Diễn đàn quản trị
Basel II – Hãy thận trọng khi nói “đã đáp ứng”
Người viết cho rằng, chưa có một ngân hàng nào của Việt Nam thực sự đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của Basel II. Basel II, III hay IV không phải là bài tập làm 1 lần và vì mục tiêu tuân thủ.

Trong những năm gần đây, với định hướng của Ngân hàng Nhà nước, nhiều ngân hàng đã nỗ lực đầu tư tăng cường năng lực quản trị rủi ro (QTRR) của mình. Basel II là cụm từ được đề cập nhiều nhất và được coi như một “chứng chỉ” thể hiện chất lượng QTRR.
Gần đây, một vài ngân hàng đã lên tiếng khẳng định triển khai thành công Hiệp ước vốn Basel II, thậm chí khẳng định đã đủ điều kiện để thực hiện các phương pháp nâng cao. Đây là những tín hiệu tốt thể hiện sự quan tâm của các ngân hàng cam kết hướng đến các chuẩn mực quốc tế. Điều này sẽ góp phần củng cố niềm tin của các nhà đầu tư, tổ chức kinh tế yên tâm hơn về sự lành mạnh của hệ thống.
Nhưng có lẽ chúng ta cần cẩn trọng và nghiêm túc hơn khi truyền thông về mức độ đáp ứng Basel II của các ngân hàng Việt Nam. Có thể còn tranh cãi, nhưng người viết cho rằng, chưa có một ngân hàng nào của Việt Nam thực sự đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của Basel II.

Không nằm ngoài mục tiêu phản biện mang tính chất xây dựng, bài viết đưa ra một số khía cạnh để khi chúng ta nói “đáp ứng, tuân thủ Basel II” thì cần được đặt ở các góc nhìn khác nhau.
Sự đồng bộ của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật
Ở góc độ tổng thể, các yêu cầu của Basel II đòi hỏi quốc gia áp dụng cần đảm bảo sự đồng bộ về khung pháp lý điều chỉnh hoạt động của các lĩnh vực ngân hàng, chứng khóan, tài chính (ngoại trừ kinh doanh bảo hiểm), như quy định tính vốn, dự phòng đầu tư, phương pháp định giá, chuẩn mực kế toán…
Trong khi đó, hiện nay, NHNN quy định yêu cầu tính vốn của ngân hàng được điều chỉnh trên cơ sở hợp nhất và quy định này có sự khác biệt với yêu cầu của Bộ Tài chính khi tính vốn cho hoạt động kinh doanh chứng khoán.
Nói cụ thể hơn, khi một ngân hàng sở hữu một công ty chứng khoán thì việc tính toán vốn cho rủi ro thị trường, trích lập dự phòng và phương pháp định giá các công cụ, sản phẩm chứng khoán đang phải đáp ứng theo hai hệ quy chiếu – Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính.

Bên cạnh đó, liên quan đến chuẩn mực kế toán, những khác biệt giữa chuẩn mực IFRS, yêu cầu Basel II và chuẩn mực kế toán Việt Nam VAS sẽ là vấn đề cần tính đến khi NHNN tiếp tục ban hành các quy định liên quan đến Basel trong tương lai. Tự bản thân sự vênh này đã làm khó cho các ngân hàng khi muốn triển khai hiệu quả và tuân thủ Basel.
Basel II, III hay IV không phải là bài tập làm 1 lần và vì mục tiêu tuân thủ
Đừng nhìn vào mô hình đo lường có tiên tiến hay không, hãy nhìn vào ứng dụng của nó trong hoạt động kinh doanh.
Để triển khai thành công Basel đòi hỏi một quá trình liên tục cải tiến, chỉnh sửa, kiểm định cho đến khi nào các ứng dụng (use test) của nó được thể hiện chính thức trong hoạt động kinh doanh hàng ngày của ngân hàng.
Ví dụ, khi một mô hình đo lường rủi ro tín dụng nào đó được coi là đáp ứng yêu cầu Basel II thì ngoài các yêu cầu khắt khe về dữ liệu, cách xây dựng, quản trị mô hình và kiểm định mô hình thì kết quả từ mô hình đó cần được ứng dụng thực sự vào quá trình phê duyệt tín dụng, xét duyệt hạn mức, lãi suất cho vay, phân bổ vốn, đo lường hiệu quả kinh doanh, trích lập dự phòng… Đây là 1 thách thức lớn và cần đủ thời gian kiểm chứng.
Tính toán yêu cầu vốn chỉ là một phần
Thông tư số 41/2016/TT-NHNN của NHNN là một bước tiến lớn của cơ quan quản lý, tuy nhiên, phạm vi điều chỉnh của các quy định mới chỉ dừng ở việc thực hiện tính toán vốn trên cơ sở yêu cầu của Trụ cột 1 và phiên bản gần đây của Basel.
Hơn nữa, các nội dung này chỉ mới đề cập đến các phương pháp cơ bản, đơn giản nhất của Hiệp ước vốn Basel. Như vậy, đáp ứng Thông tư số 41 không đồng nghĩa rằng ngân hàng đã “triển khai thành công Basel II”. Có lẽ cơ quan quản lý cũng nên đưa ra thông điệp này cho hệ thống.
Yêu cầu về quản trị mô hình, yêu cầu về năng lực kiểm toán nội bộ theo chuẩn Basel II.
Theo chuẩn mực Basel, một mô hình đo lường muốn đưa vào ứng dụng phải đáp ứng các đòi hỏi rất khắt khe về tính nhất quán, sự ổn định, mức độ chính xác và rõ ràng. Trên thực tế, vì nhiều lý do, phần lớn các ngân hàng đang dừng ở bước thử nghiệm và theo dõi tính ổn định của các mô hình.
Về mặt nguồn lực, các ngân hàng có thể đang chú trọng phát triển đội ngũ xây dựng mô hình nhưng lại bỏ qua vai trò của bộ phận độc lập kiểm định mô hình. Kết quả là nhiều mô hình giống như cái “hộp đen” và chỉ một vài cán bộ xây dựng mô hình biết được thực sự nó là cái gì và dùng được hay không. Vậy ban lãnh đạo có yên tâm khi đưa vào ứng dụng, NHNN có thực sự yên tâm khi phê chuẩn cho phép ứng dụng vào thực tế?
Xa hơn nữa, rất hiếm khi chúng ta thấy các ngân hàng nói đến sự cần thiết tăng cường năng lực kiểm toán nội bộ là lớp bảo vệ thứ 3 để đủ khả năng soát xét việc thực thi chức năng quản trị rủi ro – lớp bảo vệ thứ 2 về những vấn đề liên quan đến Basel II. Sẽ rất khó để một ngân hàng tuyên bố rằng đã có các mô hình đo lường cho tất cả các danh mục, sản phẩm trọng yếu của mình.
Trụ cột 2, Trụ cột 3 còn quan trọng hơn nhiều
Cuối cùng, nhưng chưa phải là tất cả, các yêu cầu định tính ở Trụ cột 2 (thường nói đến ICAAP), các yêu cầu minh bạch của Trụ cột 3 mới là tinh thần của Hiệp ước vốn này.

Trụ cột 1 rất quan trọng nhưng nó chỉ giúp ngân hàng trả lời được tỷ lệ an toàn vốn của mình tại thời điểm hiện tại là bao nhiêu, nó không giúp ngân hàng dự báo cần bao nhiêu vốn, bù đắp thêm cho các rủi ro trọng yếu nào, đâu là các kịch bản mà ngân hàng nên tính tới và sức chịu đựng (stress test) của ngân hàng đến đâu trong các kịch bản đó.
Tinh thần của hai Trụ cột này đòi hỏi ngân hàng thực sự có một cơ chế quản trị rủi ro (risk governance) lành mạnh, minh bạch. Nó có nghĩa là quản trị được xác lập và vận hành thực sự dựa trên các nguyên tắc, chuẩn mực của Basel chứ không phải chỉ dừng lại ở các tuyên bố bề nổi ở các quy định, chính sách.
Lưu ý rằng, bên cạnh tài liệu Basel II là hàng loạt các hướng dẫn chi tiết về các chuẩn mực đề cập tại hiệp ước này và không dễ gì có thể đáp ứng được.
Chỉ cần chúng ta lướt qua các báo cáo thường niên của những ngân hàng trong khu vực và trên thế giới (là những ngân hàng Basel II, III, IV) sẽ thấy hàm lượng thông tin công bố liên quan đến đáp ứng các yêu cầu này là như thế nào. Ẩn đằng sau các thông tin này đòi hỏi sự thay đổi căn bản về tư duy quản trị rủi ro, năng lực cốt lõi của cả hệ thống và nền tảng quản trị rủi ro.
Tóm lại, người viết rất ủng hộ việc triển khai Basel II ở các ngân hàng Việt Nam, ủng hộ định hướng của NHNN thúc đẩy các tổ chức tín dụng hướng đến các chuẩn mực quốc tế. Các kết quả ban đầu đã thể hiện sự nghiêm túc của các ngân hàng khi nhìn nhận vai trò của QTRR.
Tuy nhiên, sẽ là quá sớm khi nói rằng chúng ta triển khai thành công Hiệp ước vốn này. Như đã nói ở trên, nó là một tiến trình liên tục và không phải là bài tập làm 1 lần vì mục tiêu tuân thủ.
Xin được chia sẻ vài suy nghĩ với các bạn đọc quan tâm và mong nhận được các góp ý của các bạn đọc.
_________________
(*) Tác giả là người đã có nhiều năm nghiên cứu và làm việc trong lĩnh vực quản trị rủi ro ngân hàng.
Ngân hàng đầu tiên của Việt Nam hoàn thành Basel II
Từ sự vụ C.P. Việt Nam: Lỗ hổng quản trị nguy hiểm khi phớt lờ tiếng nói nội bộ
Sự việc của C.P. Việt Nam là hồi chuông cảnh tỉnh cho các doanh nghiệp về hệ thống quản trị minh bạch và hiệu quả.
Quản trị rủi ro thế nào để sống chung với thế giới ngày càng biến động?
Những tổ chức có văn hóa quản trị rủi ro mạnh mẽ sẽ vượt trội hơn hẳn các đối thủ cạnh tranh về lâu dài trong việc điều hướng các cú sốc.
Cú nhảy ESG: Khởi động hành trình bền vững cho SMEs
ESG không còn là cuộc chơi riêng của các tập đoàn lớn. Cú nhảy ESG chính là sự kiện giúp SMEs Việt chủ động tiếp cận ESG một cách linh hoạt.
Chất lượng quản trị doanh nghiệp trong cuộc đua hút vốn
Nâng cao chất lượng quản trị là yếu tố then chốt, quyết định việc doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn dài hạn trên thị trường chứng khoán.
Hóa giải khủng hoảng truyền thông với doanh nghiệp thực phẩm
Khủng hoảng truyền thông với các doanh nghiệp thực phẩm đang ngày càng dữ dội và khó kiểm soát trong thời đại mạng xã hội lên ngôi.
Trungnam Group đầu tư khu công nghiệp Cà Ná
Công ty CP Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Trung Nam Cà Ná - thành viên của Trungnam Group - đã trở thành chủ đầu tư dự án khu công nghiệp Cà Ná – giai đoạn 1.
Giá cổ phiếu Viglacera ở mức cao, cổ đông lớn Gelex không có ý định mua thêm
Thay vào đó, Gelex chọn đồng hành cùng Viglacera theo lộ trình thoái vốn Nhà nước, tái cấu trúc doanh nghiệp.
Mcredit có tân tổng giám đốc
Ông Đinh Quang Huy vừa được bổ nhiệm giữ chức vụ thành viên Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit) kể từ ngày 11/6.
Việt Nam lần đầu công nhận tài sản số, đã có luật riêng quản lý
Từ nay, tài sản số tại Việt Nam sẽ được quản lý việc tạo lập, phát hành, lưu ký, kèm theo quy định điều kiện kinh doanh đối với dịch vụ tài sản mã hoá.
Chung cư Hà Nội tràn nguồn cung giá cao, áp lực bán hàng ngày càng lớn
Thị trường chung cư Hà Nội đón làn sóng nguồn cung mới với giá bán cao, khiến nhiều chủ đầu tư đối mặt áp lực lớn trong việc tiêu thụ sản phẩm.
Thông qua Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp mới, bỏ ưu đãi với công ty con, liên kết
Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua với nhiều điểm mới như bỏ ưu đãi thuế với các công ty con, doanh nghiệp liên kết.
100 chuyện nghề: Lưu giữ ký ức và tiếp lửa nghề báo
“100 chuyện nghề” không chỉ là một tuyển tập kỷ niệm 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925–21/6/2025), mà còn là nơi lưu giữ ký ức và tiếp nối ngọn lửa nghề báo.