Vùng an toàn và 3 chữ 'S' của báo chí

Quỳnh Chi - 11:06, 18/07/2019

TheLEADERChủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Trần Hữu Huỳnh cho rằng, báo chí cần phải sáng hơn, sạch hơn và sắc hơn, phải nhanh nhạy nhìn ra vấn đề, có nét riêng và đáng tin cậy.

Trong quá trình phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững, báo chí vừa là kênh cung cấp thông tin, chuyển tải cơ chế chính sách của Đảng và Nhà nước, vừa là công cụ hữu hiệu để giới thiệu, quảng bá hình ảnh, thương hiệu cho doanh nghiệp. Đồng thời, doanh nghiệp, doanh nhân cũng là cảm hứng, là nguồn đề tài vô cùng phong phú cho báo chí. Đó là mối quan hệ tương hỗ hai chiều ngày càng chặt chẽ, hiệu quả.

Theo Phó chủ tịch thường trực Hội nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi, báo chí góp phần quan trọng vào tạo dựng mội trường kinh doanh lành mạnh, trở thành cầu nối giữa nhà nước và doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với cộng đồng dân cư.

“Chúng ta không chỉ khai thác đề tài thuận lợi và cơ hội của doanh nghiệp, mà ngay cả khi doanh nghiệp gặp khó khăn, cạnh tranh gay gắt, sự đồng hành của báo chí sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức”, ông Lợi nhận định tại Diễn đàn Doanh nghiệp và Báo chí 2019 do Phòng thương mại và công nghiệp (VCCI) tổ chức. 

Làm thế nào để báo chí không chỉ là sự phản ánh an toàn?
Ông Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch thường trực Hội nhà báo Việt Nam

Tuy nhiên, ông Lợi nhấn mạnh rằng còn những thông tin chưa đúng, chưa tốt của một bộ phận người mang danh làm báo. Những thông tin thiếu xác đáng sẽ gây hậu quả khôn lường cho doanh nghiệp. 

Trong bối cảnh nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ, cuộc cách mạng về khoa học và kỹ thuật đang tác động sâu sắc đến đời sống mỗi cá nhân và sự nổi lên của mạng xã hội cũng đặt ra không ít thách thức cho báo chí, Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế (VIAC) cho rằng báo chí cần là diễn đàn của người dân và doanh nghiệp chứ không chỉ là sự phản ánh an toàn. 

“Đây là một trong những thách thức rất lớn đối với việc phát triển báo chí hiện nay”, ông Huỳnh nói.

Để giải quyết những thách thức này, ông Huỳnh đề xuất, báo chí phải "sáng" hơn, phải nhanh nhạy nhìn ra vấn đề hơn, phải "sạch" hơn và cần phải "sắc" hơn, phải có nét riêng của mình và phải đáng tin cậy hơn. 

Luật sư này cho rằng sẽ xuất hiện tính sàng lọc trong bối cảnh nhiễu loạn thông tin, bão thông tin. Đây chính là cuộc đua cạnh tranh để báo chí dành độc giả ngay với mạng xã hội. Nếu báo chí không tin cậy sẽ không dành được thời gian của họ.

Trong thời đại của cuộc cách mạng 4.0, những người làm truyền thông, thương hiệu đang tìm các nền tảng hữu ích để nói chuyện với khách hàng, bạn đọc của họ, tạo tính tương tác cao, không còn đơn thuần là quảng cáo. 

Do đó, ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Tập đoàn Le Bros cho rằng, báo chí phải tạo ra được cái mà doanh nghiệp cần. Thứ doanh nghiệp cần là truyền thông theo kiểu xây dựng một thương hiệu nhân văn, tạo cảm xúc cho thương hiệu của doanh nghiệp.

Các xu hướng mới của báo chí gồm "báo chí chậm", báo chí đầu tư sâu với xu hướng sáng tạo như phương thức đưa tin phi truyền thống và công cụ video, các bài viết longform… đang làm tiết kiệm chi phí truyền thông cho doanh nghiệp. Đặc biệt, cùng với khối lượng thông tin khổng lồ từ báo chí là data dữ liệu cho doanh nghiệp, loại hình longform của báo chí tạo ra sản phẩm truyền thông hoàn thiện hơn - đây là điều mà mạng xã hội không làm được. 

Ông Vinh cũng chỉ ra bốn phương thức để báo chí vẫn hoạt động đúng tôn chỉ mà tạo được quan hệ lành mạnh. Thứ nhất là trở thành cơ quan xây dựng dịch vụ nội dung; thứ hai, báo chí thương hiệu; thứ ba, tổ chức sự kiện hợp tác với doanh nghiệp; và thứ tư, giúp doanh nghiệp hiểu đối tượng, khách hàng.