‘Căn bệnh Hà Lan’ trong thu ngân sách

Phạm Sơn - 12:32, 22/01/2021

TheLEADERBất cập trong chính sách thuế cũng như cơ chế liên kết vùng gây cản trở cho phát triển kinh tế địa phương.

‘Căn bệnh Hà Lan’ trong thu ngân sách
Bất cập trong chính sách thuế tạo ra những nghịch lý về thu ngân sách năm 2020. Ảnh: Hà Nội mới

Theo số liệu từ Tổng Cục thuế, tổng thu ngân sách năm 2020 đạt 1.481,6 nghìn tỷ đồng, đạt 98% dự toán. Đây là điều khá bất ngờ trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây ra những tác động bao trùm lên nền kinh tế.

Lý giải về tổng thu ngân sách cao trong khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, TS. Vũ Sỹ Cường, chuyên gia Học viện Tài chính cho biết, các gói cứu trợ chủ yếu mang tính chất hoãn và giãn chứ không phải là miễn giảm thuế, phí nên số thu bị ảnh hưởng không đáng kể.

Cùng với đó, một nghịch lý xảy ra trong công tác thu ngân sách tại địa phương. Cụ thể, các địa phương nghèo, chưa phát triển lại có mức thu ngân sách vượt dự toán vì chủ yếu nguồn thu dựa vào tiền thuế đất. Trong khi đó, tại các tỉnh, thành phát triển như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng có nguồn thu bị giảm mạnh do các hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ gián đoạn, khó khăn.

Các chuyên gia nhận định, nghịch lý trên có thể trở thành hiện tượng "căn bệnh Hà Lan", bề ngoài mang tín hiệu tốt nhưng làm bộc lộ những yếu điểm sâu sắc trong nền kinh tế.

“Kinh tế khó khăn mà nguồn thu ngân sách vẫn cao nhờ thuế đất, như vậy các địa phương cứ tập trung vào kiếm nguồn thu từ đất đai, bất động sản vừa dễ vừa tiện, việc gì phải đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ”, ông Cường đặt vấn đề.

Đi sâu vào vấn đề, nghịch lý lại tiếp tục phát sinh khi các địa phương “nói chính thức là thu tiền sử dụng đất, nói bình dân là thu tiền bán đất” khi thuế đất chủ yếu đến từ khoản tiền người dân phải nộp để nhận được quyền sử dụng đất.

Những bất cập này có thể không gây ra ảnh hưởng rõ rệt trong ngắn hạn nhưng sẽ là yếu tố cản trở phát triển năng lực cạnh tranh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong dài hạn.

Chuyên gia Học viện Tài chính lập luận, cơ chế về thuế tài sản, đặc biệt là thuế bất động sản cần phải được bổ sung để tạo nguồn thu thường xuyên bền vững cho các địa phương, tránh hiện tượng đầu tư xây dựng nông thôn mới nhưng không có tiền bảo trì hạ tầng.

Thiếu cơ chế liên kết vùng

Bình luận về động lực phát triển kinh tế năm 2021, chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan đề xuất cần tập trung cao vào phát triển kinh tế vùng, trong đó đặc biệt cần tạo cơ chế liên kết vùng để tạo nền tảng giải quyết các điểm nghẽn trong quy hoạch kinh tế.

Theo nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, điều này cần xuất phát từ việc khuyến khích các địa phương hiểu được lợi ích từ việc liên kết vùng, đặc biệt trong vấn đề nâng cao hiệu quả nông nghiệp cũng như xử lý rác thải, bảo vệ môi trường.

Đồng quan điểm với bà Lan, ông Cường nhận định, cơ chế liên vùng vô cùng quan trọng để huy động nguồn lực của địa phương nhưng công tác thực thi lại rất khó khăn, thậm chí “liên kết huyện cũng khó”.

Không phải quá đáng khi nói Việt Nam có 63 nền kinh tế riêng lẻ!
TS Vũ Sỹ Cường
Chuyên gia Học viện Tài chính, Bộ Tài chính

Ông Cường lập luận, nhiều vấn đề như giao thông, phân phối nước sạch, giáo dục, y tế rất cần có sự hợp lực nhưng việc thiếu liên kết vùng làm nguồn lực bị phân mảnh, dẫn tới tiêu tốn về chi phí, hiệu quả không cao, đời sống của nhân dân trực tiếp bị ảnh hưởng.

Tiếp nhận kiến nghị của các chuyên gia, ông Đỗ Thành Trung, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và đầu tư thừa nhận cơ chế liên kết vùng đang là vấn đề cấp thiết để phục vụ đầu tư phát triển cũng như giải quyết nội hàm của từng địa phương.

Vụ trưởng Trung cũng cho biết, vấn đề này đang được Bộ Kế hoạch và đầu tư nghiên cứu kiến nghị lên Chính phủ trong thời gian sớm nhất.