'Chất lượng quản trị quyết định thành bại của doanh nghiệp'

Đặng Hoa - 09:22, 09/04/2018

TheLEADERVăn hóa hành xử bên trong doanh nghiệp sẽ quyết định đến chiến lược. Thương hiệu chính là không gian văn hóa của doanh nghiệp, của chính sản phẩm mà chúng ta tạo ra. Thương hiệu mạnh không chỉ là một thương hiệu được biến đến mà còn là một thương hiệu được biết đến như thế nào

Các chuyên gia về chiến lược cho rằng, trong bối cảnh hội nhập và bùng nổ công nghệ như hiện nay, quản trị doanh nghiệp, đặc biệt là quản trị thương hiệu cũng đã thay đổi, nếu không nhìn nhận được điều này, việc bị tụt lại phía sau là điều không thể tránh khỏi.

Theo nhìn nhận của TS. Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế xã hội Bắc Ninh, chất lượng quản trị quyết định sự thành bại của một doanh nghiệp và sự thịnh vượng của một quốc gia. 

Chính phủ đang quyết tâm theo đuổi chủ trương nâng cao chất lượng quản trị, tạo môi trường thuận lợi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp đồng thời cải thiện và xóa bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, hiệu quả từ việc này đã nhìn thấy rõ trong thời gian qua.

Quản trị thương hiệu cần chạm đến cảm xúc khách hàng
TS. Nguyễn Phương Bắc

Tuy nhiên, ông Bắc nhấn mạnh, hỗ trợ của nhà nước trong việc cải thiện môi trường kinh doanh có đến được với các doanh nghiệp hay không nằm ở năng lực quản trị của chính doanh nghiệp.

Có cùng quan điểm, tại hội thảo "Quản trị thương hiệu doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập và bùng nổ công nghệ", TS. Hàn Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD) cho rằng, nếu không quản trị tốt thì không thể phát triển một cách bền vững cả từ phía doanh nghiệp và quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia sâu rộng hơn vào thị trường quốc tế.

Theo chuyên gia thương hiệu Bùi Quý Phong, Giám đốc Công ty Tư vấn chiến lược thương hiệu châu Á, nhìn từ góc độ kinh doanh và quản trị doanh nghiệp, cơ hội của số hóa và internet đã và đang làm thay đổi kỷ nguyên của người tiêu dùng, sự kết nối trong cộng đồng những người tiêu dùng đang trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Ông Phong nhìn nhận, trong hoạt động quản trị và kinh doanh, các cá nhân và tổ chức hiện hữu đều có một phiên bản số hóa, do đó, phương thức kinh doanh ngày nay đã thay thế phương thức truyền thống hay nói cách khác nếu trước đây nguồn lực tập trung vào một điểm thì nay đã được phân tán. 

Chẳng hạn như hoạt động của Uber trước đây hay chuỗi khách sạn Airbnb - những doanh nghiệp sở hữu một nền tảng phi tập trung.

Phương thức truyền thông cũng đã thay đổi, nếu trước đây sức mạnh thuộc về đài truyền hình và báo chí chính thống thì giờ đây đã bị phân tán bởi facebook và các trang mạng xã hội, mỗi cá nhân với một chiếc smartphone đều có một kênh truyền thông riêng của mình.

Chính điều này đã tạo ra sự thay đổi trong phương thức kết nối, cách hoạt động và cách ra quyết định của người tiêu dùng. Khi các phương tiện truyền thông đã chủ động hơn và khai thác tối đa nền tảng của internet, khách hàng không còn muốn lắng nghe thông tin một cách thụ động. 

Họ “đóng tai” lại với tất cả các chương trình truyền thông và chủ động trao đổi với bạn bè trên facebook khi cần.

Ông Phong cho rằng thời đại làm marketing theo kiểu “hữu xạ tự nhiên hương” giờ đây không còn, khi bước vào thời đại công nghệ số, các doanh nghiệp cũng cần cân nhắc vì quảng cáo theo phương thức truyền thống không còn hiệu quả.

“Biển quảng cáo quan trọng nhất ngày nay là biển 3 inch hay 5 inch nằm ở trong túi áo của mỗi người. Còn cái biển lớn treo ở phía trên phải trả rất nhiều tiền thì giờ đây chẳng còn được chú ý đến mấy”, ông Phong nhìn nhận.

Cũng theo ông Phong, người tiêu dùng giờ đây có quá nhiều sản phẩm và thông tin trong khi họ có công cụ và phương thức tìm kiếm mới; do đó, họ dần trở nên khó tính và khắt khe hơn đối với các sản phẩm dịch vụ.

Việc định vị và chiếm lĩnh tâm trí của khách hàng giờ đây rất khó do các phương tiện truyền thông xuất hiện ngày càng nhiều trong khi bộ nhớ của con người có giới hạn.

Quản trị thương hiệu cần chạm đến cảm xúc khách hàng 1
Ông Bùi Quý Phong, Giám đốc Công ty Tư vấn chiến lược thương hiệu châu Á

Thương hiệu không phải nằm ở những tờ quảng cáo hay các chiến dịch quảng cáo mà nằm ở những giá trị cốt lõi đằng sau mỗi sản phẩm đó là niềm tin, sự thấu hiểu và là giá trị của cảm xúc. 

Những giá trị này, một phần sẽ được tạo nên bởi cung cách làm việc và chất lượng dịch vụ - điều được quyết định và tạo dựng thông qua ý thức và nhận thức về thương hiệu trong công tác quản trị.

“Văn hóa hành xử bên trong doanh nghiệp sẽ quyết định đến chiến lược. Thương hiệu chính là không gian văn hóa của doanh nghiệp, của chính sản phẩm mà chúng ta tạo ra. Thương hiệu mạnh không chỉ là một thương hiệu được biến đến mà còn là một thương hiệu được biết đến như thế nào”, ông Phong nhận định.

Để làm được điều đó, các doanh nghiệp cần thực sự hiểu được tâm lý khách hàng; việc chạm vào cảm xúc của khách hàng cũng như tạo được giá trị gia tăng đi kèm sẽ còn quan trọng hơn chính sản phẩm mà các doanh nghiệp làm ra. Ông Phong cho rằng chính điều này sẽ tạo nên sự khác biệt.