu suất làm việc.

Ở góc độ quản trị nhân sự, ông Võ Minh Tuấn – Giám đốc nhân sự Siêu Việt Group, nhận định căng thẳng và kiệt sức do công việc tạo gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp.

Lý do là bởi các yếu tố này gây phát sinh các chi phí khi tăng tỷ lệ nghỉ việc và số ngày nghỉ làm, tăng các trường hợp tố tụng liên quan đến hợp đồng lao động, hoặc chi phí cho bảo hiểm sức khỏe do tai nạn lao động.

Tại sự kiện bàn tròn doanh nghiệp “Strengthen mental health in workplace" (Tăng sức khỏe tinh thần tại nơi làm việc) mới đây, cả bà Tâm và ông Tuấn đều đồng ý và lưu ý rằng doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về sức khỏe tinh thần tại nơi làm việc, và có các biện pháp phù hợp để kiểm soát căng thẳng của người lao động.

Theo đó, các nhà quản trị cần từng bước xây dựng văn hóa chăm sóc sức khỏe tinh thần trong doanh nghiệp.

Quá trình này có thể bắt đầu đơn giản từ việc quy hoạch và thiết lập các luồng giao tiếp hiệu quả hơn trong tổ chức, hình thành văn hóa ghi nhận – khen thưởng. Doanh nghiệp cũng có thể xây dựng các chương trình, hệ thống hỗ trợ và đo lường hiệu quả từ các hoạt động này.

Công nghệ có thể khiến môi trường lao động doanh nghiệp tốt hơn

Bà Huỳnh Thị Mỹ Hồng – đại diện nền tảng GapoWork – nhận định môi trường làm việc trong thời đại 4.0 bao gồm cả văn phòng vật lý, và không gian làm việc trực tuyến.

Vì thế, doanh nghiệp cũng cần dành nguồn lực để quy hoạch không gian làm việc số tập trung, tinh gọn, linh hoạt, hiệu quả và hạnh phúc hơn.

a 1
Bà Huỳnh Thị Mỹ Hồng – đại diện nền tảng GapoWork.

Bà Hồng đánh giá khi không gian làm việc số được quy hoạch, mỗi thành viên đều sẽ có một “phân khu online riêng, chỉ dành cho công việc”, tách bạch hoàn toàn với đời sống cá nhân.

Trên không gian làm việc số này, mọi nhân sự đều dễ dàng tìm kiếm thông tin, kết nối, giao tiếp với những người ra quyết định, từ đó thúc đẩy hiệu quả công việc.

Với không gian làm việc số, nhân sự cũng có thể chủ động ngắt kết nối hoàn toàn với công việc để tái tạo và nghỉ ngơi, đem lại trạng thái tinh thần cân bằng và ổn định.

Bà Hồng cho biết thêm GapoWork hiện đang tích hợp và phát triển cùng lúc hơn 20 tính năng, giúp các doanh nghiệp nhanh chóng quy hoạch không gian làm việc số của mình. Đó cũng là nỗ lực của GapoWork để hiện thực hóa cam kết đồng hành với các doanh nghiệp trong việc kiến tạo môi trường làm việc hạnh phúc hơn cho người Việt.