Báo động nợ đọng xây dựng cơ bản

Tiêu Phong - 00:00, 19/07/2017

TheLEADERTổng số nợ đọng xây dựng cơ bản trên thực tế hiện đã lên tới con số hàng trăm nghìn tỷ đồng đang gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp xây dựng.

Báo động nợ đọng xây dựng cơ bản
Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên.

Khối nợ hàng trăm nghìn tỷ đồng

Báo cáo của Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết, số liệu công bố nợ đọng xây dựng cơ bản (sau đây viết tắt là XDCB) mà VACC có được đến nay ước lên đến trên 30 - 40 nghìn tỷ đồng. 

Thời gian nợ dài ngắn cũng khác nhau, trong đó có dự án, gói thầu kéo dài tới cả 10 – 12 năm. Có gói thầu của một doanh nghiệp nhỏ chỉ thi công trong 3 năm, khoản nợ đã lên tới cả trăm tỷ đồng chiếm 10% giá gói thầu, mặc dù dự án đã quyết toán nhưng nhà thầu vẫn chưa được thanh toán.

Tuy nhiên, theo đại diện các doanh nghiệp xây dựng lớn, tổng số nợ XDCB trên thực tế có thể lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng.

Tổng công ty Xây dựng công trình Hàng không ACC cho biết, tháng 6/2014, tổng số nợ XDCB của 18.376 dự án là 44.594 tỷ đồng; trong đó của địa phương chiếm 87% tổng số nợ. Tính đến 31/1/2016 có 53/63 tỉnh, thành phố nợ đọng XDCB trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với con số 15.277 tỷ đồng.

Trong khi đó, đối với riêng Tổng công ty 319 tính đến 31/12/2016 nợ đọng vốn tại các công trình xây dựng cơ bản lên đến trên 1.860 tỷ đồng vượt trên 200% vốn chủ sở hữbau. Bao gồm: Nợ đọng từ 1 - 2 năm trên 450 tỷ đồng; Nợ đọng 2 - 3 năm trên 124 tỷ đồng, nợ trên 3 năm là trên 152 tỷ đồng, còn lại là nợ đọng dưới 1 năm. 

Tính đến hết ngày 31/12/2016 khối lượng dở dang lên đến 2.110 tỷ đồng trong đó có những công trình khối lượng dở dang lên đến trên 5 năm chưa được nghiệm thu do chủ đầu tư không bố trí được vốn, điều này đã ảnh hưởng lớn đến kế hoạch tài chính và nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp.

"Nếu không tính lãi suất ngân hàng tương ứng của khoản công nợ này vào kết quả sản xuất kinh doanh thì hiệu quả kinh doanh năm 2016 của tổng công ty sẽ cao hơn nhiều", đại diện Tổng công ty 319 cho biết. 

Đối với Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, tính đến 31/05/2017 chủ đầu tư còn nợ chúng tôi số tiền hơn 1.653 tỷ đồng. Trong đó nợ năm 2017 là 439 tỷ đồng, năm 2016 là 542 tỷ đồng, năm 2015 là 254 tỷ đồng, năm 2014 là 162 tỷ đồng, năm 2013 là 157 tỷ đồng, và nợ năm 2012 về trước là 97 tỷ đồng. 

Giá trị sản xuất dở dang còn chưa được nghiệm thu là 991 tỷ đồng, tổng số nợ tồn đọng lên tới 2.644 tỷ đồng. Điển hình các công trình chủ đầu tư chưa bố trí đủ vốn như dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, dự án mở rộng quốc lộ 1A, thủy điện Sơn La, thủy điện Lai Châu, chương trình rà phá bom mìn vật nổ 504…

Vào thời điểm 31/12/2014,tình trạng nợ đọng của Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Namlà 2.346 tỷ đồng, đến 31/12/2015 giảm xuống còn 1.182 tỷ đồng và đến 31/12/2016đạt mức 1.185 tỷ đồng. 

Theo các doanh nghiệp, nợ đọng XDCB nằm trong khâu thanh quyết toán và bảo hành công trình. Nợ đọng khâu thanh quyết toán do công trình đã hoàn thành mà chủ đầu tư không bố trí được nguồn vốn nên không có tiền để thanh toán cho nhà thầu. 

Vì vậy nhiều công trình thi công dở dang, chậm tiến độ, chậm nghiệm thu thanh toán và quyết toán vốn cho nhà thầu. Nhà thầu phải nợ lương công nhân, nợ khách hàng cung cấp nguyên vật liệu nên giá vật liệu bị đẩy cao gây khó khăn cho các nhà thầu.

Tình hình nợ đọng còn diễn ra trong quá trình bảo hành xây dựng cũng làm cho nhà thầu gặp nhiều khó khăn. Theo Luật Xây dựng, nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm bảo hành công trình do mình thi công. Thời gian bảo bành quy định không ít hơn 24 tháng đối với công trình cấp đặc biệt và cấp I, không ít hơn 12 tháng đối với các công trình cấp còn lại. 

Mức tiền bảo hành tối thiểu bằng 3% giá trị hợp đồng đối với công trình xây dựng cấp đặc biệt và cấp I; 5% giá trị hợp đồng đối với công trình xây dựng cấp còn lại. Đây cũng là số tiền lớn đáng kể của nhà thầu bị giữ lại theo quy định của pháp luật. Trong khá nhiều trường hợp đã hết thời gian bảo hành hoặc khi nhà thầu đã hoàn thành nghĩa vụ bảo hành nhưng vẫn không được hoàn trả. 

Còn nể nang và bệnh thành tích

Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến nợ đọng XDCB, theo đại diện Tổng công ty Xây dựng công trình Hàng không ACC, có nguyên nhân xuất phát từ "bệnh thành tích", nể nang, giám sát lỏng lẻo trong quá trình đầu tư xây dựng.

Nguyên nhân khách quan theo tổng công ty này, hiện nhu cầu đầu tư công về XDCB ở Việt Nam rất lớn nhưng quy chuẩn, tiêu chuẩn về đầu tư XDCB của Chính phủ, bộ ngành còn chồng chéo, trách nhiệm của cơ quan chủ quan chưa rõ ràng, còn tư tưởng "tranh công đổ tội". Vai trò kiểm tra, kiểm soát, giám sát chưa thường xuyên, chưa kịp thời. 

Nhà thầu còn nặng về thành tích khen thưởng, quá chú trọng đến tốc độ tăng trưởng doanh thu, xem nhẹ chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu. Năng lực nhà thầu hạn chế, thời gian thi công kéo dài.

Không những thế, tình trạng chủ đầu tư phê duyệt dự án vượt thẩm quyền, đầu tư dàn trải, chưa ưu tiên cho công trình cấp bách; chưa được bố trí vốn nhưng đã lựa chọn nhà thầu thi công; quản lý, cấp phát vốn không đúng mục lục ngân sách nhà nước, lấy vốn của nội dung khác cấp cho công trình XDCB... vẫn còn xuất hiện tại nhiều dự án.

Đặc biệt, "chủ đầu tư phê duyệt dự án còn nể nang, dễ tính, giám sát lỏng lẻo, nhiều hạng mục phát sinh tăng; giải phóng mặt bằng chậm làm kéo dài thời gian thi công, chênh lệch giá tăng. Công trình đã hoàn thành, bàn giao đưa vào khai thác sử dụng nhưng quyết toán chậm", Tổng công ty Xây dựng công trình Hàng không ACC cho biết thêm.

Theo TS. Dương Văn Cận, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC): "Cho đến nay con số nợ đọng chính thức trong XDCB là rất khó đong đếm. Vấn đề nợ đọng nếu không có biện pháp xử lý thì vẫn sẽ diễn ra liên tục, hôm nay chấm dứt, tháng này chấm dứt thì hôm sau, tháng sau có khi lại xuất hiện và không có hồi kết, cho nên con số về tình hình nợ đọng cũng chỉ mang tính thời điểm".