Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định tăng thu ngân sách nhanh hơn GDP

An Nhiên - 08:49, 25/10/2017

TheLEADER"Khi ước thực hiện thu tăng 2,3% so với dự toán (tăng 23.700 tỷ đồng) đã là mức cao hơn so với dự toán, và đã cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng 6,7% cộng lạm phát 4% (là 10,5%)", Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phân tích.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định tăng thu ngân sách nhanh hơn GDP
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo trong phiên họp Tổ tại Quốc hội sáng ngày 24/10.

Sáng 24/10, tại phiên họp tổ tại Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội, tài chính ngân sách, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã giải thích làm rõ nhiều vấn đề được nêu trong báo cáo của Uỷ ban Tài chính ngân sách về kết quả tình hình thực hiện Ngân sách Nhà nước năm 2017, dự toán 2018.

Năm 2017: Thu ngân sách tăng cao hơn nhiều so với tăng trưởng, lạm phát

Trước hết, về ý kiến tăng trưởng kinh tế 6,7% trong khi thu ngân sách nhà nước chỉ tăng 2,3% so với dự toán, Bộ trưởng cho biết dự toán thu được tính trên cơ sở tăng trưởng GDP 6,7% và lạm phát 4%. Đồng thời, dự toán thu khi xây dựng đã cao hơn 10,1% so với ước thực hiện năm 2016, trong đó dự toán thu nội địa tăng tới 14,7%. 

Như vậy, khi ước thực hiện thu tăng 2,3% so với dự toán (tăng 23.700 tỷ đồng) đã là mức cao hơn so với dự toán, và đã cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng 6,7% cộng lạm phát 4% (là 10,5%). Bộ trưởng còn cho biết, theo ước tính mới nhất, mức thực hiện thu cuối năm còn cao hơn mức dự tính hiện nay, nhờ vượt thu từ ngân sách địa phương.

Về vấn đề thu ngân sách nhà nước từ 3 khu vực chính không đạt dự toán, Bộ trưởng cho biết, năm nay ước tính thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước ước đạt 92,3% dự toán, từ khu vực doanh nghiệp FDI ước đạt 95,1% dự toán, ngoài quốc doanh ước đạt 97,2% dự toán. 

Thực tế này xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về chủ quan, cả 3 khu vực này đều được giao dự toán khá cao. So với năm 2016, dự toán khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 8,8%, doanh nghiệp FDI tăng 22,9%, ngoài quốc doanh tăng 23,8%, cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Do đó, dù không đạt dự toán nhưng mức thực hiện vẫn là tích cực và có sự tăng trưởng cao. 

Bên cạnh đó, nguyên nhân khách quan là dù kinh tế khởi sắc nhưng nhiều doanh nghiệp còn khó khăn. Ước tính, cứ thêm 4 doanh nghiệp đăng ký mới thì 3 doanh nghiệp đóng cửa, phá sản. Do đó, nguồn thu từ khu vực này cũng bị ảnh hưởng.

Liên quan đến ý kiến về nguồn thu ngân sách trung ương khó khăn trong khi đã tăng khai thác 1 triệu tấn dầu thô, Bộ trưởng nêu rõ, trong giai đoạn 2006 - 2010, tỉ trọng thu từ dầu thô (cả xuất khẩu và nhập khẩu) trong tổng thu ngân sách là 20%. 

Đến năm 2017, tỷ lệ này chỉ còn 3,2%, dù quy mô thu giai đoạn này đã tăng hơn 2 lần. Do đây là khoản thu của ngân sách trung ương nên phần thu của ngân sách trung ương ngày càng nhỏ dần. Hơn nữa, giá dầu thô đang ước thực hiện khoảng 53 USD/thùng, là mức thấp so với giai đoạn trước nên thực tế việc tăng khai thác 1 triệu tấn không đóng góp quá nhiều.

Cần cơ chế xử lý nợ đọng thuế không có khả năng thu hồi

Đặc biệt, trong phiên họp, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh đến vấn đề nợ đọng thuế, một bất cập trong công tác thu ngân sách hiện nay. Theo Bộ trưởng, tính đến 30/9, tổng nợ thuế cả nước là 73.900 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng thu là 27.648 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 37,4%. Nợ từ tiền phạt vi phạm hành chính và chậm nộp là 18.061 tỷ, chiếm 24,4%. Còn lại là nợ khó có khả năng thu hồi do doanh nghiệp giải thể, mất tích, chủ doanh nghiệp đã chết, mất năng lực hành vi, đang thi hành án hình sự... lên tới 28.221 tỷ đồng, chiếm tỉ trọng lớn nhất là 32,8%. 

Đáng chú ý, theo thống kê, có tới hơn 600.000 doanh nghiệp, hộ kinh doanh đang nợ đọng thuế, có những đối tượng đã nợ hơn 10 năm. Mặc dù Luật Quản lý thuế đã có những giải pháp xử lý nhưng vẫn có những bất cập như giải pháp phải có toà tuyên bố phá sản mà thực tế doanh nghiệp chỉ tự đóng cửa, chuyển đổi mà không đăng ký ra toà để phá sản.

Như vậy, theo Bộ trưởng, nợ có khả năng thu hồi chỉ chiếm khoảng 3% thu ngân sách nội địa, mức thấp so với thông lệ quốc tế là 5%. Năm 2015 nợ đọng là 76.450 tỷ đến nay còn 73.900 tỷ đồng, và mục tiêu giao cho Tổng cục thuế là không vượt quá 72.000 tỷ đồng. Dù vậy, một phần số nợ đọng này vẫn tăng tự động do các yếu tố như lãi phạt tính theo ngày.

Để giải quyết vấn đề này, hiện nay Bộ Tài chính đang tổng hợp, rà soát, phân tích theo từng nhóm, từng địa bàn để đề xuất báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội phương án xử lý, bởi việc để khoản nợ đọng lại theo dõi cũng không còn có ý nghĩa.