Cần hành động ngay để tránh cuộc khủng hoảng về an sinh
Phạm Sơn
Thứ năm, 22/02/2024 - 08:00
Thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp buộc phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động, đẩy người lao động rơi vào thế khó khăn.
Tưởng chừng như điều đó là hệ lụy nền kinh tế toàn cầu suy thoái. Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Đời sống xã hội (Social Life), kinh tế khó khăn chỉ là yếu tố trực diện, là “giọt nước tràn ly” cho sự bất ổn đã diễn ra suốt hàng chục năm phát triển.
Những bất ổn đó, được ông Lộc chia sẻ với TheLEADER trong câu chuyện đầu năm.
Năm vừa qua, đặc biệt là giai đoạn đầu năm, nhiều doanh nghiệp đã phải thu hẹp sản xuất, hoạt động cầm chừng và sa thải rất nhiều lao động. Ông đánh giá sao về điều này?
PGS.TS Nguyễn Đức Lộc: Thời gian qua, đúng là có rất nhiều doanh nghiệp cắt giảm, sa thải nhân sự. Tuy nhiên, theo tôi quan sát, không hẳn đều là vì lý do doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất.
Chúng ta có thể thấy, trong suốt nhiều năm qua, doanh nghiệp FDI vào Việt Nam để tìm kiếm công nhân giá rẻ rất nhiều. Họ tận dụng nguồn lao động giá rẻ những lao động địa phương không có nhiều kỹ năng, chỉ cần sức khỏe và sức trẻ.
Hiện nay, các tiêu chuẩn bền vững đang dần trở thành chuẩn mực, không chỉ vấn đề môi trường mà còn là câu chuyện đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Những doanh nghiệp lớn, có hệ thống bài bản, họ sẽ coi đây là cơ hội để cải tổ bộ máy làm sao đáp ứng tối đa các tiêu chuẩn bền vững, nhân văn, qua đó tiếp cận thị trường tốt hơn.
Tuy nhiên, cũng có không ít doanh nghiệp, thay vì tìm kiếm giải pháp vẹn toàn, lại lựa chọn thay thế người lao động phổ thông bằng máy móc hoặc thuê lao động thời vụ. Nền kinh tế khó khăn tạo cơ hội cho họ làm điều đó.
Một lượng lớn lao động bị đẩy ra khu vực phi chính thức, trở thành những lao động tự thân. Rồi hiện tượng rút bảo hiểm xã hội một lần nữa, gây ra rất nhiều thách thức. Cuộc khủng hoảng an sinh, như tôi đã cảnh báo trước đây, ngày càng hiện hữu.
Hệ quả là một lượng lớn lao động bị đẩy ra khu vực phi chính thức, trở thành những lao động tự thân. Rồi hiện tượng rút bảo hiểm xã hội một lần nữa, gây ra rất nhiều thách thức. Cuộc khủng hoảng an sinh, như tôi đã cảnh báo trước đây, ngày càng hiện hữu.
Xin ông lý giải rõ hơn cuộc khủng hoảng về an sinh xã hội?
PGS.TS Nguyễn Đức Lộc: An sinh xã hội bao gồm bốn trụ cột là việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo trợ xã hội và các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục…). Trụ cột việc làm trở nên bấp bênh thì các trụ cột khác cũng sẽ bị đe dọa.
Tình trạng người lao động mất việc trong năm qua diễn ra rất nhiều nhưng tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam không ở mức cao, do người Việt thật ra rất giỏi xoay sở. Ở bất cứ độ tuổi nào, họ có thể làm bất cứ công việc gì để nuôi sống bản thân và gia đình, ví dụ như mất việc ở nhà máy thì ra chạy xe ôm, bán hàng rong, bán vé số.
Nhóm lao động chuyển dịch từ khu vực chính thức sang các công việc tự thân này chủ yếu ở độ tuổi 40 trở lên. Họ vẫn có sức lao động nhưng không trẻ khỏe, dẻo dai như tuổi thanh niên nữa.
Họ có thể làm công việc tự do trong khoảng vài chục năm cuộc đời nhưng cứ ngừng là hết tiền, hay có ốm đau bệnh tật gì là cũng không xoay xở nổi. Những rủi ro này tiềm ẩn nhưng rất khó để nhận ra vì bản thân người lao động tự do đang “tạm ổn” với những việc làm phi chính thức.
Kể từ giai đoạn đại dịch Covid-19 đến nay, doanh nghiệp tăng cường đào thải lao động, dẫn đến lực lượng lao động gia nhập nhóm phi chính thức ngày càng trẻ hóa. Rồi một số bạn trẻ tốt nghiệp ra trường, nhiều hoài bão, nhiều ước mơ nhưng do một số lý do nên cũng phải đi làm xe ôm công nghệ.
Điều đó khiến vòng xoáy bấp bênh về an sinh ngày càng xoay nhanh hơn. Tôi đã chứng kiến nhiều cảnh tượng những người có tuổi không bán vé số, không chạy xe ôm lại được với thanh niên, phải đứng xin ăn ở quanh các hàng, quán. Những cảnh tượng thật sự đau lòng.
Chúng ta kỳ vọng rằng doanh nghiệp FDI sẽ giải quyết vấn đề việc làm, bao gồm tạo công ăn việc làm và đào tạo, nâng cao tay nghề lao động nhưng thực tế lại không diễn ra như vậy. Điều này xuất phát từ đâu, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Đức Lộc: Không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia cũng đón các làn sóng FDI. Tuy nhiên, ở một số quốc gia, họ tranh thủ được dòng vốn quốc tế, nhờ vào quy định pháp lý chặt chẽ, để doanh nghiệp FDI tạo ra hiệu quả thực chất.
Về điều này, Việt Nam chưa thực sự làm tốt được như các nước khác. Bởi chúng ta chưa có sự chuẩn bị kỹ càng. Ví dụ như muốn FDI nâng cao chất lượng lao động, chúng ta phải có sự chuẩn bị để nhân lực đáp ứng được những yêu cầu cơ bản, phải có pháp lý để ràng buộc trách nhiệm của các doanh nghiệp FDI.
Thiếu sót này đến từ một lối tư duy cố hữu. Các địa phương tính chỉ số GRDP và lấy đó làm chỉ tiêu để theo đuổi, tạo ra một cuộc đua để làm đẹp số liệu. Điều này tạo cơ hội cho các doanh nghiệp chế xuất, chế xong là xuất khẩu luôn, chỉ đóng góp tiền thuê đất, tiền thuế thu nhập doanh nghiệp chứ rất hạn chế về giá trị lan tỏa cho xã hội.
Nhiều địa phương có tiềm năng ở các lĩnh vực như nông nghiệp, du lịch… cũng thu hút nhà đầu tư dệt may, da giày chứ không tính đến phát huy tiềm năng, thế mạnh riêng.
Thực trạng này có thể thấy rõ khi Việt Nam trở thành thủ phủ sản xuất dệt may, da giày, nhiều địa phương có tiềm năng ở các lĩnh vực như nông nghiệp, du lịch… cũng thu hút nhà đầu tư dệt may, da giày chứ không tính đến phát huy tiềm năng, thế mạnh riêng.
Hệ quả là sau 30 năm thu hút FDI, chúng ta vẫn không xây dựng được ngành công nghiệp phụ trợ, thành tựu khoa học công nghệ cao vẫn còn hạn chế. Thuận theo xu thế cải thiện đời sống người lao động, doanh nghiệp FDI hoàn toàn có thể rút đi để tìm nơi có lao động rẻ hơn thì chúng ta còn đọng lại điều gì? Hay chỉ có nước đập nhà máy cho doanh nghiệp khác vào xây lại?
Gần đây, Việt Nam đang rất hồ hởi với những cơ hội đến từ ngành công nghiệp bán dẫn. Tôi không phủ định những cơ hội ấy. Tuy nhiên, chúng ta nên rút ra bài học từ những điều chưa làm được trước đây để có cách ứng xử phù hợp hơn, tạo ra giá trị thực chất hơn.
Trong bối cảnh hiện tại, phục hồi kinh tế được đặt lên ưu tiên hàng đầu. Theo ông, liệu chúng ta có tiếp tục đi vào vết xe đổ là chú trọng tăng trưởng mà bỏ quên những giá trị khác?
PGS.TS Nguyễn Đức Lộc: Định nghĩa về sự tăng trưởng, phát triển kinh tế hiện nay đã khác so với trước kia, không chỉ là những con số nữa. Muốn tăng trưởng, phát triển thì phải sản xuất được hàng và bán được hàng, mà thị trường thì ngày càng yêu cầu đáp ứng được các tiêu chuẩn nhân văn, bền vững thì mới chấp nhận sản phẩm của doanh nghiệp.
Nói là vậy nhưng chúng ta cũng phải hết sức cẩn thận trước những biến chuyển khó lường của tình hình kinh tế. Tôi lấy ví dụ như hiện nay, “nền kinh tế livestream” (bán hàng qua phát sóng trực tiếp) đang nở rộ, giúp các nền tảng thu được doanh thu khổng lồ.
Tuy nhiên, doanh thu ấy đến từ đâu, từ ngành sản xuất trong nước hay là hàng hóa đến từ nước ngoài, chưa biết chất lượng ra sao nhưng bán với giá siêu rẻ để chiếm lĩnh thị trường. Không tỉnh táo trước cái sự tích cực của doanh thu khổng lồ ấy, chúng ta có thể đánh mất đi ngành sản xuất, ngành bán lẻ, đẩy thêm nhiều lao động vào tình cảnh bấp bênh.
Các con số thống kê kinh tế, suy cho cùng vẫn mang nặng tính chất vĩ mô. Theo tôi, để đánh giá một nền kinh tế có thực sự phục hồi, cần phải xem xét những góc độ nhỏ hơn, cụ thể là sinh kế, đời sống của từng hộ gia đình.
Ngay từ thời xa xưa, cha ông chúng ta đã hiểu câu chuyện này rồi, vậy nên theo Đại Việt sử ký toàn thư có ghi chép, ở triều đại phong kiến đã có tiêu chí đánh giá “đạo làm quan” là dân phải có đủ thóc, đủ ăn. Hay ở các lý thuyết kinh tế đạo đức phương Tây, người ta có nhấn mạnh tiêu chí phải đảm bảo quyền được sinh tồn cho người dân khi đánh giá kinh tế.
Ngày nay thì đói ăn ít diễn ra, không phải như xưa nhưng tình cảnh thiếu thốn, giật gấu vá vai vẫn còn không ít. Phục hồi kinh tế phải tính đến giải quyết những câu chuyện như vậy chứ không chỉ tập trung nâng mức tăng trưởng GDP lên thật cao.
Xin ông đưa ra một số giải pháp để đảm bảo sự phục hồi kinh tế một cách bao trùm như vậy?
PGS.TS Nguyễn Đức Lộc: Về dài hạn, theo tôi cần có những khung pháp lý đủ mạnh để thúc đẩy doanh nghiệp theo đuổi các mô hình phát triển bền vững. Đừng đòi hỏi họ tự làm vì lòng tốt mà cần phải có quy định chặt chẽ, bắt tất cả cùng phải tuân theo chuẩn mực của sự tiên tiến và nhân văn.
Có doanh nghiệp cũng muốn làm tốt nhưng tiên phong đi một mình thì khó đủ đường. Toàn thể cộng đồng doanh nghiệp, vận dụng tất cả nguồn lực để xoay theo hướng bền vững thì mới thành công được.
Những mô hình bền vững tạo ra cơ hội lớn để giải quyết câu chuyện lao động. Tôi lấy ví dụ như mô hình kinh tế tuần hoàn áp dụng cho ngành nông nghiệp, tận dụng những lao động mất việc ở thành phố về quê để chế biến phế phẩm, phụ phẩm đem lại giá trị cao.
Hay như ngành công nghiệp tái chế, ngành du lịch chăm sóc sức khỏe… đều là những cơ hội kinh tế lớn, đều có những khâu đòi hỏi tính con người rất cao, máy móc không làm thay hết được.
Xây dựng được những mô hình kinh tế bền vững dựa trên lợi thế của đất nước, của mỗi địa phương là tiền đề cho Việt Nam tạo ra và tự chủ những chuỗi sản xuất. Ta làm chủ được chuỗi sản xuất thì sẽ tự chủ được câu chuyện đảm bảo an sinh, hạn chế những tác động tiêu cực do bất ổn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Còn ngay trước mắt, chúng ta nên nhanh chóng tìm ra tiềm năng mới của các địa phương để giải quyết ngay tình trạng lao động mất việc.
Tôi xin lấy một cụm từ trong bài hát Chiếc lá thu phai của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là “về thu xếp lại”. Chúng ta tìm về cái gốc, tìm ra những cơ hội vốn có sẵn ở đó nhưng chưa được dùng tới, loại bỏ những cái lỗi thời, từ đó “thu xếp lại” cho tốt hơn.
Mỗi con người đều có tiềm năng làm nhiều việc và cần được khai phá. Địa phương hay doanh nghiệp cũng vậy. Trong bối cảnh hiện nay, hãy mạnh dạn tìm cách khai phá tiềm năng để tìm ra con đường phù hợp nhất.
Theo tôi, để làm được điều này, chúng ta cần có một chương trình hành động quốc gia chứ đừng chỉ có “nâng lên lại đặt xuống”. Phải làm ngay và làm thật quyết tâm, nếu không muốn gánh chịu hậu quả một cuộc khủng hoảng về an sinh.
Cung tiền bị siết chặt, doanh nghiệp không có đơn hàng, dẫn đến người lao động, đặc biệt là lao động phổ thông, lao động tự do bị giảm thu nhập, mất việc làm. Theo PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Social Life, một cuộc khủng hoảng về an sinh đang dần hiện hữu.
Theo giám đốc World Bank tại Việt Nam, già hoá dân số, tỷ lệ việc làm phi chính thức cao và biến đổi khí hậu đặt ra thách thức lớn đối với hệ thống an sinh xã hội
Đối với các quốc gia đã từng trải qua tình trạng già hóa dân số như Việt Nam hiện nay, thì cả trình độ phát triển kinh tế lẫn thu nhập bình quân theo đầu người của Việt Nam đều thấp hơn. Viễn cảnh “chưa giàu đã già” có nghĩa là Việt Nam sẽ phải đối mặt với một loạt thách thức quan trọng cần phải giải quyết thông qua các nỗ lực cải cách đến từ khu vực nhà nước và cả tư nhân.
Nhắc đến hạt gạo tử tế, người ta nhớ ngay đến anh Phạm Minh Thiện, CEO thương hiệu gạo sạch Cỏ May, mà bạn bè doanh nhân vẫn thường yêu quý gọi anh là “Truyền nhân của sự tử tế” bởi sự tiếp sức giữa cha và con cho một hành trình dài của hạt gạo nhân văn, và một ký túc xá khang trang hoàn toàn miễn phí cho sinh viên.
Hội thảo “Hạnh phúc trong Giáo dục” 2024 là cơ hội để nhà lãnh đạo giáo dục, giáo viên, và phụ huynh cùng thảo luận, khám phá những giải pháp xây dựng môi trường học đường tích cực, bền vững.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được kỳ vọng sẽ thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông và tạo cú hích lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, dự án này cũng đặt ra nhiều câu hỏi về khả năng tham gia của nhà thầu xây dựng trong nước.
Xây dựng môi trường làm việc đa dạng và hòa nhập không chỉ mang đến nhiều cơ hội cho tất cả mà còn tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.