Bình Dương: Giải pháp bảo đảm việc làm, an sinh xã hội cho người lao động

09:44, 03/01/2023

TheLEADERTrước tình hình khó khăn của doanh nghiệp và người lao động, tỉnh Bình Dương đã triển khai và thực hiện nhiều giải pháp bảo đảm việc làm, an sinh xã hội cho người lao động.

Những ảnh hưởng của tình hình chính trị, kinh tế thế giới trong năm 2022 đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp ngành xuất khẩu các tỉnh khu vực phía Nam nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng.

Công tác nắm tình hình trên địa bàn tỉnh Bình Dương cho thấy đa số các doanh nghiệp ngành xuất khẩu đang chịu nhiều ảnh hưởng như: đơn hàng mới không có, nhiều đơn hàng cũ bị hủy. Điều này dẫn đến việc một số doanh nghiệp sau thời gian khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng đã không thể tiếp tục duy trì việc làm cho người lao động, phải sắp xếp, bố trí cho người lao động giảm giờ làm, nghỉ luân phiên, thỏa thuận cho người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ không hưởng lương hoặc thậm chí cắt giảm lao động.

Trước tình hình khó khăn của doanh nghiệp và người lao động và nhằm đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh trong những tháng cuối năm 2022, hạn chế đến mức thấp nhất phát sinh các vụ ngừng việc, tranh chấp, tránh tình trạng thất nghiệp phát sinh tệ nạn xã hội, UBND tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã kịp thời phối hợp cùng các ngành của tỉnh tham mưu triển khai và thực hiện các giải pháp sau:

Trong năm 2022, UBND tỉnh đã chủ trì, tổ chức nhiều cuộc Hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc nhằm tăng cường các hoạt động đối thoại, thu hút đầu tư với các doanh nghiệp, các Hiệp hội ngành hàng, Hiệp hội doanh nghiệp…tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hợp tác thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào tỉnh Bình Dương cũng như thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp. 

Qua đó, tăng cường trao đổi, tiếp xúc giữa lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành với các doanh nghiệp, chi hội doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, vào ngày 29/11/2022 UBND tỉnh đã chủ trì, tổ chức Hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp và Hiệp hội ngành hàng trên địa bàn tỉnh về lao động và việc làm nhằm lắng nghe ý kiến và sẻ chia khó khăn với doanh nghiệp cũng như tìm các giải pháp đảm bảo quyền và lợi ích cho người lao động trước những khó khăn hiện nay. 

Tại Hội nghị, các hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao sự quan tâm và những giải pháp kịp thời của tỉnh Bình Dương nhằm san sẻ khó khăn trong thời điểm hiện nay. Đồng thời, các đại biểu cũng đề xuất nhiều kiến nghị về chính sách miễn giảm, giãn thuế, giảm công tác thanh, kiểm tra hay các chính sách về Bảo hiểm xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn với lãi suất ưu đãi để tạo điều kiện cho doanh nghiệp chăm lo tốt cho người lao động….

UBND tỉnh đã có văn bản kịp thời chỉ đạo các sở, ngành thực hiện nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động trước những khó khăn hiện nay như: hướng dẫn cho các doanh nghiệp và người lao động thực hiện đúng theo quy định của Bộ luật Lao động 2019 trong vấn đề ngừng việc, thỏa thuận tạm hoãn hoặc nghỉ việc không hưởng lương trong trường hợp doanh nghiệp quá khó khăn không bố trí được việc làm cho người lao động…

Tỉnh cũng chỉ đạo ngành thống kê rà soát tình hình lao động ở các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp để có hướng điều tiết các doanh nghiệp đang cắt giảm lao động sang các doanh nghiệp vẫn đang có nhu cầu tuyển dụng; tăng cường các hình thức chăm lo đời sống cho người lao động, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 sắp đến, góp phần giúp người lao động vượt qua khó khăn, an tâm gắn bó với doanh nghiệp, với Bình Dương.

Trong năm 2022 UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các ngành triển khai, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trên địa bàn tỉnh Bình Dương theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

Đến nay về cơ bản đã có 09/09 địa phương trên địa bàn tỉnh đã thực hiện giải ngân hoàn thành chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, với tổng số hồ sơ UBND cấp huyện tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt là 12.883 lượt doanh nghiệp, cho 1.573.726 lượt lao động, tổng kinh phí phê duyệt 973.765.500.000 đồng. Qua đó, góp phần hỗ trợ người lao động còn khó khăn về nhà ở yên tâm làm việc, phục hồi thị trường lao động của tỉnh sau COVID-19.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản đề nghị các ngành tăng cường công tác phối hợp nắm tình hình, kịp thời hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 trong trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn phải giảm quy mô hoạt động sản xuất, giảm lao động, giảm giờ làm…; chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh (TTDVVL - đơn vị thuộc Sở) tăng cường trong công tác tổ chức tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) cho người lao động nhanh, đúng và kịp thời. 

Trong năm 2022 tổng số người lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp là hơn 80.000 người. Ngoài ra, TTDVVL tỉnh còn thực hiện kết nối cung - cầu lao động có hiệu quả, tăng cường thu thập thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn để hỗ trợ người lao động tiếp cận với các vị trí việc làm, giới thiệu lao động đến doanh nghiệp nộp hồ sơ ngay trong ngày; dự báo nhu cầu tuyển dụng cuối năm tại Bình Dương.

Theo thống kê từ đầu tháng 10/2022 đến nay có gần 200 doanh nghiệp có đăng ký tuyển dụng với TTDVVL số lượng hơn 4.700 lao động. Trong đó khu vực Thuận An, Thủ Dầu Một và Tân Uyên có nhiều doanh nghiệp tuyển dụng hơn các khu vực còn lại.

Ngoài ra, Sở còn tổ chức hiệu quả “Hội thảo đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương năm 2022” với sự tham dự của 34 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hơn 60 doanh nghiệp cùng các sở, ngành là các Hiệp hội Ngành hàng trên địa bàn tỉnh…qua đó đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, gắn kết giữa đào tạo và việc làm, giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, cải thiện năng suất lao động của tỉnh.

Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Công thương, Ban Quản lý các khu công nghiệp Bình Dương cũng thường xuyên tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thêm đơn hàng sản xuất tạo việc làm cho người lao động.

Các sở, ngành cũng cũng phối hợp thực hiện hoặc tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh các biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp để các doanh nghiệp duy trì khả năng hoạt động tốt nhất trong điều kiện có thể nhằm tạo thêm việc làm mới giúp giải quyết tình trạng lao động mất việc, xây dựng và ban hành Kế hoạch bình ổn thị trường hàng hóa Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 với tổng giá trị hơn 6.000 tỷ đồng.

Liên đoàn Lao động tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn chủ động phối hợp cùng chính quyền, tổ chức đoàn thể địa phương tuyên truyền, vận động các chủ nhà trọ miễn, giảm, giãn tiền thuê phòng trọ cho người lao động nhằm kịp thời hỗ trợ, chia sẻ khó khăn của người lao động. 

Đồng thời, trong dịp Tết Nguyên đán 2022 và tháng công nhân, căn cứ vào đề xuất của Liên đoàn Lao động tỉnh, UBND tỉnh đã tặng quà cho 21.859 công nhân lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng số tiền là 10 tỷ 929,5 triệu đồng (mỗi suất 500.000đ) 4 và hỗ trợ 5.000 suất quà cho gia đình đoàn viên, công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn (mỗi suất 1 triệu đồng).

Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, để thực hiện tốt công tác chăm lo cho Người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội và công nhân lao động nghèo xa quê, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã có Tờ trình số 152/TTr-SLĐTBXH, ngày 04/11/2022 để xây dựng Phương án chi hỗ trợ cho các đối tượng. 

Trong đó, dự kiến mức chi tăng so với mức chi của các năm 2020, 2021 và năm 2022 cho một số đối tượng, Sở đã đề xuất tổng dự toán kinh phí tạm tính chi hỗ trợ Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 là 214.794.100.000 đồng (trong đó: Ngân sách cấp tỉnh 156.976.000.000 đồng; Ngân sách cấp huyện 57.818.100.000 đồng), tăng 58,8% so với kinh phí dự toán của năm 2020 (năm 2020 Ngân sách cấp tỉnh 100.131.500.000 đồng; Ngân sách cấp huyện 26.240.000.000 đồng).

Trước những khó khăn của doanh nghiệp tác động trực tiếp đến cuộc sống người lao động, để góp phần hỗ trợ công nhân lao động nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không đủ điều kiện về quê ăn tết, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã kiến nghị UBND tỉnh tăng mức chi từ 500.000 đồng/suất lên 600.000 đồng/suất, bao gồm 46.500 suất quà cho 46.500 đối tượng cả ngân sách tỉnh và cấp huyện với tổng kinh phí 27.900.000.000 đồng.

Trong năm 2023, dự đoán các doanh nghiệp sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong quý 1/2023. Để ổn định tình hình và hạn chế thấp nhất các ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp và việc làm của người lao động, nhà nước, các bộ ban ngành và doanh nghiệp cần phải tiếp tục thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, tuyên truyền để doanh nghiệp và người lao động cùng hiểu và chia sẻ khó khăn.

Thứ hai, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành liên quan để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động.

Thứ ba, các doanh nghiệp cần phối hợp chia sẻ để điều tiết nguồn lao động từ nơi cắt giảm đến nơi còn nhu cầu.

Thứ tư, tiếp tục các chính sách hỗ trợ đến người lao động gặp khó khăn.

Thứ năm, nhà nước có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp.