Cánh cửa đang dần khép lại với Tiki, Sendo?

Việt Hưng - 06:58, 19/06/2023

TheLEADERHiện thế khó của cả Tiki và Sendo là nguồn lực tài chính và khả năng gia tăng thị phần. Điểm cốt lõi của 2 sàn này là đều tập trung vào người dùng cuối - thị trường vốn chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ các tay chơi ngoại.

Theo báo cáo mới đây của Momentum Works, tổng giá trị hàng hóa giao dịch (GMV) toàn khu vực Đông Nam Á trong năm 2022 đã cán mốc 99,5 tỷ USD, với sự đóng góp chính từ thị trường thương mại điện tử Indonesia (chiếm hơn 52% GMV).

Xét chung toàn khu vực, Shopee của SEA Group và Lazada của Alibaba vẫn là 2 cái tên thống trị thị trường thương mại điện tử. Trong năm 2022, Shopee đạt tới 47,9 tỷ USD GMV, gấp đôi đơn vị thứ 2 là Lazada với 20,1 tỷ USD GMV.

Ngoài Shopee và Lazada, Tokopedia của Tập đoàn GoTo cũng đang bám đuổi rất sát với GMV đạt hơn 18 tỷ USD trong năm 2022.

Đáng chú ý, "tay chơi mới" trên thị trường là TikTok Shop được Momentum Works dự báo sẽ sớm chiếm thị phần lớn trong khu vực, nhất là khi nền tảng TikTok chiếm ưu thế trong lĩnh vực mạng xã hội và video ngắn.

Tại Việt Nam, bức tranh thị trường thương mại điện tử không có nhiều khác biệt so với khu vực. Trong khi các sàn ngoại là Shopee và Lazada vẫn vững vàng ở ngôi đầu, thì các công ty trong nước như Tiki và Sendo đang dần đánh mất thị phần.

Cụ thể, theo ước tính của Momentum Works, Tiki và Sendo hiện chỉ chiếm lần lượt 6% và 4%. Điều này trái ngược hoàn toàn so với những thống kê của iPrice Group trong năm 2021, khi lượng truy cập vào sàn Tiki vẫn bám sát Lazada với gần 18 triệu lượt truy cập.

Cánh cửa đang dần khép lại với Tiki, Sendo?
Tiki và Seno hiện chỉ chiếm lần lượt 6% và 4% thị phần

Có giả thuyết cho rằng, cánh cửa đang dần "khép lại" với Tiki và Sendo tại thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Với việc duy trì được lượng truy cập lớn từ người dùng, nhưng không tạo ra doanh thu khiến các doanh nghiệp này ngày càng đánh mất thị phần vào tay đối thủ ngoại.

Thực tế, tình hình của các sàn thương mại điện tử nội như Tiki cũng không mấy khả qua. Trong báo cáo của VNG - đơn vị từng đầu tư vào Tiki ghi nhận, giá trị đầu tư của VNG vào Tiki Global đã về 0 tính đến cuối năm 2022.

Trong khi đó, đại diện Sendo từng tiết lộ, nếu chỉ tính vận hành thuần túy, sàn này đã có lãi. Khác với các đối thủ, chiến lược của Sendo từ trước đến nay là tập trung vào khách hàng ở tất cả vùng miền chứ không chỉ thành phố lớn.

Hiện thế khó của cả Tiki và Sendo là nguồn lực tài chính và khả năng gia tăng thị phần. Điểm cốt lõi của 2 sàn này là đều tập trung vào người dùng cuối - thị trường vốn chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ các tay chơi ngoại.

Một mô hình có thể "xoay chuyển" cục diện này, chính là thương mại điện tử B2B. Không giống như B2C, người mua B2B thường đưa ra giá trị đơn hàng với số lượng lớn. Giá trị đơn hàng trung bình của giao dịch B2B theo tính toán của Forrester rơi vào khoảng 491 USD, so sánh với mức khá bé 147 USD của mô hình B2C.

Trong khi giao dịch B2C có rủi ro huỷ đơn hàng lớn, thì người bán B2B có tỷ lệ chuyển đổi cao gấp 3 lần. Ngoài mang lại trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng, lợi thế của thương mại điện tử khi ứng dụng vào B2B là hiệu quả về quản lý và kiểm soát một số mối quan hệ nhà cung cấp cùng một lúc.

Mặc dù thị trường e-B2B vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam (dưới 150 triệu USD vào năm 2020), tuy nhiên, các giải pháp hậu cần kỹ thuật số và đô thị được triển khai bởi những doanh nghiệp e-B2B đã mang lại một bước ngoặt đáng kể trong quá trình chuyển đổi lâu dài mạng lưới phân phối đô thị.

Điển hình như VinShop đang trở thành điểm sáng của thị trường B2B, đánh dấu bước chuyển mình của hàng vạn cửa hàng tạp hóa. Telio - nền tảng thương mại điện tử B2B được VNG đầu tư tới 22,5 triệu USD đã mở rộng tại 26 tỉnh, thành trên khắp cả nước.

Một ứng cử viên khác là startup Kilo được thành lập vào năm 2020 đã huy động thành công 5 triệu USD cho vòng gọi vốn Series A. Trong lĩnh vực F&B, Losupply - một dịch vụ mới của Loship cũng hướng tới mảng TMĐT B2B trong việc giao nguyên vật liệu sỉ cho các nhà hàng, quán ăn, cửa hàng kinh doanh ăn uống.