Cần 'nắm tay' doanh nghiệp tư nhân

An Chi - 19:41, 10/03/2021

TheLEADERTS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam cho rằng, muốn biết được trong công cuộc xây dựng kinh tế của quốc gia thành hay bại thì hãy nhìn thái độ ứng xử của chính quyền và xã hội đối với doanh nhân.

Cần 'nắm tay' doanh nghiệp tư nhân
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam cho rằng,

Doanh nghiệp tư nhân là ngôi sao hy vọng của nền kinh tế

Nói khu vực tư nhân là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế, nhưng thực tế thời gian qua cho thấy, khu vực doanh nghiệp này vẫn bị nhiều sự đối xử công bằng so với các khu vực kinh tế khác. Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?

TS. Vũ Tiến Lộc: Nhận thức là một quá trình. Việc đổi mới nhận thức là một hành trình rất gian nan. 

Trong thời gian vừa qua, chúng ta đã chưa thành công trong việc tạo ra một môi trường kinh doanh đảm bảo bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Bây giờ là thời điểm Việt Nam cần nhận thức rõ dàng hơn bao giờ hết những vấn đề này. Nhiều nút thắt trong môi trường đầu tư kinh doanh cần được rà soát để sửa đổi, nhằm tạo nên một môi trường kinh doanh thực sự là bệ đỡ cho khu vực kinh tế tư nhân. Tôi kỳ vọng, Đại hội Đảng lần thứ 13 sẽ khởi động mạnh mẽ quá trình này.

Cũng cần phải nói thêm rằng, trong chủ trương chính sách của nhà nước không có sự phân biệt giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cụ thể, trong thiết kế những chính sách, chương trình, giải pháp thực hiện và cách hành xử của đội ngũ cán bộ viên chức, đặc biệt là các cấp chính quyền địa phương thì vẫn có sự phân biệt.

Điều này là do nhận thức chưa đầy đủ của các cơ quan quản lý về vai trò, năng lực của đội ngũ các doanh nghiệp tư nhân. Thực tế cho thấy, có rất nhiều những doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào các địa phương có thể mang lại lợi ích cho các địa phương cao hơn nhiều so với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. 

Tuy nhiên, nhưng trong hành vi ứng xử hàng ngày, nhiều địa phương đã không nhận thức đầy đủ được điều này. Đôi khi, người ta cứ thấy doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào thì nghĩ rằng đó sẽ là công nghệ, chuỗi giá trị cao... nhưng trên thực tế không phải như vậy.

Bản thân các doanh nghiệp lớn của Việt Nam khi đầu tư tại các địa phương luôn mang lại nguồn thu lớn, giá trị gia tăng cao, đưa các địa phương phát triển mạnh mẽ về kinh tế.

Đây là vấn đề nhận thức và thiết kế chính sách. Tôi nghĩ rằng, với chủ trương mới của Đại hội Đảng lần thứ 13, đặc biệt là khi chúng ta đặt cao vấn đề phát triển bền vững, vấn đề tự chủ kinh tế thì chúng ta sẽ phải tiếp tục điều chỉnh hệ thống chính sách theo hướng khuyến khích, cổ vũ động viên, yểm trợ cho sự phát triển của khu vực tư nhân, cho sự phát triển của đội ngũ doanh nhân dân tộc.

Ông đánh giá như thế nào về vai trò, tầm quan trọng của kinh tế tư nhân, doanh nghiệp tư nhân trong công cuộc phát triển kinh tế của Việt Nam hiện nay?

TS. Vũ Tiến Lộc: Có thể nói, Việt Nam đã có một cuộc thoát nghèo thành công khi chuyển một bộ phận lớn lao động từ khu vực nông nghiệp thu nhập thấp sang công nghiệp dịch vụ có thu nhập cao hơn. Trong quá trình đó, các doanh nghiệp, doanh nhân đã đóng góp một vai trò vô cùng quan trọng, là lực lượng "chủ công" trong việc thực hiện quá trình này.

Còn bây giờ, sẽ là quá trình đưa dân tộc này trở nên giàu mạnh. Trong đó, doanh nghiệp tư nhân cũng chính là lực lượng dẫn dắt.

Việt Nam có nhiều cơ hội, lợi thế để phát triển trong thời gian tới. Nếu có thể chế, có hệ thống chính sách tốt, chúng ta sẽ khởi dậy được sức mạnh của toàn dân tộc, khơi dậy được sự đổi mới, sáng tạo trong đội ngũ các doanh nhân, doanh nghiệp. Đó chính là động lực vô tận cho sự phát triển kinh tế.

Trong đó, khu vực tư nhân sẽ là chìa khóa, ngôi sao hy vọng cho nền kinh tế của Việt Nam.

Chỉ bằng cách tiếp cận như vậy, Việt Nam mới thực sự tạo ra được bước phát triển đột phá trong nền kinh tế. Chúng ta đang tiến tới kỷ nguyên của nền kinh tế tri thức, kỷ nguyên số, nền kinh tế dựa trên sáng tạo của trí tuệ của sức mạnh tinh thần của người Việt. Mà trí tuệ, tinh thần đó lại nằm trong nhân dân, sức mạnh của nhân dân.

Cho nên là khởi dậy sức mạnh của nhân dân tức là khơi dậy sức mạnh của khu vực tư nhân. Đó sẽ động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong thời gian tới.

Cần "yểm trợ" cho doanh nghiệp tư nhân phát triển

Các doanh nghiệp của Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, vậy làm thế nào để cổ vũ, khích lệ doanh nghiệp, để doanh nghiệp lớn lên, tự tin lên để hóa rồng, hóa hổ, thưa ông?

TS. Vũ Tiến Lộc: Điều quan trọng nhất là trong thái độ ứng xử của xã hội đối với doanh nghiệp, doanh nhân.

Doanh nghiệp là tài sản quốc gia, doanh nhân là hiền tài của đất nước. Sự kỳ thị đối với doanh nhân là thất bại của dân tộc. Sự coi trọng doanh nhân là nền tảng cho sự thành công của dân tộc trong công cuộc kinh tế.

Do đó, tôi cho rằng, muốn biết được trong công cuộc xây dựng kinh tế của quốc gia thành hay bại thì hãy nhìn thái độ ứng xử của chính quyền và xã hội đối với doanh nhân. Tôn trọng doanh nhân, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển chính là nền tảng. 

Sau đó là hệ thống thể chế chính sách được thiết kế một cách minh bạch, công bằng, khuyến khích, thúc đẩy cạnh tranh và những chính sách hợp lý để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, yểm trợ cho các doanh nghiệp lớn.

Đây sẽ là bệ đỡ đồng bộ để có thể khởi dậy sức sáng tạo, lòng yêu nước của dân tộc. Từ đó có thể hình thành lên một đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp dân tộc ở mọi quy mô có năng lực cạnh tranh, có thể là động lực chính để đưa đất nước trở nên giàu mạnh.

Còn về giải pháp cụ thể, theo ông, làm thế nào để "yểm trợ" cho sự phát triển của doanh nhân, doanh nghiệp?

TS. Vũ Tiến Lộc: Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, tôi cho rằng, cần thông qua mạng lưới các hiệp hội doanh nghiệp trên cả nước để thúc đẩy việc thực hiện quá trình chuyển đổi số, làm sao quá trình chuyển đổi công nghệ số trở thành một hoạt động thường ngày của các doanh nghiệp.

Trước đây, việc hội nhập, tham gia thị trường thế giới chỉ là việc của các doanh nghiệp lớn, nhưng ngày nay, một cá nhân kinh doanh, một doanh nghiệp nhỏ cũng có thể làm được điều này. "Một cô thợ may ở Hội An có thể may đo cho gia đình ở Pháp".

Chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ sẽ là công cụ để các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ có thể bình đẳng với các doanh nghiệp lớn trong việc tiếp cận thị trường.

Với nhận thức này VCCI cũng đang triển khai một chương trình để nâng cấp các doanh nghiệp vừa và nhỏ về quản trị, chuyển đổi số, hướng họ theo định hướng phát triển bền vững,

Chúng ta không thiếu doanh nghiệp, chỉ thiếu các doanh nghiệp chất lượng cao, có giá trị gia tăng lớn. Cho nên, nâng cấp các doanh nghiệp sẽ là chương trình trọng tâm cần thực hiện, thúc đẩy.

Đối với việc hỗ trợ các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp này không cần sự hỗ trợ giống các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tôi cho rằng, Chính phủ cần thúc đẩy quan hệ đối tác công tư, hình thành các hội đồng doanh nghiệp tham gia vào uỷ ban đối tác công tư của. 

Tại đó, các doanh nghiệp lớn có thể tham gia cùng với nhà nước trong việc thúc đẩy hoàn thiện thể chế, môi trường kinh doanh thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Ngoài ra, các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước cần "nắm tay" doanh nghiệp tư nhân trong việc phát triển hệ thống các cơ sở hạ tầng, dịch vụ công, chung tay giữa nhà nước và tư nhân trong phát triển các dự án kinh tế xã hội.

Bây giờ không phải lúc tuyệt đối hoá vai trò của khu vực doanh nghiệp nào mà phải phát huy tối đa hoá vai trò của mỗi khu vực doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy, quan hệ đối tác công tư. Đây chính là mô hình thích hợp để xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội chủ nghĩa.

Xin cảm ơn ông!