Căng thẳng cuộc chiến giữa các nhóm cổ đông tại Vinaconex

Trần Anh - 14:55, 28/06/2019

TheLEADERCác cổ đông của Vinaconex ít đặt vấn đề với các mục tiêu kinh doanh mà đi sâu vào những bất đồng giữa Công ty An Quý Hưng, cổ đông lớn nhất với 57,7% cổ phần và nhóm cổ đông gồm Công ty Cường Vũ và Công ty StarInvest.

Sáng nay, Đại hội cổ đông thường niên năm 2019 của Tổng công ty Vinaconex diễn ra căng thẳng ngay trước khi bắt đầu khi Công ty Đầu tư StarInvest, một trong những cổ đông lớn nắm giữ 7,57% vốn điều lệ Vinaconex yêu cầu bổ sung vào chương trình nhiều nội dung như: sửa đổi quy chế HĐQT, hạn chế quyền lực của Chủ tịch và Tổng giám đốc; xem xét rõ căn cứ pháp lý và mục đích của việc HĐQT quyết định mua lại hơn 23 triệu cổ phiếu VCG làm cổ phiếu quỹ ở mức giá 30.300 đồng/cổ phiếu.

Những nội dung kiến nghị này của StarInvest đã không đưa vào nội dung của Đại hội khi chỉ nhận được 31,52% cổ đông tán thành và 67,75% cổ đông không tán thành.

Các cổ đông lớn nhất của Vinaconex hiện tại là Công ty An Quý Hưng sở hữu 57,7%, Công ty Bất động sản Cường Vũ và Công ty Đầu tư StarInvest nắm giữ lần lượt 21,3% và 7,57% cổ phần.

Đại diện StarInvest và Cường Vũ nhấn mạnh “tinh thần đoàn kết”

Tại sự kiện quan trọng này, các cổ đông của Vinaconex ít đặt vấn đề với các mục tiêu kinh doanh mà đi sâu vào câu chuyện giữa các nhóm cổ đông, đặc biệt tập trung vào những bất đồng giữa An Quý Hưng, cổ đông lớn nhất tại Vinaconex và nhóm cổ đông gồm các công ty Bất động sản Cường Vũ và Đầu tư StarInvest.

Chủ tịch HĐQT của Vinaconex, ông Đào Ngọc Thanh và Tổng Giám đốc Nguyễn Xuân Đông là đại diện cho nhóm cổ đông An Quý Hưng nhận được nhiều câu hỏi như An Quý Hưng có mục đích chiếm đoạt Vinaconex không? Ban lãnh đạo có đang cố tình gây thất thoát cho công ty? Lý do đằng sau việc ban lãnh đạo muốn mua cổ phiếu quỹ với giá cao hơn thị trường là gì?

Trong phiên họp, một cổ đông đại diện của Cường Vũ cho biết, lo sợ nhất là Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc “quyết nhầm”. Theo quy chế mới của Vinaconex, việc chủ tịch HĐQT có quyền quyết định các giao dịch lên đến 10% tổng giá trị tài sản của công ty (tức khoảng 950 tỷ đồng) và Tổng Giám đốc được quyết định các giao dịch đến 5% tổng giá trị tài sản của công ty (khoảng 475 tỷ đồng) là quá nhiều.

Đại diện nhóm cổ đông Cường Vũ cũng cho biết theo nguồn tin họ nhận được, từ đầu năm đến nay đã có 24 nhân sự cấp cao của Vinaconex lần lượt rời bỏ vị trí, mà cổ đông này không được thông tin đầy đủ. Điều này khiến Cường Vũ thấy rằng dù nắm giữ tới 22% cổ phần tại Vinaconex nhưng dường như mình đang không có tiếng nói.

Lý giải nguyên nhân HĐQT Vinaconex bị 2 cổ đông lớn là StarInvest và Cường Vũ khởi kiện vào thời điểm cuối tháng 3, ông Thân Thế Hà và ông Nguyễn Quang Trung, thành viên HĐQT công ty, đồng thời cũng là người đại diện phần vốn tại StarInvest và Cường Vũ cho biết, nguyên nhân kiện gồm 2 khía cạnh là pháp lý và doanh nghiệp.

Đối với vấn đề về pháp luật, sau khi Vinaconex tổ chức đại hội cổ đông bất thường thì các cổ đông mới nhận thấy tiến trình, quy trình, thủ tục triển khai có điều gì đấy thiếu, không đầy đủ. Theo luật quy định, trong vòng 90 ngày xảy ra sự việc vẫn có thể hồi tố lại, vì vậy StarInvest và Cường Vũ có đơn kiến nghị lên tòa án để sửa đổi.

Về góc độ doanh nghiệp, ông Hà cho biết mình là người có thâm niên công tác 28 năm, tham gia vào Vinaconex từ khi công ty mới chỉ có 50 người. Thành công của Vinaconex đến từ tinh thần đoàn kết. Đó là nền tảng cơ bản thực hiện các công việc, từ trước đến nay đối với cơ cấu cổ phần nhà nước chúng tôi duy trì được điều đó.

“Tuy nhiên khi sang cơ chế tư nhân, quyết định của Vinaconex sẽ do cá nhân quyết, điều này vi phạm quản trị rủi ro, trái với tiền lệ, gây bức xúc. Tôi thực sự rất buồn về điều này, chúng tôi kêu gọi đoàn kết, mong muốn đoàn kết. Để đoàn kết phải đảm bảo lợi ích cho nhau, công khai minh bạch. Vinaconex là công ty cổ phần chứ không phải công ty gia đình, công ty trách nhiệm hữu hạn”, ông Hà nói.

Đồng tình với ông Hà, ông Nguyễn Quang Trung cho rằng, đơn kiện là sự đấu tranh thúc đẩy công ty phát triển hoàn thiện hơn.

Căng thẳng cuộc chiến giữa các nhóm cổ đông tại Vinaconex
Đại hội cổ đông của Vinaconex diễn ra sáng nay.

“Ai phát hiện chuyển 1 xu từ Vinaconex vào An Quý Hưng thì cứ gọi công an đến bắt”

Liên quan đến câu hỏi về những lo ngại thất thoát tài sản, phân chia quyền lực tại Vinaconex, ông Đào Ngọc Thanh nhấn mạnh đoàn kết theo lời ông Hà là đúng nhưng đoàn kết ở đây phải dựa trên cơ sở pháp luật. “Đến Chủ tịch bị bầu sai thì cho đi tù”, ông Thanh nhấn mạnh.

Về việc vấn đề sửa đổi quy chế HĐQT đã được đưa ra và thông qua tại HĐQT đúng quy định pháp luật. 

"Những vấn đề thay đổi trong Vinaconex thì không thể có chuyện StarInvest và Cường Vũ không biết, bởi đại diện cho nhóm cổ đông này là ông Hà và ông Trung có mặt trong HĐQT và tham dự không thiếu buổi họp nào", ông Thanh nhấn mạnh.

Theo ông Thanh, chuyện có tiền lệ hay chưa không phải là vấn đề. Doanh nghiệp cứ bám vào tiền lệ không thể đột phá, phát triển được. Còn quy định, họp cổ đông cứ bỏ phiếu quá bán theo quy định pháp luật thì quyết định thông qua.

Theo lời ông Thanh, từ khi trở thành Chủ tịch HĐQT, ông chưa chi ra một đồng nào nên không thể gây thiệt hại. Ông cho biết đã quyết định không ký văn bản bán dự án 1.000 tỷ đồng ở Bình Định dù biết có thể mang về lợi nhuận 100 - 120 tỷ đồng cho Vinaconex.

Đối với vấn đề tẩu tán tài sản, ông Thanh khẳng định chuyện của An Quý Hưng và Vinaconex là 2 doanh nghiệp hoàn toàn khác nhau. “Ai phát hiện chuyển 1 xu từ Vinaconex vào An Quý Hưng thì cứ gọi công an đến bắt”, vị Chủ tịch của Vinaconex nhấn mạnh.

Ông Thanh cũng khẳng định, khoản tiền hơn 7.400 tỷ đồng mua cổ phần Vinaconex là do ông cùng một nhóm người góp lại để mua, không vay tiền ngân hàng. Hiện tại, ông Thanh và ông Đông là đại diện An Quý Hưng, nhưng sau đó còn có nhiều người nữa.

Lý giải việc hàng loạt nhân sự cao cấp ra đi, đặc biệt là tại các công ty con, ông Thanh nói những nhân sự ra đi vì nhiều lý do, trong đó những người không làm được sẽ bị đào thải. Thậm chí trong thời gian tới, sẽ không chỉ là việc nhân sự tự nghỉ việc nữa mà sẽ có sự tham gia của cơ quan pháp luật để làm rõ các sai phạm. “Đó không phải là chất xám của doanh nghiệp”, ông Thanh nhấn mạnh.

Dự án Splendora đáng giá 2 tỷ USD

Chia sẻ về các dự án lớn của công ty, ông Thanh đánh giá dự án khu đô thị Cái Giá ở Cát Bà, Hải Phòng là đặc biệt quan trọng. Đây là dự án quy mô hàng trăm ha lại ở một hòn đảo không được mở rộng. Đặc biệt, Vinaconex lại có một khu đô thị có sổ đỏ vĩnh viễn, một sự hiếm có khó tìm. Thời gian vừa qua, Vinaconex đã trả nợ tiền đất của dự án cho Hải Phòng và hiện UBND Hải Phòng đã hủy quyết định thu hồi dự án Cát Bà Amatina.

Một dự án quan trọng khác là dự án Splendora với diện tích 200 ha do công ty liên doanh An Khánh sở hữu. Vinaconex và Công ty Địa ốc Phú Long mỗi bên đang nắm giữ 50% cổ phần tại liên doanh này.

Theo ông Thanh, Splendora có thể coi là khu đất “đẹp nhất Việt Nam” hiện tại và việc định giá nó ở mức 2 tỷ USD là rất bình thường. Mặc dù vậy, dự án này vẫn đang bất động và trong trường hợp Sovico muốn thâu tóm lại, Vinaconex sẵn sàng bán.

“Quan trọng là khu đất được định giá bao nhiêu tiền, nếu bán được giá, Vinaconex có thể lấy tiền đi đầu tư vào dự án khác”, ông Thanh cho biết.

Chia sẻ thêm về tình hình của Công ty liên doanh An Khánh, đơn vị sở hữu dự án Splendora, Tổng giám đốc An Khánh cho biết doanh nghiệp đang lỗ lũy kế 1.600 tỷ đồng, âm vốn sở hữu 1.000 tỷ đồng. Tổng nợ của doanh nghiệp là 6.000 tỷ đồng, khoản tiềm tàng đâu đó còn 1.600 tỷ đồng. Ông Trung cho rằng để phát triển dự án cần có tiền làm hạ tầng, phát triển quy mô, chứ không thể xé nhỏ. Ước tính cần tăng vốn vào khoảng 1.000 - 2.000 tỷ đồng.