Bất động sản sẽ bùng nổ trở lại vào năm 2022?

Thu Phương - 07:49, 07/10/2021

TheLEADERNhiều chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, giai đoạn khó khăn nhất của thị trường bất động sản đã qua.

Bất động sản sẽ bùng nổ trở lại vào năm 2022?
Thị trường bất động sản sẽ khởi sắc trong quý IV/2021

Giai đoạn khó khăn nhất của thị trường đã qua

Là một trong những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, song ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC cho rằng, giai đoạn xấu nhất của thị trường bất động sản đã đi qua.

Theo ông Quyết, nếu như ở cuộc khủng hoảng kinh tế và thị trường bất động sản năm 2012, Chính phủ đã phải ra Nghị quyết 02 để giải cứu thị trường bất động sản, thì ở thời điểm hiện tại bức tranh thị trường đã khác hoàn toàn. FLC và nhiều doanh nghiệp khác vẫn chưa phải đề nghị bất cứ một sự hỗ trợ nào từ phía nhà nước.

Có được thành quả đó là nhờ doanh nghiệp vẫn linh hoạt mọi giải pháp để sống chung và phát triển ngay trong dịch bệnh. 

Tháng 11 năm ngoái, FLC đã khánh thành khách sạn 1.500 phòng ở Quy Nhơn và tuyển dụng 1.000 lao động. Không may mắn là ngay sau đó dịch bệnh đã bùng phát mạnh. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn đón được một lượng khách nhất định, tình huống xấu nhất đã không xảy ra.

Trong đại dịch, FLC vẫn tích cực tuyển dụng, đào tạo nhân sự và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào hoạt động của doanh nghiệp và bán hàng trực tuyến.

Đáng chú ý, theo ông Quyết, một tín hiệu hết sức đáng mừng là cứ hết giãn cách, thị trường bất động sản lại hồi phục và phát triển mạnh mẽ. Thời điểm tháng 7 âm lịch năm 2020, thị trường bất động sản hết giãn cách ngay trong thời điểm tháng Ngâu nhưng thanh khoản vẫn rất tốt. 

Dự án FLC Hà Khánh Tropical City Hạ Long (Quảng Ninh) đã thu về hơn 8.000 tỷ đồng chỉ trong 1 tháng. Nếu như tháng 4/2020, nhiều khách hàng thấy dự án thi công chậm do dịch bệnh đã đến trụ trợ của FLC để căng băng rôn thì chính các nhà đầu tư này đã yêu cầu ký hợp đồng ngay trong tháng 7 - cô hồn, bởi dự án khi đó đã tăng cấp rưỡi, thậm chí gấp đôi.

"Thị trường bất động sản năm 2020 rất xấu do dịch bệnh bùng phát bất ngờ, doanh nghiệp chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Tuy nhiên, chỉ với một dự án thành công, chúng tôi đã thu hồi được nợ và có dòng tiền kinh doanh rất khả quan. Đó là lý do tại sao doanh nghiệp vẫn sống được và trụ lại được trên thị trường. 

Sang năm 2021, dù chịu ảnh hưởng nặng nề hơn bởi dịch bệnh nhưng tình hình đã khả quan hơn rất nhiều do doanh nghiệp đã có sự tiên liệu và chuẩn bị trước các phương án ứng phó với đại dịch. Nhờ vậy mà hoạt động kinh doanh được giữ ổn định", ông Quyết chia sẻ.

Không chỉ FLC là doanh nghiệp bất động sản có sức khoẻ tốt trong dịch, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, mặc dù thị trường có bị tác động tiêu cực nhưng vẫn có sức sống. Thị trường bất động sản không "chết", chững hay phải đứng lại do dịch bệnh.

Đầu 2020, khi đợt dịch đầu tiên bùng phát, chính ông Đính cũng cảm thấy hoang mang, lo sợ về tương lai của thị trường bất động sản. Quý I/2020, tỷ lệ giao dịch đã chạm mức thấp nhất kể từ khủng hoảng năm 2013, tỷ lệ hấp thụ chỉ khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước. 

Nhưng, đến thời điểm hiện tại sau khi xem xét, đánh giá thật kỹ lưỡng, tập trung tổ nghiên cứu để theo dõi thật chặt, đến cuối 2020, ông Đính khẳng định thị trường bất động sản không vướng phải khủng hoảng.

Minh chứng là trong quý III, cả nước vẫn có hàng vạn giao dịch. Tuy nhu cầu tiêu dùng có giảm nhưng nhu cầu của nhà đầu tư không giảm. Bất động sản vẫn dành được nhiều sự quan tâm của khách hàng, nhà đầu tư ngay cả trong dịch bệnh. Đặc biệt là các dòng sản phẩm đất nền, bởi đây luôn được coi là nơi lưu giữ tài sản an toàn và tiềm năng tăng giá cao.

Hơn nữa, khách hàng, nhà đầu tư bắt đã dần quen với việc tham dự các buổi chào bán, giới thiệu sản phẩm qua hình thức online. Do đó, thanh khoản của nhiều dự án tốt, chủ đầu tư uy tín vẫn được đảm bảo giúp doanh nghiệp duy trì được nguồn tiền.

Nhìn chung, ở Việt Nam, cứ một dự án ra đời, chỉ cần 18 tháng là hấp thụ hết, trong khi đó, thời gian trung bình của ASEAN là 5 năm. Trong 2 năm xuất hiện Covid-19, nhiều lĩnh vực kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề, do đó, nhiều nhà đầu tư vẫn vào bất động sản - thị trường có tiềm năng hồi phục mạnh mẽ sau khi dịch bệnh được kiểm soát, Phó chủ tịch Hội Môi giới cho hay.

Thị trường sẽ "cực kỳ khởi sắc" trong quý IV/2021 và bùng nổ vào năm 2022?

Dự báo sự phát triển của thị trường trong quý IV/2021, tại toạ đàm "Bất động sản Việt Nam: Bình thường mới - Nhu cầu mới - Xu thế mới", ông Quyết cho rằng, thị trường sẽ "cực kỳ khởi sắc", tạo tiền đề cho sự bùng nổ vào năm 2022.

Ông Quyết cho biết, trong kinh doanh, với mọi tình huống, bản thân ông luôn lạc quan nhưng không chủ quan mà luôn chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó với các tình huống xấu có thể xảy ra.

Thực tế cho thấy, tâm lý chung, người Việt muốn sở hữu bất động sản, nhiều người có tiền sẽ nghĩ đến mua đất, mua nhà. Vừa qua, khi hết giãn cách ở Hà Nội, các giao dịch trở nên sôi động, diễn ra cả ban đêm, tình trạng này trong lúc dịch bệnh không diễn ra. Nhiều người đã trực tiếp đến các dự án bất động sản của FLC để tìm hiểu thông tin. Đây là tín hiệu đáng mừng cho những người làm lĩnh vực bất động sản và cũng cho thấy khả năng hồi phục rất lớn của thị trường.

Ở khía cạnh kinh tế vĩ mô, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, quý III/2021 tăng trưởng của Việt Nam được xem là thấp nhất trong lịch sử, khó khăn là rất lớn, song vẫn có những điểm tích cực tạo tiền đề cho thị trường bất động sản phát triển.

Đầu tiên, về yếu tố dịch bệnh, thời gian đầu, Việt Nam triển khai tiêm chủng chậm, tuy nhiên, 40 ngày trở lại đây lại rất nhanh. Đây là điều kiện quan trọng để nền kinh tế quay lại trạng thái bình thường. 

Thứ hai, chiến lược chống dịch hiện đã thay đổi. Bên cạnh đó, kinh tế thế giới phục hồi, dù có khó khăn, năm nay tăng trưởng kinh tế thế giới vẫn tăng trưởng dương.

"Khi chúng ta khống chế được dịch. Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm tới là 6% trở lên. Đầu tư bất động sản vẫn còn nhiều kỳ vọng. Hai năm qua, nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam thì bất động sản vẫn là điểm sáng, thanh khoản, giá cả tốt", ông Thành nói.

Về góc độ đầu tư, vị chuyên gia cho rằng, giai đoạn vừa qua, Việt Nam giải ngân đầu tư công chậm. Song hiện nay, Thủ tướng đã có chỉ đạo rõ ràng về giải ngân đầu tư công và quy hoạch rõ về hạ tầng. Các quy hoạch sẽ dần trở thành hiện thực, trong đó có sân bay Long Thành. Khi hạ tầng hoàn thiện sẽ kéo theo phát triển kinh tế và thị trường bất động sản.

Mặt khác, nếu như trước đây, các vấn đề về pháp lý, đất đai, luật kinh doanh bất động sản gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp thì hiện đã có cải thiện để dự án triển khai nhanh hơn. Đây chính là những yếu tố rất tích cực để thị trường bất động sản có thể kỳ vọng có những sức bật rất lớn trong tương lai, ông Thành nhấn mạnh.