Chìa khóa đưa đồng bằng sông Cửu Long mang thương hiệu thế giới

Phạm Sơn - 15:17, 18/12/2021

TheLEADERLiên kết vùng, thích ứng và phát triển trong điều kiện biến đổi khí hậu sẽ là những vấn đề trọng tâm phát triển đồng bằng sông Cửu Long, theo quan điểm của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan.

Chìa khóa đưa đồng bằng sông Cửu Long mang thương hiệu thế giới
Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại Diễn đàn Liên kết phát triển TP.HCM và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Dịch Covid-19, đặc biệt là đợt bùng phát lần thứ 4 đẩy nền kinh tế Việt Nam nói chung và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói riêng rơi vào tình trạng hết sức khó khăn. 

Theo nghiên cứu của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), đa số doanh nghiệp miền Tây tập trung ở các lĩnh vực tạo ra ít giá trị gia tăng, do đó càng rơi vào hiểm nghèo vì không có tài sản tích lũy.

Hiện tại, dịch bệnh đã phần nào nằm trong tầm kiểm soát, chiến lược chống dịch cũng được thay đổi từ “zero Covid-19” thành “sống chung an toàn với dịch bệnh”. Tương lai của nền kinh tế, của từng ngành nghề trong giai đoạn bình thường mới và hậu đại dịch là chủ đề đang rất được quan tâm.

Bộ trưởng Bộ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhận định, dù ngành nghề nào tồn tại, ngành nghề nào biến mất sau cú sốc Covid-19, nông nghiệp vẫn sẽ duy trì vai trò thiết yếu, không chỉ là trụ đỡ mà còn là ngành đảm bảo sinh kế, an ninh lương thực.

Nhìn qua lăng kính đó, có thể thấy đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa của Việt Nam có vai trò quan trọng như thế nào đối với sự phát triển của đất nước. Thực tế, trong giai đoạn đầy khó khăn, số ca F0 tăng đột biến, giãn cách xã hội, đứt gãy lưu thông, nông nghiệp miền Tây vẫn duy trì mức sản lượng và tăng trưởng.

Liên kết vùng là bài toán sống còn

Bộ trưởng Lê Minh Hoan là người có nhiều năm gắn bó với mảnh đất Chín Rồng, từ khi còn làm lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp. Hồi tưởng lại ngày đó, ông Hoan kể câu chuyện về việc mời gọi một nhà đầu tư người Úc trong lĩnh vực chăn nuôi tới tìm hiểu và tổ chức xúc tiến đầu tư cho xứ sở của sen hồng.

Nhà đầu tư người Úc thẳng thắn trả lời vị lãnh đạo tỉnh, rằng ở Úc không hề biết đến Đồng Tháp, An Giang hay Bến Tre là đâu hết, mà chỉ biết đến “Mekong Delta” rộng lớn, trù phú, màu mỡ bậc nhất trên thế giới.

Câu chuyện đó khơi dậy nhiều suy nghĩ cho ông Hoan, cho đến tận khi nắm vai trò tư lệnh ngành nông nghiệp. Bộ trưởng nhận định, mời gọi đầu tư hay các hoạt động thúc đẩy sự phát triển của miền Tây không thể duy trì tư duy địa phương mà cần phải nghĩ tới tư duy theo vùng, liên kết để cùng phát huy nội tại.

Thực tế, câu chuyện liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long đã được nhắc đến hàng chục năm nay, không chỉ từ Trung ương mà các lãnh đạo địa phương cũng đề cập tới. Tuy nhiên, liên kết vùng đến nay vẫn chưa thể được thực hiện một cách triệt để.

Lý giải về điều này, bộ trưởng cho rằng một nguyên nhân nằm ở cơ sở hạ tầng giao thông kết nối vẫn thiếu đồng bộ. Theo nghiên cứu của Đại học Fulbright và VCCI, toàn miền Tây rộng lớn chỉ có khoảng 100km đường cao tốc, chỉ bằng một nửa so với riêng tỉnh Quảng Ninh.

Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng chỉ là điều kiện cần. Thực tế, với việc triển khai Nghị quyết 120 và Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn 2050, vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kết nối giao thông cho miền Tây, với các tuyến đường cao tốc, sân bay, cảng nước sâu, trung tâm logistics… sẽ được đẩy mạnh trong giai đoạn tới.

Kể cả khi có kết nối giao thông, câu chuyện liên kết vùng vẫn cần điều kiện đủ, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan là nằm ở chính tư duy liên kết của chính quyền, doanh nghiệp cho tới mỗi người dân.

Trong đó, người nông dân và doanh nghiệp không thể chờ đợi chính sách mà có quyền chủ động, tích cực đóng góp vào chính sách, đưa ra những mô hình, những giải pháp hiệu quả và mang tính thực tiễn.

“Chính sách được ban hành trên giấy luôn có khoảng cách với thực tiễn của người nông dân ngoài cánh đồng, do đó cơ quan quản lý luôn mong muốn đồng hành với người dân và doanh nghiệp để có được chính sách và mô hình hiệu quả, thực tế”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Một yếu tố quan trọng khác là liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long với TP.HCM và khu vực kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, thị trường tiêu thụ lớn và cũng là cửa ngõ cho miền Tây đi ra thế giới.

Đừng ngại thay đổi

Mối nguy lớn nhất đặt ra với mảnh đất Chín Rồng không phải là câu chuyện Covid-19 hay sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng, mà nằm ở vấn đề biến đổi khí hậu. Theo những dự báo quốc tế, miền Tây hoàn toàn có thể chìm trong nước biển nếu mực nước biển tiếp tục dâng, cộng với sự xói mòn đất mà không có kế hoạch thích ứng phù hợp.

Thực tế, biến đổi khí hậu là vấn nạn toàn cầu, khó có thể ngăn chặn, cần có sự hợp tác chặt chẽ và nỗ lực vượt bậc của mọi quốc gia trên thế giới mới có thể duy trì nền nhiệt toàn cầu tăng không quá 1,5 độ C, theo như Thỏa thuận Paris, chứ chưa thể đảo ngược quá trình này.

Đối diện với thực tế đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn lời một chuyên gia về miền Tây rằng thay vì lo lắng, thấp thỏm, ám ảnh bởi biến đổi khí hậu, miền Tây cần tư duy theo hướng tiếp tục phát triển kể cả khi phải chịu tổn thương từ biến đổi khí hậu. Đây cũng là quan điểm mang tính “thuận thiên” được đưa ra trong Nghị quyết 120.

Cốt lõi để thực hiện được tư duy này nằm ở việc dám thay đổi, một động từ nói rất dễ nhưng không dễ để thực hiện bởi “đứng trước sự thay đổi, người ta thường cân nhắc quá nhiều đến cái giá để trả sự thay đổi”. Tuy nhiên, một yếu tố cần được cân nhắc ở đây là “cái giá phải trả cho việc không chịu, không dám thay đổi, nhiều khi còn cao hơn rất là nhiều”.

Sự thay đổi, không chỉ với miền Tây mà với toàn ngành nông nghiệp nằm ở sự chuyển dịch xu thế tiêu dùng trên thế giới. Ngày nay, người tiêu dùng toàn cầu không chỉ đòi hỏi nông sản ngon, rẻ mà còn phải sạch, phải có xuất xứ rõ ràng, phải bền vững, hoạt động canh tác không được gây hại cho môi trường.

Thích ứng với điều kiện đó cần sự thay đổi, chuyển từ tư duy sản lượng sang tư duy giá trị. Bởi nếu mãi duy trì tư duy sản lượng, tức là cứ canh tác sao cho càng nhiều lúa gạo, hoa quả càng tốt, chúng ta sẽ phải đánh đổi bằng những chi phí ẩn như sự biến dạng, thương tổn cho hệ sinh thái, đánh mất đa dạng sinh học, đánh mất hình ảnh thương hiệu của cả nền nông nghiệp, thậm chí là thương hiệu của cả một quốc gia.

Sự thay đổi ấy đến từ những việc rất nhỏ, giống như trong câu chuyện của một đại diện Quỹ Bảo tồn thiên nhiên thế giới tại Việt Nam với Bộ trưởng, là “anh từng làm lãnh đạo ở miền Tây, anh bảo miền Tây đừng ăn thịt chim trời nữa”.

Câu chuyện tưởng chừng rất nhỏ ấy nhưng nếu làm trước được sẽ gợi mở ra nhiều vấn đề to lớn hơn, ví dụ như bảo tồn đa dạng sinh học.

Kết thúc phát biểu tại Diễn đàn Liên kết phát triển TP.HCM và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gửi gắm thông điệp hãy là những người trực tiếp làm, để tự hào sau 20 năm nữa, chúng ta “vượt biến đổi khí hậu một cách vững chãi và có một đồng bằng mang thương hiệu thế giới”.