Bộ Tài nguyên: Thủy ngân đã phát tán ra môi trường sau vụ cháy công ty Rạng Đông

An Chi - 21:14, 04/09/2019

TheLEADERThứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân khẳng định sự cố cháy nổ ở Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông liên quan đến hoá chất, ảnh hưởng đến môi trường, gây ô nhiễm không khí và nước mặt.

Bộ Tài nguyên: Thủy ngân đã phát tán ra môi trường sau vụ cháy công ty Rạng Đông
Đã có từ 15,1 - 27,2kg thủy ngân đã phát tán ra môi trường sau vụ cháy nhà xưởng Rạng Đông. Ảnh Hồng Minh

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối nay, trả lời về sự cố cháy nổ tại công ty Rạng Đông, ông Nhân cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức nhiều cuộc họp với các bộ ngành, tham vấn ý kiến chuyên gia để thống nhất số liệu thủy ngân phát tán ra môi trường sau vụ cháy.

Theo ông Nhân, báo cáo ban đầu của công ty Rạng Đông cho biết, nguồn thuỷ ngân phát tán ra môi trường là 15,1kg. Tuy nhiên, theo tính toán của các nhà khoa học từ các số liệu 30mmg thủy ngân cho bóng đèn huỳnh quang và 8mmg cho bóng đèn compact thì khối lượng phát tán khoảng 27,2kg.

“Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định đã có từ 15,1 - 27,2kg thủy ngân đã phát tán ra môi trường. Rất may là ba kho tủ chứa amalgam sản xuất bóng đèn là chưa cháy và còn nguyên. Khối lượng lớn thuỷ ngân này không bị cháy", ông Nhân nói.

Cũng theo lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các hóa chất gây ô nhiễm chủ yếu là thuỷ ngân, một số kim loại nặng. Các chất này phát tán vào không khí và môi trường xung quanh, một phần lẫn vào nước, chảy vào sông Tô Lịch, tích tụ trầm tích ở bùn đáy.

Thứ trưởng Nhân cho biết Bộ đã lấy mẫu nước, trầm tích xung quanh nhà máy và cho nhiều kết quả khác nhau.

Có 1/12 mẫu nước mặt có giá trị nồng độ thuỷ ngân vượt quy chuẩn Việt Nam 1,3 lần tại điểm quan trắc trên sông Tô Lịch, cách cống xả gom nước thải của công ty ở ngõ 320 Khương Đình 1,5km.

1/8 mẫu nước thải có giá trị nồng độ thuỷ ngân vượt quy chuẩn Việt Nam 2,76 lần tại hố ga cạnh xưởng sản xuất đèn Led trong công ty.

Có 12/13 mẫu trầm tích, bùn đáy có giá trị nồng độ thuỷ ngân vượt quy chuẩn Việt Nam. Điểm quan trắc tại sông Tô Lịch, cách cống xả gom nước thải của công ty ngõ 320 Khương Đình 1km có giá trị nồng độ thuỷ ngân cao nhất, vượt quy chuẩn Việt Nam 6,1 lần.

Có 1/6 mẫu không khí có giá trị nồng độ thuỷ ngân vượt quy chuẩn Việt Nam 1,02 lần tại điểm quan trắc trong khuôn viên nhà kho bị cháy của công ty.

Theo ông Nhân, trong khoảng từ hàng rào công ty đến khoảng cách 200m, các mẫu hấp phụ thủy ngân đều có giá trị nằm trong ngưỡng khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và châu Âu - ngưỡng ảnh hưởng đến sức khỏe con người tại khu vực đô thị.

Các điểm quan trắc không khí trong khuôn viên công ty phía trước khu cháy và trong nhà kho bị cháy có giá trị nồng độ thuỷ ngân trong môi trường không khí cao vượt ngưỡng khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và ATSDR - Mỹ từ 10 đến 30 lần. Đây là ngưỡng ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe con người.

Có 2/9 điểm quan trắc nước mặt nằm ngoài khoảng khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Đó là điểm hồ Hạ Đình và điểm sông Tô Lịch cách ngõ 320 Khương Đình 1,5 km về phía hạ lưu.

Báo cáo của công ty Rạng Đông cho biết vụ hoả hoạn xảy ra lúc 8h ngày 28/8/2019 tại bộ phận sản xuất bóng đèn dây tóc, ống đèn CFL và một kho thành phẩm tại cơ sở Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Theo ông Nhân, đây là sự cố cháy nổ mất an toàn hoá chất, ảnh hưởng sức khoẻ con người ở mức độ trung bình. Phạm vi vùng có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của người dân là trong khoảng cách 500m tính từ hàng rào nhà máy bị cháy.

Về giải pháp khắc phục, trước hết Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị công ty Rạng Đông cô lập, phủ bạt khu vực bị cháy, che chắn mái tôn, tránh mưa và không để hơi thuỷ ngân phát tán ra môi trường. Với chất tàn dư thì tiến hành thu gom, thu giữ, lưu giữ các chất tàn dư trong container để xử lý theo quy định.

Đồng thời, phối hợp đơn vị chức năng tiến hành tẩy độc khu vực bị cháy và thống kê chính xác số lượng hàng hoá, vật liệu bị cháy, báo cáo cơ quan chức năng để xác định đúng số lượng, kiểm tra sức khoẻ cán bộ công nhân và người lao động.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng yêu cầu UBND TP. Hà Nội tiếp tục cô lập và cách ly khu vực nhà kho cháy theo đúng phương án đã phê duyệt, hướng dẫn thực hiện, phân loại thu gom vận chuyển xử lý tàn dư vụ cháy, kể cả phế liệu vật liệu theo đúng quy định. Khuyến cáo người dân trong phạm vi bán kính 500m tổ chức phòng ngừa, ngăn chặn phơi nhiễm và kiểm tra sức khoẻ định kỳ.

Trước đó, một ngày sau khi xảy ra vụ cháy, UBND phường Hạ Đình ra thông báo khuyến cáo người dân bảo vệ sức khoẻ nhưng lại thu hồi công văn vì không đúng thẩm quyền và chưa đủ cơ sở.

Nhưng ngày 31/8, Tổng cục Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường ra văn bản khuyến cáo người dân sinh sống tại khu vực xung quanh công ty không sử dụng nước từ các bể chứa nước không được che đậy kín; thau rửa các bể chứa nước không được che đậy kín; tạm thời không sử dụng các thực phẩm được nuôi trồng tại khu vực xung quanh công ty cho đến khi các cơ quan chức năng nhà nước công bố giới hạn về phạm vi, mức độ ảnh hưởng của sự cố.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với Hà Nội tổ chức quan trắc, đánh giá khả năng nguy cơ ô nhiễm để có giải pháp kịp thời. Tới đây, Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam, Tổng cục môi trường và các chuyên gia Nhật Bản sẽ nghiên cứu lắp đặt trạm quan trắc trực tuyến tại khu vực này để theo dõi môi trường khu vực

Về lâu dài, ông Nhân cho biết, quan điểm của Bộ Tài nguyên và Môi trường là có lộ trình thích hợp di dời các nhà máy này ra khỏi khu dân cư. Bộ đề nghị TP. Hà Nội tạo điều kiện di dời nhà máy, không chỉ đối với công ty Rạng Đông mà nhiều công ty khác cũng nên di rời khỏi khu dân cư, đặc biệt là các cơ sở có nguy cơ ô nhiễm và nguồn hoá chất.