BVSC: Hoạt động của Thế Giới Di Động khó phục hồi trong năm nay

Trần Anh - 15:32, 31/08/2021

TheLEADERKết quả kinh doanh quý 3/2021 của Thế Giới Di Động đối mặt áp lực sụt giảm khi các biện pháp chống dịch được siết chặt ảnh hưởng hoạt động bán hàng của mảng điện tử và điện máy, đặc biệt tại khu vực phía Nam.

Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) vừa đưa ra dự báo tình hình kết quả kinh doanh của Công ty Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG). Theo đó Thế Giới Di Động có thể ghi nhận lợi nhuận quý 3 giảm hơn 50% so với cùng kỳ, còn khoảng 475 tỷ đồng.

BVSC: Hoạt động của Thế Giới Di Động khó phục hồi trong năm nay
Lợi nhuận quý 3 của Thế Giới Di Động dự báo giảm 50% so với cùng kỳ

Theo BVSC, kết quả kinh doanh quý 3/2021 của công ty bán lẻ đối mặt áp lực sụt giảm khi các biện pháp chống dịch được siết chặt ảnh hưởng hoạt động bán hàng của mảng điện tử và điện máy, đặc biệt tại khu vực phía Nam cũng như gây áp lực chi phí mảng Bách Hóa Xanh dù doanh số tích cực do khó khăn về chuỗi cung ứng.

Trước đó, Thế Giới Di Động đã công bố kết quả sơ bộ tháng 7, thể hiện những khó khăn đã và đang đối mặt trong quý 3. Thực tế, mặc dù ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ của chuỗi Bách Hóa Xanh nhờ nhu cầu nhu yếu phẩm tăng cao trong khi các chợ truyền thống ngưng hoạt động, Thế Giới Di Động ghi nhận sụt mạnh của mảng di động và điện máy khi doanh thu giảm 28% so với cùng kỳ.

Mức độ sụt giảm được kỳ vọng sẽ còn kéo dài hơn khi việc giao hàng tại các tỉnh miền Nam đang gặp khó khăn từ đầu tháng 8, sẽ hạn chế cả doanh thu online (đóng góp hơn 19% doanh thu trong tháng 7). Theo chia sẻ từ ban lãnh đạo, với các hạn chế trong việc giao hàng như hiện tại, doanh thu toàn chuỗi ước tính chỉ đạt khoảng 40% so với thông thường.

Bên cạnh đó, biên lợi nhuận gộp của hệ thống Bách Hóa Xanh cũng bị ảnh hưởng nhẹ so với tháng 6, dưới tác động từ áp lực chuỗi cung ứng.

Chia sẻ mới đây nhất của lãnh đạo Thế Giới Di Động, doanh thu tháng 8 của Bách Hóa Xanh ước khoảng 3.000 tỷ đồng. Doanh thu trung bình mỗi ngày đầu tháng 8 khoảng 100 tỷ đồng, giảm khoảng 30% so với mức đỉnh hồi tháng 7 do nhu cầu giảm sau đợt mua sắm tích trữ ồ ạt.

Chủ tịch Thế Giới Di Động từng chia sẻ, nếu giãn cách vẫn căng thẳng như hiện nay thì nhiều khả năng công ty sẽ không về đích, còn trong quý 3 thì khó có thể lỗ.

Với hàng tồn kho, đặc biệt ở nhóm sản phẩm điện tử và điện máy gia tăng tại cuối quý 2 cũng tồn tại rủi ro trích lập dự phòng giảm giá nếu dịch bệnh tiếp tục phức tạp và các biện pháp chống dịch triệt để như hiện tại kéo dài.

Tuy nhiên, theo chia sẻ, do tính chất vòng đời của các sản phẩm điện máy hiện tại của Công ty là khá dài, nên trước mắt việc trích dự phòng sẽ chưa ảnh hưởng lên kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngoài ra, với vị thế dẫn đầu tại thị trường bán lẻ, với 50% thị phần nhóm điện thoại, 40% thị phần nhóm điện tử điện máy, rủi ro liên quan đến tồn kho lỗi thời ít nhiều sẽ được các hãng san sẻ nếu tình hình sức mua tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn từ đại dịch.

Đánh giá về hoạt động của Thế Giới Di Động trong thời gian tới, BVSC kỳ vọng vào xu hướng “bình thường mới” từ đầu tháng 10 về cuối năm sau khi các biện pháp giãn cách triệt để hiện tại giúp giảm tình trạng lây lan dịch cũng như áp lực lên hệ thống y tế tại địa phương.

Ngoài ra, theo kế hoạch lộ trình vaccine của Bộ Y tế, tổng số liều Việt Nam có thể tiếp nhận trước cuối năm là 120 triệu hứa hẹn giúp tăng tỷ lệ tiêm chủng trong dân. Do đó, khi các hoạt động sản xuất, xã hội được khôi phục dần, doanh số bán lẻ được kỳ vọng hồi phục trở lại, đặc biệt với các nhóm hàng thiết yếu, bao gồm sản phẩm điện tự điện máy gia dụng.

Báo cáo của BVSC dự báo trong năm 2021, kết quả kinh doanh của Thế Giới Di Động sẽ không tăng trưởng đáng kể so với năm 2020 và đà phục hồi sẽ cải thiện đáng kể trong năm 2022.

Triển vọng phục hồi vào năm 2022 khả quan được hỗ trợ bởi tăng trưởng doanh thu của mảng điện tử điện máy nhờ kỳ vọng sức mua hồi phục ổn định khi tỷ lệ tiêm chủng được nâng cao và triển vọng gia tăng thị phần của Thế Giới Di Động.

Cùng với đó, xu hướng cải thiện hiệu quả của chuỗi Bách hóa Xanh bên cạnh duy trì tăng trưởng doanh thu nhờ mở mới cửa hàng và cải thiện chất lượng doanh thu cửa hàng hiện hữu. Ngoài ra, doanh số nhóm nhãn hàng riêng (chủ yếu thuộc lĩnh vực FMCG) cũng được kỳ vọng cải thiện mạnh mẽ, từ mức 2% tổng doanh thu trong 2020 lên mức 15% hiện tại và tiến tới đạt 25% cuối năm, sẽ góp phần giúp gia tăng biên lãi gộp.