Bình Định giải trình về dự án điện mặt trời Phù Mỹ

Nguyễn Cảnh - 10:52, 17/01/2021

TheLEADERMặc dù vừa được đóng điện thành công sau 7 tháng thi công, dự án điện mặt trời Phù Mỹ cũng khiến tỉnh Bình Định phải giải trình vì sai lệch hồ sơ.

Bình Định giải trình về dự án điện mặt trời Phù Mỹ
Dự án với mức đầu tư hơn 6.200 tỷ đồng này ghi nhận rõ nét dấu ấn hỗ trợ của tỉnh, nhất là ở khâu giải trình.

Dự án điện mặt trời Phù Mỹ hơn 6.200 tỷ đồng (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) do Công ty CP Phát triển tầm nhìn năng lượng sạch (trực thuộc BCG Energy) đầu tư vừa đưa vào khai thác thương mại 216MW trên tổng công suất 330MW. 

Tháng 11/2020, tỉnh Bình Định báo cáo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn một số nội dung cần giải trình để phục vụ thẩm định hồ sơ trình chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng (để xây dựng dự án điện mặt trời Phù Mỹ).

Nội dung đáng chú ý đầu tiên là tên gọi của dự án sai khác với văn bản hồi tháng 4/2018 của Bộ Công thương, văn bản 932/TTg-CN của Thủ tướng và không đúng với tên gọi "Dự án Nhà máy điện năng lượng mặt trời Phú An – Mỹ Thắng" ghi trong Nghị quyết 98 ngày 27/7/2018 của Chính phủ.

Tỉnh cho biết, diện tích đất thực hiện dự án điện mặt trời Phù Mỹ (ba nhà máy Phù Mỹ 1,2,3) của Công ty CP Tầm nhìn năng lượng sạch tại xã Mỹ Thắng, Mỹ An, huyện Phù Mỹ có trong điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 tỉnh Bình Định được Thủ tướng phê duyệt tại Nghị quyết 98 năm 2018 với diện tích 386,4ha.

Tuy nhiên, do trong trình lập điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của tỉnh, đơn vị tư vấn (Phân viện quy hoạch và thiết kế nông nghiệp miền Trung thuộc Viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) đã ghi nhầm tên dự án là: Nhà máy điện năng lượng mặt trời Phú An – Mỹ Thắng (tên đúng là Nhà máy điện năng lượng mặt trời Mỹ An – Mỹ Thắng).

UBND tỉnh khẳng định, huyện Phù Mỹ không có xã Phú An mà chỉ có xã Mỹ An. Xã Mỹ Thắng, xã Mỹ An (huyện Phù Mỹ) đến nay chỉ có duy nhất dự án nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ được Thủ tướng đồng ý bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Ngoài ra, dự án điện mặt trời Phù Mỹ có trong danh mục các công trình, dự án Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Định năm 2020 được HĐND tỉnh thông qua hồi tháng 12/2019, có trong kế hoạch sử dụng đất năm 2020 của huyện Phù Mỹ và được UBND tỉnh duyệt tháng 4/2020. Theo đó, địa điểm thực hiện dự án tại xã Mỹ An, Mỹ Thắng của huyện Phù Mỹ.

Nội dung đáng chú ý tiếp theo là vấn đề chênh lệch diện tích đất rừng phòng hộ giữa Nghị quyết 98/NQ-CP của Chính phủ (186.973ha) so với Quyết định 4854/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 của UBND tỉnh (diện tích 178.554,85ha) phê duyệt kế quả rà soát, điều chỉnh ba loại rừng giai đoạn 2018-2025, định hướng đến 2030.

Tỉnh khẳng định, tổng diện tích ba loại rừng theo Quyết định 4854 của tỉnh và Nghị quyết 98 của Chính phủ bằng nhau. Tuy nhiên, khi điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) tỉnh Bình Định thì diện tích các loại rừng phòng hộ, đặc dụng, sản xuất được đề xuất dựa trên cơ sở kết quả ba loại rừng tại Quyết định 2937/QĐ-UBND ngày 24/8/2015 của UBND tỉnh.

Cụ thể, theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn hồi tháng 10/2015 về kế hoạch rà soát diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu điều chỉnh sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất, tỉnh Bình Định đã chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, điều chỉnh ba loại rừng, giai đoạn 2018-2025, định hướng đến 2030 của tỉnh theo hướng dẫn của bộ. Sau đó, tỉnh trình bộ thẩm định kết quả. 

Tới tháng 10/2018, bộ có văn bản góp ý kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng của tỉnh. Tháng 12/2018, tỉnh đã ra quyết định 4854 phê duyệt kết quả rà soát điều chỉnh 3 loại rừng.

Như vậy, UBND tỉnh luận giải, số liệu trong Quyết định 4854 của tỉnh được thực hiện theo chủ trương của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chuyển diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu sang quy hoạch phát triển sản xuất. Việc này đã dẫn tới đất rừng phòng hộ thấp hơn 8.418ha.

Từ cuối năm 2017, BCG Energy (Công ty trực thuộc Bamboo Capital) bắt đầu mở rộng lĩnh vực điện gió với dự án BCG Sóc Trăng Wind 50MW, dự án Aurai Vũng Tàu 100MW. 2 năm qua, BCG đã triển khai các dự án năng lượng tái tạo và bất động sản như: 2 nhà máy điện mặt trời BCG-CME Long An 1 & 2 tại Long An với tổng công suất 140MW; nhà máy điện mặt trời 330MW tại Phù Mỹ (Bình Định); nhà máy VNECO (Vĩnh Long) 49,3MW; nhà máy Krông Pa 2 (Gia Lai) 50MW.

Bên cạnh đó, công ty này cũng phát triển một loạt dự án điện mặt trời áp mái với tổng công suất lên đến 50MW tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ở nhiều tỉnh thành khu vực phía Nam.BCG Energy đã và đang khẳng định vị thế của mình trong mảng năng lượng tái tạo tại Việt Nam khi tiếp tục gọi vốn thành công trên thị trường quốc tế sau lần gọi vốn thành công 5,0 triệu USD từ Hanwha Energy năm 2019 dưới hình thức phát hành trái phiếu chuyển đổi bởi BCG Energy và các công ty thành viên.

Tháng 12/2020, BCG Energy đã gọi vốn thành công 43,6 triệu USD tương đương với hơn 1.018 tỷ đồng từ Leader Energy (Vietnam) - một công ty năng lượng có trụ sở chính tại Singapore, dưới dạng trái phiếu chuyển đổi để đầu tư vào mảng năng lượng tái tạo của BCG.