Căng thẳng thương mại có thể đưa đến khủng tài chính toàn cầu

Hoài An - 12:19, 10/10/2018

TheLEADERQuỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong báo cáo mới đây nhận định rủi ro tích tụ trong hệ thống tài chính cùng với sự leo thang của căng thẳng thương mại có thể đẩy tới sự đổ vỡ.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư dường như lại đang cho thấy sự tự mãn, theo Báo cáo ổn định tài chính toàn cầu mới nhất của tổ chức này.

Giá cổ phiếu, đặc biệt tại Mỹ, đã đạt nhiều kỉ lục nhiều lần trong vòng 1 năm qua, cho thấy dấu hiệu các nhà đầu tư sẽ tiếp tục gánh chịu rủi ro. Những bất ổn xung quanh tình hình thương mại có thể khiến tình trạng trên diễn biến nhanh chóng, kích hoạt một đợt bán tháo đột ngột trên thị trường tài chính.

"Căng thẳng thương mại cũng như rủi ro địa chính trị gia tăng và bất ổn chính sách tại các nền kinh tế lớn có thể dẫn tới suy giảm tâm lý đột ngột, kích thích sự điều chỉnh rộng rãi trên thị trường vốn toàn cầu cũng như thắt chặt các điều kiện tài chính", báo cáo nhấn mạnh.

Cách đây không lâu, IMF cho biết gián đoạn thương mại toàn cầu là mối đe dọa với tăng trưởng, giảm dự báo tăng trưởng cho năm 2018 và 2019 xuống 0,2%, dừng ở mức 3,7% cũng như giảm dự báo cho việc trao đổi hàng hóa, dịch vụ trên thế giới, CNBC dẫn tin.

Theo tin từ Bloomberg, nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump thực hiện tất cả lời đe dọa về áp thuế quan, sản lượng kinh tế toàn cầu sẽ giảm hơn 0,8% vào năm 2020 so với kịch bản chiến tranh thương mại không gia tăng. Sản lượng kinh tế của Trung Quốc và Mỹ vào năm 2019 sẽ giảm lần lượt 1,6% và 0,9%.

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ với các đối tác diễn ra giữa thời điểm nhiều thị trường mới nổi đang phải chịu áp lực như dòng vốn lớn chảy vào khi lãi suất tại Mỹ gia tăng, đồng nội tệ giảm giá so với đồng bạc xanh đang mạnh lên.

Giám đốc Bộ phận thị trường tiền tệ và vốn của IMF Tobias Adrian cho biết giữa nền kinh tế phát triển và đang phát triển có rất nhiều sự khác biệt và điều này tồn tại ngay cả giữa những thị trường mới nổi.

"Một số quốc gia bị ảnh hưởng khá nhiều liên quan đến dòng vốn, giảm giá tiền tệ và rộng hơn nữa là điều kiện tài chính ngày càng chặt chẽ", CNBC dẫn lời.

Cuộc đối đầu thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới là một trong những sự kiện kinh tế đáng chú nhất trong năm nay khi không chỉ ảnh hưởng lên Mỹ và Trung Quốc, những hành động “ăn miếng trả miếng” còn gây ra xáo trộn hệ thống thương mại quốc tế.

Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây tiếp tục nhắc lại lời đe dọa gia tăng thuế đối với 267 tỷ USD giá trị hàng nhập từ Trung Quốc nếu Bắc Kinh cho thấy sự trả đũa.

“Trung Quốc muốn đạt được thỏa thuận nhưng tôi cho rằng họ vẫn chưa sẵn sàng. Chúng tôi đã hủy bỏ một số cuộc họp bởi tôi nghĩ họ chưa sẵn sàng cho một thỏa thuận”, Reuters dẫn lời.

Tháng trước, Mỹ chính thức tăng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, nâng tổng giá trị lên 250 tỷ với mức thuế 10 – 25%. Trung Quốc sau đó cũng đáp trả bằng việc nâng thuế đối với 60 tỷ USD hàng Mỹ.

Những cuộc đàm phán giải quyết đối đầu thương mại đã được diễn ra nhưng kết quả dường như vẫn chưa được thành hình, cho thấy dấu hiệu chưa thể nhượng bộ giữa Washington và Bắc Kinh.