Báo chí và doanh nghiệp hậu Covid-19

Quỳnh Chi - 12:11, 16/07/2020

TheLEADERDù trong bối cảnh nào, sự đồng hành là tất yếu trên con đường phát triển của cả doanh nghiệp và báo chí.

Báo chí và doanh nghiệp hậu Covid-19
Doanh nghiệp và báo chí đồng hành cùng phát triển

Trong bối cảnh thế giới vẫn đang trong tâm điểm của cuộc khủng hoảng Covid-19 và vẫn chưa tìm được lời giải cho câu hỏi "làm thế nào để vượt qua khủng hoảng", Việt Nam về cơ bản đã khống chế được dịch bệnh và bước vào một trạng thái bình thường mới. 

Nhiệm vụ lúc này là kiểm soát dịch bệnh nhưng quan trọng và quyết liệt hơn là phục hồi kinh tế, xã hội. Cùng với đó là chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận luồng dịch chuyển chuỗi cung ứng. Lúc này, sự đồng hành của báo chí và doanh nghiệp càng trở nên cần thiết và rõ nét. 

Thực tế cho thấy, mối quan hệ hợp tác, đồng hành giữa báo chí và doanh nghiệp luôn có vai trò quan trọng trong tiến trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng và quá trình hội nhập, phát triển kinh tế đất nước nói chung. 

Trong quan hệ với báo chí, doanh nghiệp đang nhận được bốn lợi ích chính khi được nói; được bảo vệ; được tư vấn, hỗ trợ, truyền thông, tiếp thị; được kết nối với cơ quan quản lý nhà nước.

Trong đó, báo chí phản ánh những khó khăn và vướng mắc của doanh nghiệp lên các cơ quan nhà nước, phục vụ công tác điều hành của Chính phủ nhằm huy động tối đa và hiệu quả các nguồn lực. Báo chí cũng đang góp phần mạnh mẽ vào quá trình cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Không những vậy, báo chí còn là cầu nối giữa các doanh nghiệp với nhau, là nơi các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư. 

"Qua báo chí, những ý kiến của doanh nghiệp đã đến được với các cơ quan lãnh đạo Nhà nước. Trên nghị trường Quốc hội, ngày càng nhiều Đại biểu trích dẫn thông tin trên báo chí. Các lãnh đạo Chính phủ cũng thường xuyên đưa ra những thông tin trên báo chí để yêu cầu các bộ ngành liên quan rà soát tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết tại Diễn đàn báo chí và doanh nghiệp 2020. 

Bên cạnh những khó khăn đã tồn tại từ lâu của doanh nghiệp về vốn, đất đai, hạ tầng, nhân lực, hành chính, thanh kiểm tra, điều kiện môi trường kinh doanh thì trong bối cảnh hậu Covid-19, doanh nghiệp lại đang đối mặt với những cái khó mới khi cả thị trường tiêu thụ và thị trường nguyên liệu đều bị thu hẹp. Bản thân doanh nghiệp cũng đang phải chịu rất nhiều chi phí để duy trì và tồn tại. Đây chính là mảnh đất để các nhà báo khai thác đề tài, đồng hành, cộng khổ với với doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng soi mình trong tấm gương báo chí để có trách nhiệm với hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, làm ăn chân chính, trong sạch. Ông Lộc khẳng định, báo chí cách mạng sẽ luôn là “ngọn hải đăng” để định hướng cho các doanh nghiệp trong quá trình hội nhập.

“Nhiều doanh nghiệp sợ và muốn né tránh báo chí. Bằng thực tế nhiều năm làm báo, tôi thấy rằng các thương hiệu chân chính không bao giờ sợ báo chí”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư cho biết và nhấn mạnh: "Chỉ những doanh nghiệp sân sau, doanh nghiệp lợi dụng kẻ hở của pháp luật để làm ăn bất chính thì mới sợ báo chí".

Ông Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhìn nhận, đối với doanh nghiệp, để làm ăn trong thời buổi bình thường đã rất khó, tại thời điểm đầy bất ổn này còn khó khăn hơn nhiều. 

Doanh nghiệp tiên phong trên mặt trận kinh tế, còn báo chí lại tiên phong trên mặt trận tư tưởng thông tin. Nếu đồng hành, gắn bó, doanh nghiệp và báo chí sẽ cùng phát triển.

Doanh nghiệp phát triển thì hợp tác truyền thông phát triển, doanh nghiệp không lớn mạnh thì sự hợp tác truyền thông cũng gặp những khó khăn. Sự đồng hành là tính tất yếu trên con đường phát triển.

4 chữ S trong nghề báo

Có thể nói, Luật Báo chí và 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam đồng thời có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 đã đi vào cuộc sống và đã có những tác động mạnh mẽ, trực tiếp đến hoạt động của báo chí theo hướng ngày càng tích cực hơn. 

Theo ông Lợi, không thể phủ nhận vẫn còn những "con sâu làm rầu nồi canh" nhưng từ đó đến nay, báo chí càng ngày càng phát triển đúng hướng; các hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức của người làm báo đều giảm đi rất rõ nét. 

Các nhà báo ngày càng ý thức rõ ràng hơn rằng, trong thời đại thông tin đa chiều, đa phương tiện như hiện nay với sự lên ngôi của mạng xã hội, cần phải nỗ lực nhiều để có thể phát huy được tác dụng, khẳng định vai trò của mình. Nhà báo phải luôn thực hiện một sứ mệnh là phản ánh và tôn vinh sự thật, với một vị thế đàng hoàng.

Cái bắt tay giữa báo chí và doanh nghiệp hậu Covid 1
Những người làm báo cần có 4 chữ S gồm: sung, sáng, sạch và sắc.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng, báo chí phải định vị được mình trong bối cảnh mới. Những người làm báo cần có 4 chữ S gồm: sung, sáng, sạch và sắc. Báo chí phải dũng cảm khi đấu tranh chống tiêu cực, ngăn cản những doanh nghiệp sai trái, trở thành diễn đàn tin cậy của doanh nghiệp và công chúng.

Chủ tịch VCCI cũng nhấn mạnh, báo chí cần đưa tin đa chiều, không chỉ dựa vào một nguồn tin một chiều, mà cần thêm những ý kiến các bên, từ các chuyên gia. Thông tin chính xác hay không là vấn đề sinh tử với doanh nghiệp. Nguồn tin hay sẽ có thể giúp hồi sinh một doanh nghiệp, nhưng một thông tin gặp sai sót có thể đẩy doanh nghiệp vào vực thẳm.

Trong thời gian khủng hoảng và nhạy cảm hiện nay, số phận của nhiều doanh nghiệp đang rất mong manh, rất cần sự bao dung chia sẻ của dư luận, sự thấu hiểu, công tâm của các nhà báo chân chính.

Bên cạnh đó, ông Hoàng Nhật, Phó tổng biên tập VietnamPlus cũng nhìn nhận, trong thời đại mới, báo chí cần liên tục làm mới mình với nội dung phong phú, hữu ích và hình thức thể hiện hấp dẫn để tạo "món ăn ngon", đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của độc giả.