Băn khoăn dòng FDI 'sơ tán' đến Việt Nam

Duy Kiên - 11:36, 12/07/2019

TheLEADERChiến tranh thương mại có khả năng gia tăng dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nhưng khả năng hấp thụ vẫn là vấn đề nan giải.

Băn khoăn dòng FDI 'sơ tán' đến Việt Nam
Xuất khẩu của Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại sẽ là cơ hội cho Việt Nam. Ảnh: VCG/Getty Images

Bắt đầu leo thang từ giữa năm 2018, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã tạo ra những ảnh hưởng đáng kể tới bức tranh kinh tế toàn cầu cũng như mỗi quốc gia.

Trong cuộc chiến “kẻ tám lạng, người nửa cân” này, Việt Nam là một trong số các nền kinh tế được nhận định sẽ hưởng lợi lớn nhờ sự dịch chuyển của các nhà sản xuất khỏi Trung Quốc, kéo theo đó là dòng đầu tư nước ngoài (FDI) chảy vào.

Căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới được đánh giá sẽ làm bộc lộ điểm mạnh và điểm yếu của nền kinh tế Việt Nam, theo PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR).

Ông nhận định dù có sự dịch chuyển các nhà máy ra khỏi Trung Quốc, những công ty tốt nhất cũng không chọn Việt Nam do Việt Nam nằm ở tầm trung trong chuỗi sản xuất của khu vực và thế giới.

"Các doanh nghiệp lớn của Mỹ, Nhật chuyển đến Malaysia, Thái Lan, Indonesia. Nguồn vốn tại Việt Nam cũng tăng lên nhưng là từ các công ty tầm trung với công nghệ tương ứng".

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cao cấp, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng tỏ ra không mấy lạc quan với khả năng hấp thụ dòng vốn FDI của Việt Nam trong bối cảnh nhiều điều kiện không tốt.

Thứ nhất là thể chế, hay là môi trường đầu tư kinh doanh. Ông Lực cho rằng, Việt Nam đã có những quyết tâm cải thiện, được quốc tế và cộng đồng trong nước ghi nhận “nhưng đâu đó vẫn có sự trì trệ”.

Thứ hai là cơ sở hạ tầng – yếu tố được các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm khi dịch chuyển sản xuất.

Hai vấn đề tiếp theo được ông Lực đề cập bao gồm tình trạng khó khăn trong tìm kiếm lao động có kỹ năng và vấn đề công nghiệp hỗ trợ trong nước. “Việt Nam có thu hút FDI những vẫn phải nhập khẩu 60 – 70% đầu vào”, ông băn khoăn.

Báo cáo kinh tế vĩ mô quý II/2019 của VEPR cho biết, trong nửa đầu năm nay, Trung Quốc tiếp tục là đối tác đầu tư lớn nhất của Việt Nam với tổng số vốn đăng ký mới đạt hơn 1,6 tỷ USD, chiếm 22,6% tổng vốn.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tăng cao và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là yếu tố khiến Trung Quốc đang đầu tư ngày càng nhiều hơn vào Việt Nam.

Tuy nhiên, VEPR nhận định, nếu không có chọn lọc, doanh nghiệp FDI Trung Quốc tiềm ẩn đem lại nhiều rủi ro về công nghệ cũ, tác động môi trường, điều kiện lao động.

Điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến quá trình cải cách thể chế của Việt Nam khi ký kết các hiệp định thương mại thế hệ mới.

Ngân hàng Thế giới (World Bank) trong báo cáo “Điểm lại” nhận định Việt Nam được cho là một trong số các thị trường hưởng lợi từ căng thẳng thương mại, ít nhất trong ngắn hạn với lợi ích ước tính rơi vào khoảng 2,2% GDP năm 2018.

Việt Nam dường như được hưởng lợi về thị phần trong một số mặt hàng khi Mỹ gia tăng thuế quan với Trung Quốc, khiến cho các mặt hàng xuất khẩu của nước này bị thu hẹp.

Những mặt hàng này bao gồm điện thoại và linh kiện, hàng may mặc và quần áo, đồ gỗ và giường tủ, sản phẩm chất dẻo và cao su.

Việt Nam cũng có thể hưởng lợi do các nhà đầu tư nước ngoài thay đổi quy mô sản xuất chế tạo, chế biến hoặc chuyển địa bàn hoặc ra khỏi Trung Quốc, World Bank nhận định.